“Tai bay vạ gió” khi công chứng viên không được mua bảo hiểm nghề nghiệp

Rủi ro trong hoạt động công chứng có thể xảy ra đối với bất kỳ công chứng viên nào và trách nhiệm vật chất của công chứng viên có thể rất lớn vì vậy nghề công chứng phải có bảo hiểm nghề nghiệp. Thế nhưng thực tế thì nhiều tổ chức hành nghề công chứng hiện không mua hoặc không muốn mua bảo hiểm cho công chứng viên, bất chấp quy định pháp luật.

Nếu công chứng viên có một sai sót trong khi thảo một hợp đồng tiền tỉ, khách hàng có thể sẽ phá sản và cả đời không còn cơ hội “gỡ gạc” lại. Được coi là nghề đặc thù “sai một li, đi một dặm” nên nghề công chứng phải có bảo hiểm nghề nghiệp. Thực tế thì nhiều tổ chức hành nghề công chứng hiện không mua hoặc không muốn mua bảo hiểm này, bất chấp quy định pháp luật.

Hành nghề tại một văn phòng công chứng
Hành nghề tại một văn phòng công chứng

“Cái phao” dự phòng

Trên thế giới, các công chứng viên khi hành nghề buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bởi đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nếu công chứng viên mắc sơ xuất chính là người dân. Ở Việt Nam, Luật Công chứng năm 2006 cũng quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng; và các văn phòng công chứng có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Ngày càng nhiều khách hàng tại các văn phòng công chứng cho rằng họ sẽ yên tâm hơn nếu được biết công chứng viên là người sẽ thực hiện việc công chứng cho mình đã được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Liên, một khách hàng của Văn phòng công chứng Hà Nội cho biết: Vì làm trong lĩnh vực ngân hàng nên hàng tháng chị thường xuyên phải đến đây công chứng các hợp đồng, giao dịch cần thiết cho khách hàng của ngân hàng. Trong đó có rất nhiều hợp đồng, giao dịch có giá trị kinh tế lớn, lên tới hàng tỷ đồng hoặc hơn thế.

Chị khẳng định việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với văn phòng công chứng mà cả đối với phía khách hàng của văn phòng công chứng. “Tôi đã đi công chứng nhiều hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn. Nếu có sơ suất trong việc công chứng khiến tôi bị thiệt hại thì lúc ấy chỉ còn biết trông chờ vào bồi thường của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công chứng viên”, chị Liên nói.

Rất nhiều ý kiến đồng tình cho rằng công chứng là dịch vụ pháp lý nên trước hết yêu cầu đúng pháp luật là tiên quyết. Khách hàng đến công chứng sẽ yên tâm khi biết công chứng viên đã được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ đem lại lợi ích rõ ràng cho cả khách hàng và công chứng viên. Giả sử hợp đồng chuyển nhượng bất động sản đã được công chứng nhưng nội dung đó trái luật mà công chứng viên không phát hiện được (do sơ suất hay do nhận thức pháp lý hạn chế) thì theo Luật Công chứng, văn phòng công chứng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này cho khách hàng. Còn đối với văn phòng công chứng đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, khoản bồi thường sẽ do công ty bảo hiểm chi trả.

Quy định vẫn còn nằm trên giấy

Tuy nhiên do còn thiếu những hướng dẫn cụ thể nên các tổ chức hành nghề công chứng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và các Sở Tư pháp đã gặp không ít lúng túng trong việc triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Đấy là chưa kể một điểm bất cập của Luật Công chứng ở chỗ Luật quy định công chứng viên tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng.

Vì vậy nếu có sai sót do lỗi của công chứng viên, lẽ ra trách nhiệm bồi thường phải thuộc về cá nhân công chứng viên, chứ không thể là tổ chức hành nghề công chứng như luật định. Trong trường hợp văn phòng công chứng bị giải thể, ai sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng văn bản đã công chứng thì Luật đang bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, tính khả thi của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trên thực tế dường như không cao. Mặc dù từ đầu năm 2008 các văn phòng công chứng đã triển khai hoạt động rầm rộ song cho đến nay, chỉ có một số lượng rất ít các văn phòng công chứng đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Điều này không hẳn xuất phát từ ý chí chủ quan của các văn phòng công chứng mà có nguyên nhân khách quan từ phía người bán bảo hiểm.

Trưởng Văn phòng công chứng Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) Đặng Tuấn Phong cho biết: “Hiện tại mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp rất khó vì bảo hiểm không bán hoặc bán rất hạn chế”. Rủi ro từ hoạt động công chứng rất khó đánh giá nên sự lưỡng lự của các công ty bán bảo hiểm là điều dễ hiểu.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hiệp hội công chứng (không phải là các tổ chức hành nghề công chứng) thường đứng ra mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các công chứng viên. Khi có rủi ro xảy ra, bảo hiểm chịu trách nhiệm một phần, công chứng viên sẽ chịu trách nhiệm phần còn lại.

Ở nước ta, hiệp hội công chứng bắt đầu được thành lập tại một số địa phương như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì phải chăng đã đến lúc cần tính toán đến giải pháp này. Sự hướng dẫn kịp thời việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước về công chứng sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho công chứng viên khi hành nghề cũng như quyền lợi của khách hàng.

Phòng công chứng không thể “ngoài luồng”

Một thống kê gần đây cho thấy phần lớn các hợp đồng, giao dịch công chứng đều liên quan đến đất đai, tài sản có giá trị. Ở một số tổ chức hành nghề công chứng, con số này chiếm tới khoảng 50% khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mới chỉ áp dụng cho công chứng viên thuộc văn phòng công chứng là không hợp lý.

Rủi ro trong hoạt động công chứng có thể xảy ra đối với bất kỳ công chứng viên nào, dù thuộc văn phòng công chứng hay phòng công chứng. Một khi rủi ro xảy ra thì trách nhiệm vật chất của công chứng viên có thể rất lớn, tùy thuộc vào giá trị hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Vì vậy cần áp dụng quy định này cho cả công chứng viên thuộc phòng công chứng, bởi hiện nay Nhà nước chưa có quỹ bồi thường rủi ro dành riêng cho hoạt động công chứng của các công chứng viên thuộc phòng công chứng.

Nếu rủi ro xảy ra, cơ quan nào đứng ra bồi thường và kể cả có cơ quan nhà nước đứng ra bồi thường thì cũng phải tiến hành truy thu đối với công chứng viên đã gây ra lỗi. Khi đó trách nhiệm vật chất của công chứng viên sẽ rất lớn, không ai có thể đứng ra san sẻ trách nhiệm ngoài công ty bảo hiểm được.

“Điều 32 Luật Công chứngnăm 2006

Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng

Bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng.

Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình.

Doãn Sơn

Đọc thêm