Do mưa, hạn chế tầm nhìn nên tài xế điều khiển xe rơ-mooc quyết định đánh xe vào lề đường, chờ mưa ngớt sẽ khởi hành tiếp. Tuy nhiên, một chiếc xe máy do không làm chủ tốc độ đã đâm thẳng vào đuôi chiếc xe đang đỗ, khiến người ngồi trên xe máy tử vong...
Ảnh minh họa. |
Tai nạn thương tâm
Phản ánh đến Pháp luật Việt Nam, tài xế Nguyễn Văn Hòa (SN 1984, ở Tân Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, vào khoảng 19h ngày 9/11/2012, khi đang điều khiển xe rơ-moóc trên Quốc lộ 18 hướng Bắc Ninh – Nội Bài đến gần cầu Phủ Lỗ thì gặp mưa to nên anh dừng xe vào lề đường, chờ mưa tạnh sẽ khởi hành tiếp vì sợ ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, khoảng 20 phút sau khi dừng xe, một người đi xe máy đã đâm vào phía sau xe ô tô, một phần chiếc xe máy bị biến dạng và chủ phương tiện nằm ra đường. Mặc dù tài xế Hòa đã gọi xe taxi đưa đi cấp cứu, nhưng nạn nhân tử vong. Ngay sau đó, anh Hoà chủ động gọi điện cho lực lượng công an để thông báo sự việc.
Sau khi sự việc thương tâm xảy ra, anh Hòa cho biết gia đình hai bên đã thống nhất và đạt được những thỏa thuận đền bù hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, hai tháng sau vụ tai nạn, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra và khởi tố tài xế Hòa về tội “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”, mức phạt nặng nhất có thể lên tới 5 năm tù giam.
Bị can Hòa cho biết, anh thật sự bất ngờ trước quyết định khởi tố của cơ quan điều tra. Bị can Hòa đặt câu hỏi liệu rằng quyết định nói trên có quá nặng đối với mình?.
Cả gia đình anh đã thực sự bị “sốc” nặng, mất ăn mất ngủ trước quyết định khởi tố đường đột của cơ quan Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đối với cá nhân anh Hòa.
Cần xem xét nhiều tình tiết pháp lý
Trung tá Trương Quốc Tuấn, đội phó đội Điều tra Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, tai nạn xảy ra vào khoảng 17h30 ngày 9/11/2012 khi tài xế Hòa đang lưu thông trên đường, do gặp trời mưa nên phải dừng lại và đỗ vào lề đường.
Đoạn lái xe Hòa dừng đỗ là đoạn đầu cầu, cách cầu 6,5m. Theo quy định, lái xe không được dừng đỗ phương tiện ở vị trí này. Việc lái xe dừng đỗ, bật xi nhan cảnh báo chưa đủ. Theo quy định, lái xe phải dùng chướng ngại vật đặt trước và sau xe từ 15 đến 20m để cảnh báo”.
Trung tá Tuấn cũng cho rằng, do nạn nhân húc vào đuôi xe nên trong vụ tai nạn này, người điều khiển xe máy cũng có lỗi. Cơ quan chức trách cũng thừa nhận đã không xác định được tốc độ của người điều khiển xe máy lúc đó.
Bình luận về tính pháp lý của vụ án, luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng văn phòng Luật sư Huy An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết, cần xác định các yếu tố để xác định lỗi của vụ tai nạn. Theo đó, trong vụ việc này, cần phải xem xét các yếu tố để từ đó xác định “lỗi” của Hòa có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hay không”. Bởi, theo tài liệu, thứ nhất, xe của Hòa đỗ cách đầu cầu khoảng cách là 6,5m, vậy theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, điều này có vi phạm pháp luật hay không?. Đặt giả thiết đây là khu vực đường bộ (không có biển cấm dừng đỗ) thì khoảng cách 6,5m từ điểm đỗ xe đến cầu là không vi phạm”.
Cũng theo luật sư An, đến thời điểm này không có quy định cấm đỗ xe cách đầu cầu với khoảng cách như vậy. Luật Giao thông đường bộ; Nghị định 34 (2010); Nghị định 71 (2012) đều không có quy định cấm về hành vi này. Hiện nay, duy nhất chỉ có Nghị định 36 (1998), tại Điều 39 - Điểm h quy định: cấm dừng, đỗ trong các trường hợp: Trên cầu, trong khoảng 5m đường đầu cầu, trong đường hầm, dưới cầu vượt. “Chiếu theo quy định này thì khoảng cách tối thiểu là 5m. Như vậy, việc lái xe Hòa dừng cách cầu 6,5 m là an toàn và không vi phạm”, vị này nhấn mạnh.
Theo luật sư An, trong vụ TNGT này, do người lái xe máy đâm vào đuôi xe của Hòa do đó nạn nhân cũng có lỗi và đây là trường hợp “lỗi hỗn hợp”. “Do đó, cần cân nhắc đến yếu tố lỗi để từ đó quyết định hình phạt, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Hòa nói.
Như Trang