Tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua

Đây là sự thừa nhận đặc sệt chất Quảng Nam của Nguyễn Kim Huy trong tập Nỗi lan tỏa của ngày (Nxb Văn học, 2004). Mỗi người sáng tạo nghệ thuật, nhất là sáng tạo thơ ca, thế giới tâm hồn dường như được kiến tạo bằng một chất liệu mỹ cảm riêng. Có người mơ hồ như sương khói. Có người mỏng mảnh dễ vỡ như pha lê. Có người chân quê đến mức thật thà. Có người nồng nàn ấm áp hương hoa của tình yêu đôi lứa...

(Đọc Nỗi lan tỏa của ngày của Nguyễn Kim Huy, Giải B, giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ nhất, 2010)

Đây là sự thừa nhận đặc sệt chất Quảng Nam của Nguyễn Kim Huy trong tập Nỗi lan tỏa của ngày (Nxb Văn học, 2004). Mỗi người sáng tạo nghệ thuật, nhất là sáng tạo thơ ca, thế giới tâm hồn dường như được kiến tạo bằng một chất liệu mỹ cảm riêng. Có người mơ hồ như sương khói. Có người mỏng mảnh dễ vỡ như pha lê. Có người chân quê đến mức thật thà. Có người nồng nàn ấm áp hương hoa của tình yêu đôi lứa...

Với nhà thơ Nguyễn Kim Huy lại chân chất, bộc trực đến mức thô mộc, như chính giọng điệu tâm hồn, chính cái chất người của con người miền quê yêu dấu nơi anh được sinh ra. Nhà thơ Thanh Thảo đã đề tựa cho tập thơ rằng: “Thơ ấy xâm chiếm ta bằng một khoảnh khắc bất chợt cơn gió đồng, cái mùi hương ngòn ngọt mơ hồ của hoa dủ dẻ hay màu tím không phai được, không lẫn được của hoa mua...”. Thế giới ấy đã kiến tạo tâm hồn Huy, là không gian địa lý “Hồn nhiên đất chưa mưa đà thấm” để tượng hình đằng sau từng con chữ thành không gian nghệ thuật của Dải đất hẹp dài một cọng vàng rơm:

Là khoảng trời tìm đâu cũng có trái cây chín nẫu

Trái dủ dẻ vàng ươm, chùm chày thì đỏ ối

Sà xuống bờ sông quả mâm xôi, quả ổi

Trái bứa trái quăn lơ lửng tít trên cao

Trái lụp bụp bò dọc bờ rào

Trái sim trái mua phải lên rừng mới thấy

(Nói với con về khoảng trời ngày thơ)

Tôi thích những quan niệm về thơ của anh. Không cao siêu hoa mỹ gì, mà chỉ xuất phát từ đời sống, từ làng quê nghèo khó, từ công việc ruộng đồng, nên “Từ nhỏ đã hiểu phải cắt cụt ngọn mạ mới ra cây lúa / Mà bây giờ không biết cách gọt tỉa chữ nghĩa để có được câu thơ”. Sáng tạo thơ ca là công việc “lặng lẽ kiếm tìm / lặng lẽ chiêm nghiệm” chứ không phải “ồn ào viết / ồn ào in / ồn ào xưng tụng”. Ở một phía khác, anh lại nhìn thấy mối liên hệ giữa lặng im và ồn ào, giữa Thơ và bóng đá, biện pháp so sánh “Trái bóng lăn tròn trên sân cỏ/ Những con chữ lăn tròn trong tâm hồn nhà thơ” và công việc của người làm thơ luôn âm thầm lặng lẽ viết, còn nặng nhọc hơn cầu thủ bóng đá, bởi vì:

Con chữ và người làm thơ

Lặng lẽ đuổi bắt nhau

Lặng lẽ kiếm tìm nhau

Có thể đến suốt đời

(Thơ và bóng đá)

Thơ Huy hồn nhiên và đằm thắm về cảm xúc, bình dị và trong sáng về câu chữ, dẫn dắt tứ thơ theo mạch cảm xúc một cách kiệm lời. Anh nhất quán với sự hồn nhiên, đằm thắm của riêng anh, với cái nhìn thực tại hết sức gần gũi, thân quen, nhưng đầy tính phát hiện. Thời gian của anh là Ráng chiều, Đêm Hàn giang, Mỗi ngày đi qua, Nỗi lan tỏa của ngày, xa hơn là Mùa xuân, Khi cơn gió mùa thu, Đợi Tết... Còn không gian của anh là Núi, Sông nhỏ, Bãi trứng, là Mái rạ mục nát ẩm ướt, đến mức ở Phía nào cũng gió hoặc lớn hơn là Dải đất hẹp dài một cọng vàng rơm... Đọc thơ Huy, tôi có cảm giác thường ngày anh nhìn đâu cũng thấy thơ, bắt gặp điều gì cũng thấy được đằng sau nó là một thế giới sống động, là thế giới hình tượng thơ ca.

Với thơ Nguyễn Kim Huy, tôi tìm một bài thơ, một khổ thơ, một đoạn thơ hay dễ hơn tìm một câu thơ hay. Những câu hay như “Chiều xuống nhẹ như rơi rất chậm” (Mùa xuân) rất hiếm có, so với những đoạn tròn ý tròn lời:

Thân mẹ là hạt lúa

Đã qua xay lại còn giã mấy lần

Chúng con lớn lên từ hạt gạo trắng ngần

Vắt qua kiệt cùng đời mẹ

(Phía nào cũng gió)

Trong cả 36 bài làm nên Nỗi lan tỏa của ngày, chỉ có một bài là Dải đất hẹp dài một cọng vàng rơm, Nguyễn Kim Huy có nhắc đến những địa danh của đất Quảng (Núi Thành, Trà My, Đại Lộc, Gò Nổi, Mỹ Sơn, Sơn Trà, Hòn Kẽm Đá Dừng...) nhưng không vì thế mà thơ anh không “viết về Quảng Nam” là tiêu chuẩn hàng đầu mà Ban tổ chức giải đã đề ra cho Hội đồng giám khảo trong cuộc dự thi Giải thưởng Văn học nghệ thuật đất Quảng lần thứ nhất, 2010. Hình tượng không gian nghệ thuật bao giờ cũng được hình dung một cách gián tiếp thông qua thế giới hình tượng chứ không phải trực tiếp thông qua cái vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ.

Với Nguyễn Kim Huy, tôi nghĩ, với những gì anh có được, anh không chỉ dừng lại ở mức Tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua, mà có thể nói anh còn có nhiều hơn thế, như Nguyễn Duy đã từng khẳng định Tâm hồn anh là một khối vàng ròng, là tâm hồn của một thi nhân. Lần đầu đọc thơ Huy, tôi đồng cảm với thế giới tâm hồn của anh là vì vậy.

Phạm Phú Phong

Đọc thêm