Bé gái vừa học bài vừa tranh thủ bán vé số |
Nhắm vào những người bán vé số thân cô thế cô, sức khỏe yếu, lại mang trong người một số tiền hoặc số tiền “tiềm ẩn” (vé số), bọn lừa đảo, cướp giật nghĩ ra rất nhiều chiêu để trấn lột của họ. Chuyện ngồi yên trên xe máy, giả vờ mua vé số rồi rồ ga bỏ chạy sau khi cầm trọn xấp vé số đã là xưa rồi. Giờ đây, bọn lừa đảo có thêm khá nhiều mánh khoé tinh vi hơn nữa.
Dân bán vé số sợ nhất là bị bỏ “bùa mê” khiến mình không tự chủ được. Anh Phạm Văn Thành, người gốc Quảng Nam kể câu chuyện thật nghe như bịa mà anh là nạn nhân. Hôm đó, anh từ nhà trọ đi ra bọc trong người mấy trăm tờ vé số và 5 triệu đồng – tiền anh và vợ sắp cưới cùng đi bán vé số dành dụm để làm đám cưới.
Anh chia rất kỹ, tiền chẵn, tiền lẻ, tiền vốn để cẩn thận vào ba túi quần trong, chỉ chừa một ít tiền lẻ để thối cho khách. Tới cầu Quay, quận Thủ Đức, một người đàn ông trung niên đi chiếc Citi ngoắc Thành lại, ông ta hào phóng mua một lúc hết mấy trăm tờ vé số của anh rồi phóng xe mất dạng.
Về đến nhà anh mới sực tỉnh, mấy trăm tờ vé số và 5 triệu đồng của anh biến mất, móc trong túi thì được một cọc tiền 200 đồng dày cộp. Anh nhớ lại, người đàn ông nọ có huơ một chai gì đó trước mặt anh, sau đó anh nhận tiền và bỏ túi trong trạng thái “vô thức”.
Anh Thành chua chát kể: “Hai đứa tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc. Đám cưới hoãn lại đã đành, ngay cả tiền ăn, tiền phòng trọ cũng phải xin bà chủ khất lại lần sau”.
Ông Hai bệnh tật nhưng vẫn cố gắng bán vé số nuôi con |
Dãy phòng trọ nơi anh Thành ở nằm ở phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, là nơi cư ngụ của những người lao động tỉnh, mà nhiều nhất là nghề bán vé số. Phòng trọ rộng chừng 6m2 chứa ba người, mái lợp tole, ngăn vách bằng những tấm ván mỏng tanh, bịt kín đến ngột ngạt và như một lò nướng vào mùa nóng!
Cùng dãy trọ có anh Trần Văn Trung (quê Bình Định) làm nghề bán vé số hơn 2 năm nay, kể: “Cả tháng nay cứ một bữa cơm, hai bữa mì. Tiền cũng có vài trăm nhưng tôi không dám ăn, ráng dành dụm gửi về cho vợ trả nợ. Vợ tôi mới sinh được mấy tháng bị sót nhau phải nằm viện tốn hết mấy triệu bạc, mình nghèo còn gặp cái eo!”.
Trước đây ở quê nhà, anh Trung làm nghề thợ sơn nước. Sau lần bị trượt chân té từ lầu 3 công trình, suýt mất mạng, anh mắc bệnh sợ độ cao, không làm nghề được nữa. Những ngày đầu vào TP HCM, ban ngày anh đi phụ hồ, ban đêm nướng thịt cho mấy quán nhậu đến 1, 2 giờ sáng. Công việc nặng nhọc mà tiền công chẳng bao nhiêu, thấy bán vé số cũng nhàn, kiếm được nhiều tiền nên anh đổi nghề.
Sau đó, anh đưa vợ từ quê vào TP HCM cùng bán vé số với mình, con gửi lại ông bà ngoại nuôi, cứ 3 tháng vợ anh đi xe về quê thăm con một lần. Nay vợ anh sinh, mọi gánh nặng oằn lên vai anh.
Với anh Trung, nỗi ám ảnh lớn của anh là khách mua vé số bằng tiền giả. Nhất là mỗi dịp gần tết, tiền mới nhiều, khách mua sộp, đưa những tờ tiền mới coóng, anh không nghi ngờ gì. Còn nhiều mánh khoé khác để phường lừa đảo lừa những người bán vé số, như lừa mua vé số của người mù, lấy nhiều nhưng báo ít, thậm chí những bé gái tuổi nhỏ còn đứng trước nguy cơ bị bọn “yêu râu xanh” lừa bảo không đem tiền, theo về nhà lấy để gạ gẫm, sàm sỡ…
Ở dãy phòng trọ này còn rất nhiều cuộc đời trôi nổi theo từng tờ vé số. Ông Nguyễn Văn Cu (78 tuổi, quê Cần Thơ) được mệnh danh là “vua bán vé số”. Ông có tài ăn nói rất duyên, mời ai cũng khó từ chối. Gần đây, ông đưa luôn hai cháu nội vào cùng bán vé số.
Rồi những người không chồng con như cô Nguyễn Thị Hoa (quê Sóc Trăng) lớn tuổi, ngoại hình xấu xí, không có duyên ăn nói nên số vé hàng ngày bán rất ít, cô phải sáng bán vé số, chiều tối đi giúp việc nhà mới đủ sống; hay ông Nguyễn Văn Hai, mang đủ bệnh trong người vẫn gắng gượng bán vé số nuôi các con ăn học…
Nhiều người bán vé số khác, vì mải mê bán vé số, vì áp lực vé số bán không được ở những thời điểm cuối ngày mà sơ sểnh, gặp nạn, có người chịu cảnh tàn phế suốt đời như ông Nguyễn Sĩ Trường, bị xe lửa đụng phải thành tàn tật nhưng vẫn phải lê thân đi bán vé số qua ngày…
Hành trình mưu sinh của những người bán vé số trên đường gắn với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Đằng sau những xấp vé số bao giờ cũng là những phận người với đủ buồn vui và cả bi kịch, tuy khổ cực họ vẫn ngẩng cao đầu lạc quan vì những đồng tiền lương thiện được đánh đổi bằng sức lao động chân chính của mình.