Nhưng hứng thú của anh Tuấn bị vợ dội một gáo nước lạnh: “Nhà hàng nhà hiếc gì, bây giờ đâm đầu ra đường để bị kẹt xe, hứng khói à? Nhà hàng vừa tốn kém, vừa mất vệ sinh. Ăn cơm nhà cho khỏe”.
Anh tiu nghỉu dắt xe vào nhà, miệng lầm bầm: “Đồ cổ ơi đồ cổ…”.
Cũ như…vợ!
Anh Đăng Tuấn không chỉ muốn làm vui lòng vợ, mà thật lòng anh muốn thay đổi không khí cuối tuần, muốn ăn vài món lạ vì cũng hơi “nhàm” các món vợ nấu, dù vợ anh nấu ăn không tệ. Thế nhưng, hứng thú của anh lại bị vợ đưa “hệ quy chiếu” kinh tế ra gạt ngay, đành chịu! Chị Hoa, vợ anh, được cái chỉn chu, cẩn thận, hết lòng với gia đình, nhưng chính điều đó đã khiến người chồng trẻ như Tuấn dễ thấy vợ mình… già trước tuổi. Anh lại là người thích những điều mới lạ. Mới đây, anh nổi hứng tặng vợ một chiếc váy ngủ rất gợi cảm nhân kỷ niệm ba năm ngày cưới. Chị không những không xúc động mà còn mắng: “Anh khùng quá! Anh nghĩ vợ anh là loại người gì mà mặc mấy thứ đồ này? Thứ này chỉ hợp với cave!”. Anh nghe mà tức sôi ruột. Chẳng lẽ anh phải nói thẳng ra là: “Vợ ơi, ba năm nay vợ mặc chỉ có ba bộ đồ ở nhà, mặc đi mặc lại, nhìn ngán lắm rồi”.
Nhiều lần, nhiều chuyện tương tự, anh đang thầm lo sợ vì thấy một “nguy cơ” đang lớn dần trong mình: Nguy cơ chán vợ.
Chị Trang Nhã (ngụ P.4, Q.3, TPHCM), vợ anh Huỳnh Tấn luôn khiến giờ ăn cơm của cả nhà trở nên căng thẳng. Ngồi vào bàn là chị hỏi: “Mọi người đã uống nước cả chưa, ai chưa uống thì đi uống đi, 15 phút sau hẵng ăn”. Số là chị đọc trên báo, thấy người ta khuyên “uống nước trước bữa ăn 15 phút sẽ rất tốt cho tiêu hóa”, vậy là áp dụng nghiêm ngặt cho cả nhà. Chưa hết, trong bữa ăn, chị luôn miệng hướng dẫn món này phải chấm với nước tương, món kia chấm nước mắm. Không được vấy đũa vào tô canh, không được chan canh vô cơm vì như thế sẽ mất ngon. Không được để vương lại bất kỳ hạt cơm nào khi ăn xong. Không được gõ đũa vào bát cạch cạch khi ăn. Khi nhai phải thật kín miệng, tránh húp phát ra tiếng kêu… Chị khẳng định, ăn như thế mới có văn hóa và mới ngon miệng, lại bắt chồng làm gương để các con noi theo. Ngon đâu chẳng thấy, chỉ thấy mỗi bữa ăn cứ như một phen tra tấn!
Đã vài lần anh Tấn khuyên vợ đừng quá nguyên tắc như thế, chị gạt phăng: “Phải như thế mới có nền nếp!”. Anh cãi: “Nhưng cũng vừa vừa phải phải thôi, nhất là trong bữa ăn, em phải tạo sự thoải mái thì ăn mới ngon miệng”. “Anh thì cái gì cũng muốn thoải mái, cứ thoải mái đi, sau này con cái sẽ ra gì?”. Đến đây thì anh đành chịu thua.
Phụ nữ thường có xu hướng cổ đi, bởi họ luôn tìm đến những thứ an toàn, mà những thứ an toàn thường thuộc về truyền thống, trong khi đàn ông lại “nhạy cảm” hơn với những cái mới. |
Một ngày đẹp trời, anh Đình Quang (phó phòng một công ty du lịch) vui miệng thông báo với vợ: “Anh đã học khiêu vũ được gần tháng nay rồi, tổ chức ở cơ quan”. Vợ anh sững sờ: “Anh sao tự dưng lại đổ đốn như thế? Anh có biết mình bao nhiêu tuổi rồi không?”. Anh vờ chưa hiểu: “Ừ thì 45 tuổi, học khiêu vũ, có gì đâu?”. Vợ anh không nói gì nữa, giận! Sau một tuần “tịnh khẩu”, chị quyết định bốc điện thoại tố cáo với mẹ chồng: “Nhà con đang yên đang lành bỗng trở chứng, mê nhảy đầm, mẹ xem có được không? Chắc con phải chia tay”.
