Tấm lòng luật sư cứu sống người đàn bà lầm lỗi

 “Em bị kết tội vì hành vi buôn bán gần cả trăm bánh hê rô in, chắc sẽ bị án tử hình. Luật sư còn bào chữa cứu em làm gì?”. Nữ bị cáo khóc nấc lên, gương mặt xinh đẹp giàn giụa nước mắt nói với luật sư.

 “Em bị kết tội vì hành vi buôn bán gần cả trăm bánh hê rô in, chắc sẽ bị án tử hình. Luật sư còn bào chữa cứu em làm gì?”. Nữ bị cáo khóc nấc lên, gương mặt xinh đẹp giàn giụa nước mắt nói với luật sư.

Đường đời một con người

Nữ bị cáo đó là trùm ma túy Đỗ Thị Ngọc (SN 1970, trú tại Đống Đa, TP. Hà Nội), bị kết án tử hình về hành vi buôn bán 96 bánh hê rô in. Ngọc khá xinh đẹp, cao 1m70, gương mặt đẹp, da trắng nõn, dáng người thon lẳn trông như người mẫu. Ngọc nức nở nói rằng, cô ta biết trước tội trạng của mình khó thoát án tử hình, vậy Luật sư còn bào chữa cứu cô ta làm gì nữa chứ?

Nói thì vậy, tuy nhiên dù tuyệt vọng nhưng cô ta vẫn le lói niềm tin và khát khao được sống để cứu chuộc lỗi lầm. Không ai khác, chính Luật sư sẽ là người giúp cô ta thắp sáng lên niềm hy vọng đó.

Ngọc là con duy nhất của một liệt sỹ, người cha hy sinh từ khi cô ta còn rất nhỏ, ít lâu sau người mẹ trẻ đi lấy chồng và sinh thêm cho Ngọc hai đứa em. Tuổi thơ của Ngọc khốn khó và đầy ẩn ức. Thế nhưng từ trong đói khổ, Ngọc vẫn lớn lên và xinh đẹp, nõn nà như một tiểu thư đài các khiến ai gặp cũng phải trầm trồ.

Tang vật một vụ án ma túy

Thiếu thốn tình cảm từ tấm bé nên Ngọc bập vào yêu sớm, rồi lấy chồng sớm như để khỏa lấp sự cô đơn về tình cảm cho mình. Chồng Ngọc là con trai Hà Nội, nhà ở phố Bùi Thị Xuân. Sau khi cưới nhau, họ có một con trai kháu khỉnh, học trường chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Trước đây vợ chồng Ngọc mở một cửa hàng buôn bán thuốc lá, công việc làm ăn thuận lợi như diều gặp gió. Nhưng vì tính tình rộng rãi, Ngọc cho bạn hàng nợ nhiều, đến khi giật mình kiểm tra lại thì vốn liếng chẳng còn bao nhiêu, nhiều người nợ tiền lại trốn mất, thế là vỡ nợ.

Gom góp được chút vốn còn lại, hai vợ chồng Ngọc quyết định sang Liên bang Nga làm ăn. Tại đây, sau hơn một năm trời nhưng không gặp thời, họ lại cuốn gói quay trở về Việt Nam sinh sống. Về quê hương, Ngọc lao vào buôn bán hàng quần áo nhưng người khôn của khó, bán buôn lận đận, lời lãi chẳng là bao.

Đúng thời gian này, bà dì của Ngọc lại  phất như diều vì buôn ma tuý, đã rủ rê cô cháu gái vào đường dây với mình. Lợi nhuận khổng lồ do ma tuý đem lại đã làm lóa mắt người đàn bà đang thời xuân sắc. Có tiền, Ngọc sắm xe máy đời mới, quần áo hàng hiệu đắt tiền, trang sức lấp lánh đầy người, ước tính những thứ trên người cô ta trị giá bằng một ngôi nhà di động.

Vẫn gạn đục khơi trong

Cứ mỗi sáng nhìn Ngọc lướt xe SH sang trọng, chở con trai đến trường, nụ cười kiêu hãnh trên môi khiến không biết bao nhiêu ánh mắt thèm muốn, ít ai ngờ trong lòng cô ta ẩn chứa bao giông bão.

