Tài tử Pháp Jean-Paul Belmondo: Hóa thân vạn kiếp còn hơn chỉ sống một đời!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Jean-Paul Belmondo là ngôi sao điện ảnh Pháp đã ngự trị trên màn ảnh lớn nước này trong nhiều thập niên liền đã qua đời ở tuổi 88, để lại niềm tiếc thương trong lòng nhiều thế hệ người hâm mộ. Nhiều người đã phải công nhận ông chính là tượng đài lớn nhất trong làng phim Pháp.
Jean-Paul Belmondo.
Jean-Paul Belmondo.

Sự nghiệp huy hoàng

Jean-Paul Belmondo sinh ra ở vùng ngoại ô Paris trong một gia đình có dòng máu nghệ sĩ. Cha của ông là một nhà điêu khắc có uy tín, từng được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Mỹ thuật của Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, Jean-Paul đã thể hiện đam mê với nghệ thuật. Vì không thích học nên ông hay nổi loạn, không chịu học dẫn đến không giỏi, nhiều lần bị đuổi học do thiếu kỷ luật. Ngồi trên ghế nhà trường nhưng ông chỉ mơ ra sân đá bóng, lên võ đài đấm bốc, hay làm diễn viên.

Trong quyển hồi ký có tiêu đề “Hóa thân vạn kiếp còn hơn chỉ sống một đời”, Jean-Paul Belmondo cho biết, lúc còn sống, cha ông không bao giờ khiển trách mà ngược lại còn khuyến khích con cái đi tìm một hướng đi riêng cho sự nghiệp của mình. Có lẽ đây chính là lý do sau này khi đã thành danh, nam diễn viên đã lập một viện bảo tàng ở Boulogne-Billancourt để ghi nhớ công ơn sinh thành của người cha quá cố.

Belmondo sau đó chọn nghề diễn xuất trên sân khấu vì theo ông, nhập vai diễn xuất là một cách để sống cuộc đời của cả ngàn nhân vật khác nhau. Sự nghiệp diễn xuất của Belmondo dù nhận được sự ủng hộ của gia đình nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Ông phải thi tới 3 lần mới đỗ vào Học viện Nghệ thuật sân khấu của Pháp. Khi mới ra trường, để kiếm sống, như nhiều bạn học mà về sau đều thành danh, ông cũng từng phải chấp nhận đóng các vai phụ với số thù lao cực kỳ ít ỏi. Thế nhưng, được theo đuổi đam mê, không việc gì là ông từ bỏ.

Tang lễ Jean-Paul Belmondo tại Bảo tàng quân đội Les Invalides.Tang lễ Jean-Paul Belmondo tại Bảo tàng quân đội Les Invalides.

Dịp may đến với Belmondo khá tình cờ vào năm 1957, khi ông xuất hiện trong bộ phim “Un drôle de Dimanche” của đạo diễn Marc Allegret. Dù chỉ đóng vai phụ nhưng ông lại lọt vào mắt xanh của nhà phê bình điện ảnh Jean-Luc Godard. Godard cho rằng kịch bản của bộ phim cũng như các diễn viên quá tệ, chỉ có người đóng vai phụ mới thật sự có hồn. Vài năm sau, khi trở thành đạo diễn, Godard tình đến Belmondo và giao cho ông vai chính là một trùm xã hội đen trong bộ phim đầu tay của ông có tên “À bout de souffle”.

Bất ngờ thay, bộ phim có ngân sách hạn hẹp này lại đoạt giải thưởng điện ảnh Pháp Jean Vigo dành cho tác phẩm đầu tay, đồng thời giành được luôn Giải thưởng lớn của Ban giám khảo liên hoan Berlin vào mùa xuân năm 1960. Cũng chính vì thế mà mới vài hôm trước còn vô danh, Belmondo qua một đêm trở nên nổi tiếng khắp nơi.

Sự nghiệp của Belmondo thật sự cất cánh vào đầu những năm 1960 và kéo dài trong hơn 3 thập niên. Nổi danh vào năm 27 tuổi, Belmondo từng bước gây dựng sự nghiệp để rồi trở thành một trong những ngôi sao màn bạc lẫy lừng. Trong giai đoạn huy hoàng nhất, mỗi năm, ông tham gia tới 4 hoặc 5 dự án điện ảnh cùng hàng loạt các bộ phim nghệ thuật và giải trí. Trong thập niên 1960, ông ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ cũng như giới phê bình với các bộ phim như: Ciociara, Un singe en hiver...

Trên màn ảnh lớn, Jean-Paul Belmondo thường chọn những vai đòi hỏi diễn viên phải có cả sinh lực dồi dào lẫn thể chất tráng kiện. Ông thu hút khán giả bởi vóc dáng đào hoa, thân hình rắn chắc lực lưỡng như võ sĩ quyền anh, gương mặt điển trai với nụ cười rạng rỡ làm điêu đứng bao trái tim hâm mộ.

Đầu những năm 1970, Jean-Paul Belmondo cùng Alain Delon - hai ngôi sao sáng giá nhất điện ảnh Pháp thời bấy giờ - cùng tham gia bộ phim về đề tài trùm xã hội đen “Borsalino”. Phim thành công vượt bậc, thu hút tới hơn 5 triệu lượt khán giả. Trên đà thành công sau đó, Belmondo thành lập công ty sản xuất phim có tên Cerito Films và thu hút được nhiều dự án quan trọng.

Để dễ kinh doanh thu lời, ông chọn những bộ phim nặng tính thương mại, có độ giải trí cao. Đây cũng là giai đoạn ông chuyên đóng phim hành động phiêu lưu, với nhiều pha rượt đuổi gay cấn nghẹt thở, hoặc đóng phim điều tra hình sự với tuýp nhân vật táo bạo, liều lĩnh, quyết đoán. Thương hiệu Belmondo trong giai đoạn 1978-1985 luôn ngự trị các phòng vé, lập kỷ lục doanh thu.

Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Jean-Paul Belmondo có nhiều vai diễn để đời và giành được nhiều giải thưởng lớn.

Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Jean-Paul Belmondo có nhiều vai diễn để đời và giành được nhiều giải thưởng lớn.

Chàng điệp viên tuyệt vời

Vầng hào quang của Belmondo bắt đầu mờ dần vào đầu những năm 1990 dù trước đó ông vẫn giành được những giải thưởng quan trọng. Dần dần, ông rời bỏ phim trường để chuyển qua đóng kịch. Gần 10 năm sau, vào những năm 2000, Jean-Paul Belmondo buộc phải giải nghệ do bị tai biến mạch máu não.

Vào năm 2011, Liên hoan phim Cannes trao giải Cành cọ vàng nhằm tôn vinh toàn bộ sự nghiệp của Jean-Paul Belmondo, nâng ông lên hàng tượng đài cao quý của làng điện ảnh Pháp. Dù sức khỏe đã thật sự suy giảm, nhưng trong ánh mắt của người nghệ sĩ vẫn hừng hực cuồng nhiệt ngọn lửa đam mê, mãnh liệt bầu tâm huyết dành trọn cho nghề diễn xuất.

Trong làng phim Pháp, Jean-Paul Belmondo đến nay được đánh giá là một trong những tượng đài lớn nhất. Với “gia tài” đồ sộ lên tới gần 80 bộ phim truyện và hơn 35 vở kịch trong gần 50 năm sự nghiệp, tài năng diễn xuất của ông được đánh giá là tuyệt đỉnh. Chính vì vậy nên sự ra đi của diễn viên gạo cội nói trên đã để lại sự thương tiếc sâu sắc trong lòng người hâm mộ Pháp và trên khắp thế giới.

Từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những chia sẻ tưởng niệm tài năng quá cố. Tại lễ tang của ông, quan tài đã được phủ quốc kỳ Pháp, đưa vào sân Bảo tàng quân đội Les Invalides ở Paris, nơi chôn cất Hoàng đế Napoléon. Đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có phát biểu tại lễ tang.

Trên mạng xã hội cũng đã tràn ngập lời chia buồn từ các đơn vị tổ chức những liên hoan điện ảnh lớn trên thế giới. Đại diện Liên hoan phim Cannes Thierry Frémaux đã ca tụng sự người nghệ sĩ đã mang lại nhiều sáng tạo trong lịch sử điện ảnh. “Cảm ơn Jean-Paul. Vĩnh biệt chàng điệp viên tuyệt vời”, ông Frémaux viết.

Liên hoan phim Venice cũng đã bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của một diễn viên Belmondo mà theo họ là tuyệt vời, rất gần gũi với nền điện ảnh Italia qua những những vai diễn để đời ở đủ mọi thể loại bi, hài, phiêu lưu. Năm 2016, Belmondo từng được trao giải Sư tử Vàng nhằm vinh danh sự nghiệp điện ảnh của nam diễn viên được mệnh danh là “người khổng lồ của nền điện ảnh thế giới”.

Tại Nga, tất cả các tờ báo lớn của nước này cũng đều đưa tin về sự ra đi của nam diễn viên. Belmondo là diễn viên rất được hâm mộ tại Nga, để lại nhiều dấn ấn nhất trong tâm trí người Nga thời Xô Viết và cho nhiều thế hệ ngày nay. Thậm chí, nhiều người cho rằng ông sẽ là tượng đài bất tử trong lòng họ.

Tại Trung Quốc, khi thông tin về sự ra đi của ông được công bố, 32 triệu lượt người đã để lại những dòng tin gắn thẻ ông trên mạng xã hội. Những hãng tin lớn của Trung Quốc cũng dành những từ ngữ đầy bay bổng để tưởng niệm ông, như tờ Sina Entertainment bình luận Belmondo là một trong số các diễn viên hiện thân hay nhất của nền điện ảnh Pháp.

Dịp này, nhiều bộ phim do ông thủ vai cũng được truyền thông Trung Quốc chiếu lại. Hayao Shibata - nhà phân phối phim Pháp tại Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, Belmondo ra đi, nước Pháp đã mất đi một người đại diện cho nền điện ảnh Pháp những năm 1960-1970.

Đọc thêm