Người dân Việt Nam đã quen gọi một ngọn núi ở hướng Nam Campuchia là núi Tà lơn. Vì từ xa xưa đã có nhiều câu chuyện bí ẩn về các đạo sĩ tu luyện ở đây. Người dân Campuchia thì gọi là núi Bokor, nơi gắn với một truyền thuyết về tình yêu đẹp.
Chuyện tình Hoàng tử và Long nữ
Cao nguyên Bokor còn được khách du lịch quen gọi là Thiên đàng Bokor, cách thị xã Kompot khoảng 10km về hướng Tây Nam. Với đỉnh núi cao trên 1.080m. Thiên đàng Bokor nằm trong Công viên quốc gia Bokor, có diện tích 1.580km2, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm và là điểm đến hấp dẫn của du khách. Ngọn núi mang tên Bokor vì có hình dáng giống cái bướu trên lưng bò (tiếng Khơ-me gọi là bokor).
Trên ngọn núi có ngôi Chùa Năm Thuyền (Samprov Pram), mà một số người nói rằng nơi đây có 5 hòn đá hình giống như 5 chiếc thuyền. Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một hoàng tử tên là Pra Thong. Cha của ông vì ủng hộ em trai ông nên yêu cầu hoàng tử phải từ bỏ tất cả mọi thứ để cho em trai của mình.
Thật sự chán nản, Hoàng tử Prah Thong đã quyết định rời bỏ đất nước của mình và đi du ngoạn vòng quanh thế giới. Trong một lần thám hiểm, Hoàng tử Prah Thong tìm thấy một cây Tlork rất cao. Cây Tlork sản sinh các loại hạt không chỉ ăn được mà nó còn có thể được sử dụng để chống thấm nước cho tàu thuyền. Đây là thứ mà Hoàng tử Prah Thong cần nhất tại thời điểm đó.
Bị lãng quên sau thời Pháp thuộc, đến nay, “Thiên đường Bokor” bắt đầu hồi sinh với những di tích thu hút những người mê khám phá: Lâu đài French: Tòa nhà thể hiện vẻ lộng lẫy của kiến trúc cổ điển Pháp, ban đầu chỉ dành cho giới thượng lưu .Chùa Năm Thuyền được vua Monivong xây dựng năm 1924. Bên trong chùa có những bức tranh tường tôn giáo tuyệt đẹp .Thác nước Popokvil (có nghĩa Những đám mây bồng bềnh): Thác nước hai tầng (tầng trên cao khoảng 15m, tầng dưới cao 18m) nơi lý tưởng để bơi lội trong những ngày nắng nóng |
Do đó, ông ra lệnh cho người hầu cắm trại ngay gần cây Tlork. Sáng hôm sau, khi hoàng tử Prah Thong đi dạo trên bãi biển vào buổi sáng, ông thấy một nhóm thiếu nữ đang chơi đùa gần bãi biển. Ngay lập tức Hoàng tử bị lôi cuốn và thu hút bởi vẻ đẹp của một Nagani (công chúa Thủy Cung).
Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên đã đến với hai người họ. Chẳng lâu sau, Hoàng tử Prah Thong yêu cầu công chúa Nagani dẫn mình đến gặp cha cô để xin phép kết hôn. Công chúa nhìn vào mắt hoàng tử và nói một câu nói thật dịu dàng "Chàng hãy cầm lấy đuôi của thiếp". Sau đó công chúa dẫn hoàng tử đi vào biển sâu để gặp mặt Long Vương. Long Vương rất hài lòng về hoàng tử Prah Thong và đồng ý cho hai người kết hôn.
Sau 7 ngày ở tại Thủy cung, hoàng tử Prah Thong muốn rời đi để xây dựng vương quốc cho riêng mình và đi du ngoạn khám phá thế giới cùng với người vợ mới cưới. Long Vương không chỉ cầu chúc cho chuyến đi của hai người mà ông còn tặng vợ chồng hoàng tử 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ chứa đầy châu báu làm của hồi môn.