Cuộc hôn nhân của Ngọc không hạnh phúc, sau một thời gian “ông chẳng bà chuộc” thì vợ chồng Ngọc sống ly thân. Ngọc gửi con trai về nhà mẹ đẻ nhưng vẫn ngày ngày đưa đón con đến lớp, còn bản thân cô ta đi thuê nhà ở tập thể B14 Kim Liên để tiện cho việc sinh hoạt và…buôn ma túy.

Trong lúc cô đơn, Ngọc cặp bồ với Dũng "hen" và nổi lên với vai trò bà trùm trong đường dây buôn bán tới hơn 140 bánh hê rô in. Chính vì bản tính phóng khoáng nên làm được bao nhiêu, Ngọc vung tay chơi bời, hết bấy nhiêu; nhưng oái oăm là ở chỗ mẹ đẻ và con ruột của Ngọc thì chẳng được hưởng gì.

Khi bị bắt giữ, hầu như Ngọc không có tài sản gì ngoài chiếc xe máy SH và mấy bộ quần áo, thậm chí có người còn viết đơn tố cáo thời điểm ấy, Ngọc còn nợ họ tới 600 triệu đồng.

Khi bào chữa cho Ngọc, tôi tiên đoán thân chủ khó thoát án tử hình, nhưng trước cảnh ngộ cuộc đời Ngọc, tôi vẫn lặn lội vào trại gặp thân chủ hai lần, và cố gắng thu thập chứng cứ để có thể gỡ tội cho Ngọc.

Ngoài tình tiết Ngọc là con duy nhất của liệt sỹ, chồng bỏ phải nuôi con một mình, thời điểm bị bắt thì Ngọc đã “gác kiếm, giải nghệ” được mấy năm. Chưa kể, Ngọc còn “lập công” khai ra nhiều đồng bọn khác giúp công an mở rộng điều tra vụ án. Niềm tin nội tâm cho tôi hy vọng Đỗ Thị Ngọc sẽ được pháp luật khoan hồng tha cho tội chết .

Dẫu rằng trong nghề, tôi đã bào chữa cho khá nhiều bị cáo lãnh án tử hình vì ma túy. Cũng có người  băn khoăn liệu Luật sư có đáng phải lao tâm khổ tứ đối với những kẻ sát nhân gây ra tội ác tày trời, kẻ gieo rắc cái chết trắng cho cộng đồng như vậy hay không? Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng, các bị cáo có lỗi lầm và đã phải trả giá. Cho nên kể cả những kẻ gây ra tội ác không thể dung thứ thì dưới chính sách pháp luật nhân đạo của Nhà nước, họ vẫn được coi là con người, vẫn có quyền được có Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Được tìm hiểu, được cảm thông, chia sẻ, nhất là khi tôi nhắc đến người cha đã hy sinh vì Tổ quốc của Ngọc, về người mẹ lận đận và đứa con thông minh, học giỏi của cô thì Ngọc như cảm nhận được rõ hơn về trách nhiệm cũng như tội lỗi của mình. Cô thực tâm muốn cứu chuộc lại lỗi lầm .

Khi ra tòa, thái độ của cô đã khác trước, vẻ bất cần đời không còn nữa , cô thành khẩn khai báo và đầy hối lỗi , chuộc tội. Ngọc  tỏ ra tâm phục, khẩu phục khi cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên Ngọc mức án tử hình, đúng với mức độ mà cô đã phạm phải. Ai cũng nhận thấy đây là sự hối lỗi thật lòng.

Bản thân Ngọc đã hối hận,xét điều kiện đã hội đủ để Ngọc có đơn xin ân giảm án tử hình, tôi đã động viên Ngọc viết đơn gửi lên Chủ Tịch Nước xin ân giảm . Lá đơn này của cô  được chấp nhận nên hiện Ngọc đang tích cực cải tạo trong trại giam để chờ đợi ngày về.

Như vậy đó , chỉ có sự cảm thông, tri thức pháp luật mà Luật sư mang đến mới có thể đánh thức được sự thiện lương, nhân tâm trong những kẻ tội phạm; Những kẻ tưởng chừng đã mất hết tính người, giúp họ nhận ra lầm lỗi, để từ đó kêu gọi sự bao dung tha thứ của dư luận.

Luật sư Nguyễn Thị Xuân Thu, VPLS Đức Thu, TP. Hà Nội

Đọc thêm