Tan nát tình thân vụ em rể thuê “sát thủ "dằn mặt" anh vợ chỉ vì mấy con vịt

 

Chỉ vì con vịt nhà anh vợ đi nhầm sang ruộng nhà mình ăn lúa, người em vợ đã thuê sát thủ truy sát người thân. Kỳ cục hơn, khi giá thuê chỉ là một… chầu cà phê. Các đối tượng đã bị pháp luật trừng trị đích đáng, nhưng vụ án để lại cho người ta nhiều suy ngẫm đau đớn về mối quan hệ xóm giềng, tình thân...
 

Chỉ vì con vịt nhà anh vợ đi nhầm sang ruộng nhà mình ăn lúa, người em vợ đã thuê sát thủ truy sát người thân. Kỳ cục hơn, khi giá thuê chỉ là một… chầu cà phê. Các đối tượng đã bị pháp luật trừng trị đích đáng, nhưng vụ án để lại cho người ta nhiều suy ngẫm đau đớn về mối quan hệ xóm giềng, tình thân.

Anh em “thân thiết” như… chó với mèo

Cũng như mọi ngày, tối một ngày cuối tháng 3/2010 sau khi xem xong chương trình thời sự, ông Huỳnh Văn Văn (SN 1966, ngụ ấp 2, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) lại vào nhà trèo lên võng nằm ngủ. 

Đang thiu thiu, nghe tiếng động ông mở mắt và đứng tim khi nhìn thấy có mấy bóng người bên ngoài mùng vung dao chém. Thấy nạn nhân đã dính nhiều thương tích, nhóm sát thủ mới lao đi chạy trốn trong tiếng kêu cứu của nạn nhân. Ông Văn được người nhà đưa đi cấp cứu với tỷ lệ thương tích là 25%.

Ngay trong đêm, công an đã đến hiện trường điều tra và sơ bộ nhận định đây là vụ chém người gây thương tích để trả thù cá nhân bởi hung thủ chủ ý tìm tận nơi nạn nhân ngủ, không có dấu hiệu chứng tỏ chiếm đoạt tài sản. 

Qua lời khai của các nhân chứng, công an đặc biệt chú ý đối tượng Trần Văn Trường (SN 1954) ngụ sát bên nhà và là em rể của nạn nhân. Được biết mặc dù có quan hệ là anh vợ em rể nhưng giữa hai gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, có lần nhà ông anh đã đánh ông em ngất xỉu phải đi bệnh viện điều trị và Tòa đã tuyên buộc phải bồi thường cho ông em 3 triệu đồng. 

Ông anh vợ đã chấp hành xong nhưng từ đó giữa hai gia đình đã không thèm “nhìn mặt” và qua lại với nhau nữa, mà thường xuyên để ý “bắt lỗi” và gây sự nên mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.  

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trước khi xảy ra vụ án một ngày, một vài con vịt của nhà người anh lội vào phần đất ruộng nhà em rể thì bị nhà Trường lùa về nhốt lại. Nhà người anh vợ thấy vậy kéo qua cự cãi và chửi bới với gia đình em rể, thấy yếu thế hơn nên cha con Trường đã phải để cho nhà anh vợ lùa vịt về nhưng không quên đe dọa: “Chuyện này tao sẽ không bỏ qua đâu”. 

Triệu tập cha con ông Trường để lấy lời khai, các nghi phạm đều luôn miệng chối và đưa ra được chứng cứ ngoại phạm. Thế nhưng bằng giác quan nghề nghiệp của mình, các điều tra viên vẫn có linh cảm các đối tượng này ít nhiều có liên quan đến vụ án. Một hướng điều tra mới được đặt ra là phải bắt được những đối tượng đã trực tiếp gây án, đến lúc đó kẻ chủ mưu mới không thể chối cãi.

“Sát thủ” giá… 166 ngàn đồng

Sàng lọc các đối tượng tiếp xúc với cha con Trường trước thời điểm gây án, các trinh sát đặc biệt chú ý đến đối tượng Nguyễn Văn Mun (đã có tiền sự) và Nguyễn Văn Vạng (cùng SN 1985, ngụ ấp Long Hưng 1). Khi các trinh sát tìm đến thì Vạng đã vừa đi khỏi nhà nên chỉ có thể triệu tập được Mun. 

Lúc đầu, Mun cũng chối bỏ mình có liên quan đến vụ án, không quen biết gì với các bên. Tuy nhiên khi được đề nghị giải thích lí do vì sao không quen biết cha con ông Trường mà lại đến dự đám giỗ nhà này vào đêm xảy ra vụ án thì hắn không giải thích được và cúi đầu im lặng. 

Biết đối tượng đã bắt đầu có vẻ nao núng nên các điều tra viên đã đánh vào tâm lí của Mun, giải thích cho nghi phạm biết lợi ích của việc thành khẩn khai báo sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật. 

Sau vài giờ suy nghĩ, Mun đã cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình và đồng bọn. Hắn khai kẻ chủ mưu trong vụ án này chính là ông Trường, còn những người trực tiếp gây án là Mun, Vạng và Bình (bạn của Vạng). 

Từ lời thú tội này, kẻ chủ mưu Trường cũng đã gục đầu khai nhận vai trò chủ mưu của mình.

Trường cho biết, sau khi lập gia đình với em gái nạn nhân thì chuyển về quê vợ sinh sống sát bên gia đình anh vợ. Lúc đầu, tình cảm giữa hai gia đình cũng rất tốt đẹp nhưng sau đó vì tranh chấp lằn ranh đất nên tình cảm anh em bị sứt mẻ. 

