Talkshow: Kinh doanh có trách nhiệm góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

(PLVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài quốc tế PACC, mặc dù chưa có một văn bản chính thức nhưng Việt Nam đã có những quan tâm và những bước đi xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật trong việc hoàn thiện chính sách và pháp luật, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào cuộc sống. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc Tọa đàm với các chuyên gia về vấn đề này.

MC: Việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm đang được quốc tế thực hiện như thế nào, thưa các diễn giả?

TS. Trần Minh Sơn: Ở mỗi thời điểm, người ta sẽ đưa ra sự nhìn nhận khác nhau về kinh doanh có trách nhiệm, nhưng vẫn bám vào ít nhất một số nguyên tắc cơ bản. Ví dụ, liên quan đến trách nhiệm liên quan đến quyền con người hay bảo vệ môi trường, đây là những nguyên tắc cơ bản đầu tiên.

Ngoài ra, có rất nhiều các nguyên tắc khác mà các nước trên thế giới đã áp dụng, như: Nguyên tắc cạnh tranh, nguyên tắc khoa học, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nguyên tắc thuế… Đây là những nguyên tắc tổng hợp lại, có ít nhất là 7 nguyên tắc cơ bản và quốc tế đang dẫn chiếu và áp dụng.

PGS .TS Nguyễn Thường Lạng: Theo tôi, có một góc độ quan trọng, gần đây nổi lên, người ta hay nói về nguyên tắc là không ai bị bỏ lại phía sau. Nguyên tắc không ai bị bỏ lại phía sau, tức là phát triển phải bao trùm, chúng ta phải quán triệt trong quá trình phát triển bền vững.

Có một nguyên tắc nữa tôi cho đặc biệt quan trọng, đó là phải khắc phục, sửa chữa những cái sai sót, những cái yếu kém do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra. Trước đây, chỉ khắc phục đúng là được, nhưng bây giờ có thể phải khắc phục nhiều hơn và thậm chí vượt ra ngoài phạm vi đó.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

MC: Thưa TS. Trần Minh Sơn ông có quan điểm thế nào về “kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” từ góc nhìn pháp lý?

TS. Trần Minh Sơn: Xét theo góc độ pháp lý, tại Việt Nam, khái niệm “kinh doanh có trách nhiệm” chưa có một văn bản chính thức.

Thuật ngữ “kinh doanh có trách nhiệm” bắt đầu được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật từ khoảng năm 2019–2020, khi chúng ta tiến hànhsửa đổi, ban hành bộ luật Lao động mới, Luật Doanh nghiệp năm 2020…

MC: Tại Việt Nam, quan điểm và mục tiêu của Nhà nước ta về hoàn thiện chính sách và pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thời gian vừa qua được xây dựng và thực hiện ra sao, thưa TS.Trần Minh Sơn?

TS Trần Minh Sơn: Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99, Chương trình hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm.

Bộ Tư Pháp cũng đã tham mưu để Chính phủ xây dựng Đề án chương trình hành động quốc gia, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam và đã được Thủ tướng ký ban hành năm 2023.

MC: Trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, làm thế nào để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm, thưa 02 diễn giả?

PGS .TS Nguyễn Thường Lạng: Tôi nghĩ cần tạo một cơ chế “mềm” cho các doanh nghiệp tự công bố, tự công khai, tự đánh giá dưới dạng một bộ sách trắng, một bản cáo bạch về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Chúng ta cũng nên xây dựng một bộ chỉ số để đánh giá một doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm. Về lâu dài, nên có hệ sinh thái phát triển việc kinh doanh có trách nhiệm để các doanh nghiệp tự nguyện, tự giác đăng ký tham gia.

Chúng ta cũng cần đặt các hoạt động dưới sự giám sát của quốc tế để có được những tiếng nói cả từ bên trong, lẫn bên ngoài.

TS Trần Minh Sơn: Về phía Nhà nước cần phải có các cơ chế khuyến khích thực hiện. Thứ hai, cần giảm thiểu các thủ tục hành chính, không để các thủ tục hành chính trở thành rào cản cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.

Tiếp đó, xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành, bởi vì mỗi chuyên ngành khác nhau sẽ có một tiêu chuẩn khác nhau trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam và ekip thực hiện Chương trình tặng hoa cảm ơn các diễn giả

Một đối tượng theo tôi là cực kỳ quan trọng mà chúng ta không thể bỏ sót, đó là các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Các tổ chức này có vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Từ nhận thức,đây phải là vấn đề được doanh nghiệp được lưu tâm đầu tiên.Doanh nghiệp càng lớn, càng sử dụng nhiều lao động, thì chúng ta phải nâng cao nhận thức từ lãnh đạo cho đến người quản lý, cán bộ, nhân viên về việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp.

Thứ hai nữa, phải tăng cường cái việc bồi dưỡng đào tạo bồi dưỡng đào tạo cho cán bộ, nhân viên nắm vững quy định pháp luật, nắm vững trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề này. Nếu chúng ta nắm không kỹ thì chúng ta sẽ vô tình vi phạm pháp luật.

MC: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

Đọc thêm