Cùng với 500 gia nhân, hai vợ chồng hoàng tử đi đến vùng đất mà hiện tại là vị trí của Chùa 5 thuyền. Hoàng tử Prah Thong quyết định xây dựng vương quốc của mình tại đây. Theo thời gian, nước biển rút đi, mặt đất dần cao lên và 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ biến thành đá. Du khách đến Chùa Samprov Pram có thể thấy 5 phiến đá hình chiếc thuyền ngày nay.
Câu chuyện này gắn liền với phong tục cưới hỏi của người Campuchia. Khi động phòng , người con gái cầm khăn cho người con trai nắm dẫn vào, người con trai lúc này không gọi là nam hay nữ mà gọi là Prah Thong nghĩa là đi theo nàng Nagani.
Bí ẩn cao nguyên
Đứng trên đỉnh núi Bokor nhìn về phía Nam sẽ thấy vịnh Thái Lan, phía Đông Nam thì thấy đảo Phú Quốc. Theo anh Chov Kim Yeung – một người bản địa cho biết, cao nguyên này là nơi nghỉ dưỡng cao cấp của vua Campuchia Norodom Sihanouk (1922-2012). Năm 1917, thực dân Pháp xây dựng tại núi Bokor một khu nghỉ dưỡng bao gồm trường học, bưu điện, nhà thờ, khu giải trí phức hợp gồm sòng bạc, khách sạn dành cho giới thượng lưu muốn tránh xa không khí nóng ẩm của Phnom Penh.
Đây có thể xem là thời kỳ hoàng kim của Bokor trước khi nó bị bỏ hoang nhiều năm để rồi trở nên đổ nát, điêu tàn. Sự điêu tàn hiện rõ lên trên những bức tường vôi vữa mục nát, cửa sổ vỡ tan, cầu thang đổ vụn và các bức tường gạch đổ nát còn sót lại ngày nay.
Một ngày ở núi Bokor có thể tận hưởng cả bốn mùa, có khi chút nắng, chút sương mù, có khi chút gió lạnh nhưng chỉ hai giờ sau thì trời đổ mưa. Với khí hậu mát mẻ, ôn hòa, cảnh sắc thanh tịnh, vẻ đẹp của Bokor đã “thúc đẩy” nhà nước Campuchia đầu tư 800 triệu USD nhằm cải tạo, xây mới cho “thiên đàng” Bokor để thu hút khách du lịch.
Khi chúng tôi lên đến đỉnh của cao nguyên này, tức là lên đến chùa Năm Thuyền thì cũng đã hơn 4 giờ chiều, trời mưa nhẹ hạt, lúc đó sương mù bao phủ, tạo một khung cảnh rất lãng mạn, khiến người ta không cảm thấy chút mệt mỏi mà muốn lập tức làm một chuyến đi dạo để cảm nhận một cao nguyên về đêm. Cảm giác bồng bềnh, lâng lâng huyền hoặc như đang ở “thiên đường” thật sự.
Ban đầu, nghe rằng cao nguyên Bokor biết “thay áo” để tạo ra những hình thái khác nhau trong một ngày, chúng tôi bán tín bán nghi. Nhưng sáng hôm sau, trước mắt đã hiện ra một cao nguyên hoàn toàn khác hôm qua. Trong nắng sớm, mọi cảnh vật đều như bừng tỉnh. Vẻ huyền ảo biến mất nhưng cao nguyên mang một vẻ đẹp khác, tươi sáng, rực rỡ, lộng lẫy như một cô gái tuổi thanh xuân, chứ không còn là người đàn bà bí ẩn khi đêm xuống như hôm qua. Cứ thế, chúng tôi tận hưởng mãi cảnh sắc đẹp đẽ của Bokor huyền bí…
Ngọc Lê