Cùng với những va chạm trong cuộc sống hàng ngày không được giải quyết dứt điểm, mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày càng trở nên gay gắt, Trường đã có lần bị gia đình anh vợ đánh đến ngất xỉu. Từ đó anh em, cậu cháu đã không còn qua lại nhà nhau, thậm chí cũng chẳng thèm nhìn mặt nhau nữa. Con gà, con vịt nhà này đi sang nhà kia sẽ bị đuổi hoặc đánh chết. 

Tức mình vì bị “ăn hiếp” nhiều lần nhưng do sức yếu hơn, con ít hơn, vả lại “thân cô thế cô” ở quê vợ nên không thể đánh lại được gia đình anh vợ, vì vậy Trường đã nảy sinh ý định thuê người khác đánh anh vợ cho hả giận, “dằn mặt” cho không dám “ăn hiếp” nhà mình nữa.

Chiều ngày 28/3/2010, Trường đến quán cà phê cùng ấp thì gặp Mười cũng ở đó phụ bán quán nên than thở: “Gia đình tao bị gia đình Năm Văn ăn hiếp hoài. Mày biết thằng nào kêu nó đánh dằn mặt dùm tao, tao cho tiền uống cà phê”. Chứng tỏ mình cũng là kẻ “có số má” nên Mười lập tức nhận lời ngay. 

Hai ngày sau, Mười gặp Vạng mới đi làm trên tàu đánh cá về chơi nên hỏi: “Có ông này kêu đánh dùm ổng một người rồi cho tiền uống cà phê, mày dám làm không?” và được trả lời: “Để đó tao làm cho”. 

Chiều cùng ngày, 3 “côn đồ xóm” là Vạng, Bình (người làm chung trên tàu cá) và Mun đến nhà chủ mưu ăn đám giỗ, cũng đồng thời để thỏa thuận với chủ mưu. Đến khoảng 20h, sau khi khách khứa đã về hết, Mun nói: “Bữa nay có rượu rồi, mình “đi làm đi” và hai đồng phạm hưởng ứng nhiệt tình. 

Chúng xách theo hai con dao và một khúc cây bạch đàn tìm tới nhà nạn nhân gây án. Sau khi chém nạn nhân xong, nghe tiếng kêu cứu và tiếng chó sủa inh ỏi, sợ bị phát hiện nên cả ba bỏ chạy quay lại nhà chủ mưu kêu cửa: “Con xong rồi, bây giờ chú cho bọn con ít tiền đi trốn”. Nghe vậy, Trường vào nhà lấy 500 ngàn ra “trả công” rồi vào ngủ.

Số tiền “đâm thuê chém mướn” được chúng chia 3 phần, trung bình mỗi tên giết người được nhận 166 ngàn đồng. 

Chiều tối hôm đó, cả ba cùng ngồi uống cà phê thì thấy có nhiều công an đi về hướng nhà nạn nhân nên hoảng sợ bỏ trốn ra căn chòi ngoài rẫy ngủ qua đêm và cả buổi sáng hôm sau nhịn đói không dám ló đầu ra khỏi chòi. 

Đến đêm, chúng mò ra đường bỏ trốn, riêng Mun thì ở lại và bị bắt sau đó. Hơn 20 ngày sau đó, Vạng mới dám điện thoại về cho Mun thì được khuyên nên trở về đầu thú vì “không thể trốn suốt cuộc đời được”. Sáng 22/4, hai đối tượng còn lại đến Công an huyện Long Mỹ đầu thú. 

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng còn lại khai trong quá trình lẩn trốn, đứa xin làm phu cát trên một chiếc xà lan, đứa xin đi làm trên tàu cá nhưng không thể cứ mãi sống trong tâm trạng sợ hãi nên quyết định đi thú tội.

“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”

Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa nhận định hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo không có mâu thuẫn gì với người bị hại nhưng do bản chất côn đồ, khi có rượu vào thì bất chấp pháp luật nên cần phải xử lý nghiêm… 

Tuy nhiên, Tòa chỉ tuyên phạt Vạng 30 tháng tù giam; còn lại các bị cáo Trường 36 tháng tù, Mun 30 tháng tù và Mười 24 tháng tù hưởng án treo về Tội cố ý gây thương tích. Bị hại sau đó đã kháng cáo vì cho rằng mức án tuyên là quá nhẹ vì ông đã bị bọn côn đồ chém tàn phế một bàn tay và nhiều vết thương khác làm mất hết sức lao động.

Mới đây, TAND tỉnh Hậu Giang đã đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tòa nhận định cấp sơ thẩm đưa ra mức hình phạt quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất phạm tội của các bị cáo và hậu quả mà các bị cáo đã gây ra nên không mang tính răn đe và phòng ngừa chung. Vì vậy, Toà đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại về phần trách nhiệm hình sự, xử phạt Trường và Vạng mỗi bị cáo 36 tháng tù, Mun 30 tháng tù và Mười 24 tháng tù giam. 

Người day dứt nhất trong vụ án là người vợ của chủ mưu – người em của nạn nhân. “Ngay khi xảy ra vụ án tôi đã nghi ngờ chồng tôi thuê người gây án. Đến ngày hôm sau kiểm tra lại thấy bị mất hai cây dao nên càng có cơ sở để khẳng định nhưng vì sợ liên luỵ đến chồng nên không dám hé môi với ai một lời, mặc dù người bị chém là anh Năm của mình”. 

Nói đến đó bà bật khóc, không biết vì thương anh hay lo sợ chồng sẽ phải chịu cảnh tù tội để trả giá về hành vi nông nổi của mình hay thương mình ở tình thế “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”.

Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm