Tân Sơn Nhất có khả năng đón 100 triệu khách/năm

(PLO) - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) được cho là nhỏ hẹp, quá tải và đây cũng là lý do “thúc” dự án sân bay quốc tế Long Thành rộng 5.000ha, nhưng các nhà khoa học TP.HCM có ý kiến phản biện. Nếu nâng cấp phù hợp sân bay TSN có khả năng đón 100 triệu lượt khách/năm, chi phí thấp và hiệu quả hơn nhiều so với xây mới ở Long Thành.
Có thời điểm quá tải vị trí đậu máy bay và sự chen chúc ở nhà ga nội địa (vào một số dịp lễ, tết) gây ra suy nghĩ quá tải ở sân bay. Ảnh: Trần Đình
Có thời điểm quá tải vị trí đậu máy bay và sự chen chúc ở nhà ga nội địa (vào một số dịp lễ, tết) gây ra suy nghĩ quá tải ở sân bay. Ảnh: Trần Đình
Trước đề xuất dời sân bay quốc tế TSN ở TP.HCM về Long Thành (Đồng Nai), Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đề xuất nên mở rộng TSN thay vì dời đi. 
“Ở dự án sân bay quốc tế Long Thành có rất nhiều vấn đề cần được xem xét kỹ càng về quy mô, khả năng cạnh tranh quốc tế, về vốn vay ODA và vốn tư nhân đầu tư cho từng giai đoạn, kết nối giao thông, tác động môi trường, xã hội…  Lý do quan trọng “thúc” xây sân bay Long Thành vì TSN quá tải. Tuy nhiên, theo TS Tống việc quá tải của TSN đã được phóng đại, thực tế khả năng mở rộng TSN nâng năng lực đón hành khách sẽ hiệu quả hơn nhiều” - TS Tống nhấn mạnh khi trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam.
Chỉ quá tải ở nhà ga
Theo ông, việc tính toán năng suất sân bay tùy vào nhiều yếu tố nhưng ba yếu tố quan trọng nhất, có vai trò quyết định là đường băng hạ cất cánh, sân đỗ máy bay và nhà ga.
Trước đây, nhà ga quốc tế và nhà ga nội địa của TSN sử dụng chung thì năng suất sân bay đạt 15 triệu khách/năm. Trong năm 2007, sau khi có nhà ga quốc tế mới thì tổng năng suất hai nhà ga vào khoảng 25 triệu khách/năm. Tiếp đến năm 2011, nhà ga nội địa được nâng cấp và nâng tổng công suất của sân bay lên thành 30 triệu khách/năm. 
TS Tống nhận xét: “Năng suất thiết kế của TSN đã thay đổi, tăng gấp đôi trong giai đoạn 2007-2011 chủ yếu là do xây thêm sân đỗ máy bay và nhà ga. Như thế nếu tính đúng các biện pháp, TSN có thể mở rộng hợp lý, vừa phải để tăng năng suất trong từng giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu hàng không khu vực trong hàng chục năm tới”. Cụ thể tập trung ở những điểm sau đây:
Đường hạ cất cánh còn có thể tăng tần suất 
TSN có hai đường băng dài 3.050m và 3.800m, cách nhau 365m, đảm bảo cho các máy bay lớn như B747-400 và A340-600 cất hạ cánh an toàn. So sánh với một số sân bay quốc tế có điều kiện tương đương về đường bay (xem biểu dưới đây) cho thấy TSN vào năm 2012 chỉ đón 162.000 chuyến, bằng 66% của sân bay Mumbai, bằng 45% của sân bay Soekarno-Hatta và chỉ bằng 34% của sân bay Heathrow. 
Như vậy, với đường hạ cất cánh ở TSN thì có thể tăng năng suất lên từ 2-3 lần so với hiện nay để quá tải không xảy ra. Mặt khác, việc quá tải ở TSN, nếu có chỉ vào lúc cao điểm trong năm như dịp Tết và chủ yếu ở khâu sân đỗ máy bay, nhà ga. Tuy nhiên, sự quá tải này cũng cần phải xem lại vì qua số liệu thống kê cho thấy có sự thổi phồng nhằm làm tăng sức thuyết phục cho mục tiêu xây sân bay Long Thành.
TS Nguyễn Thiện Tống nghi ngờ đang có sự thổi phồng, tạo sự quá tải ảo ở TSN nhằm “thúc” dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Trần Đình
TS Nguyễn Thiện Tống nghi ngờ
đang có sự thổi phồng, tạo sự quá tải ảo ở TSN
 nhằm “thúc” dự án sân bay Long Thành.
Ảnh: Trần Đình
Diện tích sân bay và năng suất sân bay còn có thể tận dụng
Trên thế giới có nhiều sân bay có diện tích nhỏ nhưng năng suất cao. 
