Mọi thủ tục thi hành án (THA) đã hoàn tất, tài sản đã được cưỡng chế để giao cho người được THA thì sau đó, người phải THA tái chiếm trở lại. Phải kiện đến đâu để đòi quyền lợi?.
|
Ảnh minh họa. |
Những vụ tái chiếm oái oăm
Chị Nguyễn M.P ở Từ Liêm, Hà Nội là nguyên đơn trong một vụ án tranh chấp đất đai. Tháng 6/2008 chị P được TANDTP. Hà Nội xử thắng kiện, buộc ông P.T.K phải trả cho chị hơn 100m2 đất. Do ông K không tự nguyện THA buộc THA Hà Nội phải tiến hành cưỡng chế. Phần đất này sau đó đã được THA giao cho chị P với đầy đủ thủ tục, giấy tờ.
Tuy nhiên, do nhà chị P ở ngoại thành Hà Nội, trong khi mảnh đất chị được trao trả lại ở nội thành, liền kề với nhà ông K nên nhân lúc chị chưa kịp xây tường rào ông này đã đem vật liệu xây dựng đổ lên phần đất đã bị cưỡng chế. Liều lĩnh hơn, ông K còn định xây nhà cấp 4 và ngang nhiên thách đố chị P…
Chị P cầu cứu đến cơ quan THA thì được hướng dẫn đến chính quyền địa phương để được can thiệp vì khi đó, bản án đã thi hành xong. THA hết trách nhiệm. Về địa phương, sau nhiều lần bị chính quyền nhắc nhở, ông K vẫn không chịu dọn đi phần vật liệu đã đổ trên đất chị P. Tìm đến luật sư, chị được tư vấn kiện ông K đến cơ quan Công an.
Một vụ việc khác ở Hưng Yên. Năm 1994, tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Hải Hưng đã tuyên buộc bà DTT phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép để trả lại 108 m2 đất cho bà TTM. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, THA thành phố Hưng Yên đã tiến hành cưỡng chế giao trả tài sản nói trên cho bà M. Tuy nhiên, năm 1998, bà T. tái chiếm đối với phần đất này. Kêu đến nhiều nơi vẫn không giải quyết được, bà T buộc phải gửi đơn tố giác tội phạm đối với hành vi của bà M đến cơ quan pháp luật.
Còn nhiều những vụ tái chiếm THA khác, không chỉ do người được giao tài sản sơ hở, mà vì lý do… ranh giới chủ quyền quá mong manh. Nhất là những vụ THA không phải cưỡng chế mà do đương sự tự nguyện, hay những vụ THA chỉ làm việc duy nhất là căng dây, phân chia mốc giới, hoặc xây một bức tường, đặt mấy viên gạch… Những vụ việc này, nếu cố tình, người phải THA rất dễ dàng lấy lại tài sản, mà chủ sở hữu, sử dụng, muốn đòi lại cũng “chờ được vạ, má đã sưng”
Kiện ra tòa là tốt nhất?
Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Châu và cộng sự tư vấn: trong những trường hợp tái chiếm như vậy, trách nhiệm của cơ quan THA đã hết, do vậy, việc cần làm đầu tiên là yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp để kịp thời đình chỉ hành vi trái pháp luật (ví dụ đổ vật liệu, xây nhà trên đất đã được giao cho người được THA). Nếu đương sự cố tình không thực hiện, chính quyền địa phương cần áp dụng biện pháp cưỡng chế”.
Tuy nhiên, theo một chấp hành viên cơ quan THA thì trong những vụ việc đã cưỡng chế, bàn giao tài sản, đương sự cố tình tái chiếm, đã được chính quyền địa phương can thiệp mà vẫn tiếp tục vi phạm thì cần phải xem xét, xử lý về tội không chấp hành án.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, trong trường hợp này cần phải kiện ra tòa để đòi lại tài sản đã bị chiếm giữ trái phép. Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại thì không đồng tình bởi việc tranh chấp này trước đó tòa đã giải quyết bằng quyết định/bản án có hiệu lực, được THA thi hành.
Như vậy, dù tài sản sau này có lấy lại được bằng cách nào cũng phải qua con đường rất gian nan, mệt mỏi. Vì thế, theo một chấp hành viên thì tốt nhất là ngay sau khi được bản án kết thúc, người được THA cần chủ động có biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Có thể xây tường bao, làm hàng rào, cho người trông coi… để kịp thời ngăn chặn việc tái chiếm ngay từ đầu. Nếu không, việc đi đòi quyền lợi không biết bao giờ mới chấm dứt.
1. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Khoản 1,2 điều 165 Luật THADS) |
Hương Bằng