Chẳng hạn, sân bay quốc tế Mumbai rộng 610ha nhưng năm 2012 đón gần 31 triệu khách. Sân bay này đang được điều chỉnh tăng lên thành 800ha để năm 2014 đón 40 triệu khách, tức năng suất bình quân đạt năm triệu khách/năm/100ha. Sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) có diện tích 845ha nhưng có năng suất thiết kế là 55 triệu khách/năm, tức bình quân 6,5 triệu khách/năm/100ha. Vào năm 2012 sân bay này mở rộng thành 1.533ha thì năng suất thiết kế là 70 triệu khách/năm, bình quân 4,6 triệu khách/năm/100ha. 
Gần đó, sân bay Heathrow (Anh) có diện tích 1.200ha đón 70 triệu khách/năm, tức năng suất bình quân 5,8 triệu khách/năm/100ha. Ở Đông Nam Á sân bay Changi (Singapore) rộng 1.300ha có năng suất thiết kế là 66 triệu khách/năm, tức bình quân 5,1 triệu khách/năm/100ha.
So sánh với các sân bay vừa kể trên thì với diện tích 850ha của TSN hiện nay nếu lấy mức năng suất bình quân từ 5-6,5 triệu khách/năm/100ha như Mumbai và Barcelona thì TSN có khả năng đón từ 42-55 triệu khách/năm.
Nếu mở rộng TSN rộng thành 1.200ha và nếu lấy mức năng suất bình quân từ 5,1-5,8 triệu khách/năm cho 100ha như của Changi và Heathrow thì TSN có thể đón từ 60 - 70 triệu khách/năm. Nếu mở rộng TSN để có diện tích 1.500ha và lấy mức năng suất bình quân từ 4,6 - 6,7 triệu khách/năm cho 100ha như của Barcelona thì năng suất thiết kế của TSN có thể từ 55- 100 triệu khách/năm, gấp từ hai đến bốn lần mức tối đa ở TSN mà đơn vị đề xuất xây sân bay Long Thành đưa ra là 25 triệu khách/năm.
Tân Sơn Nhất có thể đón 60-100 triệu khách/năm! 
Hai đường băng hạ cất cánh song song của TSN hiện dài 3.050m và 3.800m. Nếu nó được kéo dài thành 3.600m và 4.000m thì đủ khả năng đảm bảo cho các máy bay lớn như A380 cất hạ cánh an toàn.
Lập luận cho rằng việc mở rộng TSN tốn kém hơn xây dựng sân bay Long Thành không chính xác bởi không ai đề nghị mở rộng TSN bằng diện tích sân bay Long Thành (5.000ha).
Nếu tính toán đúng các biện pháp, như xây dựng thêm sân đỗ máy bay và nhà ga phục vụ hành khách, nâng cấp đường băng cất hạ cánh, mở rộng diện tích một cách hợp lý và vừa phải ở mức 1.200-1.500ha thì TSN hoàn toàn có thể tăng năng suất lên trong khoảng 60-100 triệu khách/năm nhằm đáp ứng nhu cầu hàng không khu vực trong hàng chục năm tới, đến năm 2060 hay hơn nữa. Chắc chắn việc mở rộng này sẽ ít tốn kém so với việc xây sân bay Long Thành rộng 5.000ha.
Đơn giản hơn, khi TSN tăng số chuyến bay lên gấp đôi thì số hành khách hàng năm có thể tăng đến 35 triệu lượt. Nếu mở rộng thêm 200ha nữa, số hành khách hàng năm có thể tăng đến 44 triệu lượt, đủ đáp ứng nhu cầu dự báo của dự án vào năm 2030. Nếu như vậy thì dự án sân bay Long Thành có thể chậm lại 10 năm hay hơn nữa và khi đó kinh tế của Việt Nam khá hơn để đầu tư có hiệu quả cho dự án này.
Nên có thời gian quá tải hợp lý
Dự án sân bay Long Thành dự báo đến năm 2020 sản lượng hành khách và hàng hóa ở TSN lần lượt trên 25 triệu khách và gần 640.000 tấn hàng hóa, đạt khả năng tối đa. Như vậy, TSN sẽ quá tải sau năm 2020 (cách đây không lâu, lại có dự báo quá tải sau năm 2016 - PV). Nhưng cho dù dự báo này đúng thì vẫn có phương án mở rộng vừa phải TSN như đã đề cập phần trên.
Theo ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay TSN, trong những năm qua TSN đã góp phần tích cực thu hút hàng trăm tỉ USD đầu tư vào TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Sành cảnh báo từ một hiện tượng đáng lưu ý “TP.HCM, nơi được định hướng xây dựng thành siêu đô thị là địa điểm thu hút nhiều du khách, trong đó có nhiều hành khách trung chuyển của các hãng hàng không. Thế nhưng, sau hơn 20 năm bay thẳng đến TSN thì nay hãng hàng không Lufthansa (Đức) đã ngưng và chọn Thái Lan, Singapore phải chăng vì lượng khách trung quyển quá ít? Nếu chọn Long Thành, lượng khách trung chuyển sẽ còn ít hơn. Từ đây sẽ suy nghĩ khả năng thành hiện thực về tham vọng xây sân bay Long Thành thành nơi điểm đến trung chuyển, có khả năng cạnh tranh vơi các sân bay quốc tế trong khu vực như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur khó thành hiện thực”.

Đọc thêm