Anh gãi đầu, cố giải thích: “Khiêu vũ chỉ là một môn giải trí lành mạnh, lại còn là một cách thể dục, đâu có gì phải ngại”. “Giải trí kiểu gì mà ôm nhau xà nẹo, hết ôm cô này đến ôm cô kia cả buổi, còn ra thể thống gì nữa”. Tất nhiên, anh đành chào thua vợ, bỏ tập khiêu vũ, dù anh là người đứng ra tổ chức lớp. Trước đây, nhiều lần anh cũng bực mình vợ có cách nghĩ quá cổ hủ. Anh mua cái áo sơ mi màu hơi sáng, cũng bị vợ hỏi: “Anh bao nhiêu tuổi rồi mà còn mặc cái áo đó?”. Anh mê mô tô, một lần, chạy chiếc mô tô đời mới của người bạn về dạm ý vợ, định mua. Vợ lại hỏi: “Anh nghĩ sao mà cưỡi trên chiếc xe ăn chơi của bọn trẻ con như thế?”. Anh đành cắn răng mang đi trả. Tính cách sôi nổi, trẻ trung của anh dần bị vợ “ém” xuống. Nhiều lúc, anh nghĩ mình không còn là chính mình nữa.
“Tân trang” cách nào?
Sáng thứ bảy, vợ chồng nghỉ làm nhưng con vẫn đi nhà trẻ. Hai vợ chồng đưa con đi học xong, anh Trình ghé tai vợ: “Chẳng mấy khi vợ chồng mình cùng rảnh rỗi, đưa con đến trường rồi mình đi uống cà phê nhé?”. Vợ nhăn nhó: “Em không thích. Vô mấy chỗ đó toàn đàn ông, người ta cứ nhìn mình lom lom, khó chịu lắm”. “Không ai thèm nhìn mình đâu, vừa ăn sáng, nhâm nhi cà phê, vừa đọc báo, trò chuyện cũng vui mà!”. “Đồ ăn sáng trong quán cà phê dở lắm, anh thích thì đi một mình đi”. Chồng mất cả hứng! Điều mà chồng hướng đến là giây phút vợ chồng thoải mái bên nhau trong không khí mát mẻ buổi sáng cuối tuần, được nói với nhau dăm ba câu chuyện vui vẻ, chứ ăn uống thì quan trọng gì. Vậy mà…
Anh Trình vẫn không bỏ cuộc vì nghĩ: “Vợ mình mới ngoài 30 một tí mà đã như vậy, với cái đà “già quá sớm” này, làm sao chịu nổi?”. Anh quyết tâm thay đổi vợ! Lựa lúc vợ vui vẻ (như khi vừa được chồng nộp về một khoản tiền thưởng của cơ quan chẳng hạn), anh tỏ vẻ khẩn thiết: “Anh có một yêu cầu, không biết em có đáp ứng được không?”. Vợ lo lắng, hồi hộp: “Thì anh cứ nói đi, anh gặp rắc rối gì à?”. “Không, chỉ là anh muốn mời em đi uống cà phê cuối tuần này thôi”. Vợ: “Hết hồn, tưởng có chuyện gì, đi thì đi”.
Lần khác, anh lại vờ “nghiêm trọng hóa vấn đề”: “Anh muốn thỉnh cầu người đẹp một việc”. “Anh cứ nói đi, xem em có làm được không đã”. “Chỉ là anh đã trót mua hai vé xem phim vào cuối tuần này, đi với anh nhá”. Vợ cười tít mắt. Trước đây, chồng rủ coi phim, vợ quát: “Bộ anh rảnh lắm sao mà chui vô rạp giết thời gian? Ở nhà vừa coi phim trên tivi, vừa lau nhà, rửa chén không được sao”. Nhưng giờ thấy anh “thỉnh cầu” một cách tội nghiệp, chị đồng ý ngay, quẳng hết việc nhà để đi xem phim với chồng.
Tất nhiên, anh chỉ “làm mẫu” vài lần vậy thôi. Vợ anh sau khi cà phê cà pháo, xem phim, xem kịch, bỗng thấy… ghiền, sau đó còn chủ động rủ ngược lại chồng. Chị cũng nhận ra, nếu mình cứ chăm bẵm vào gia đình sẽ hay cáu bẳn vì mệt mỏi. Tập làm người phụ nữ hiện đại một tí, cuộc sống đáng… sống hơn nhiều và có lẽ, chồng cũng yêu chiều mình hơn.
Ranh giới giữa người vợ hiện đại và người vợ ở “thì quá khứ” rất mong manh, đôi khi chỉ là những chuyện nhỏ. Vợ quen bận đồ màu tối vì “dễ coi”, chồng thích vợ mặc màu sắc tươi tắn hơn, sao vợ không thử? Tăng dần độ sáng của trang phục lên, cũng là cách hay để “phủi” bớt vẻ cổ kính. Vợ thấy xốn mắt khi mỗi sáng đi chợ, gặp mấy bà có tuổi rồi mà còn mặc quần short, mang vợt đi chơi cầu lông, về nhà nhìn chồng lại bực thêm, vì ổng cũng thuộc diện mỗi sáng hớn hở xách vợt ra đường. Vậy thì sao vợ không thử xem môn thể thao đó có gì hay mà nhiều người mê, mà ai tham gia cũng hớn hở, yêu đời hẳn lên? Nếu sức khỏe không cho phép hay thấy không phù hợp với môn đó, vợ có thể thử môn thể thao khác và rủ chồng tham gia, chí ít cũng hiểu về môn đó để chia sẻ với chồng. Làm được như thế, chắc chắn cả hai sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Mỗi lần chồng alô :“Em ơi, đến ngồi với anh một tí, anh muốn giới thiệu em với các bạn của anh”, vợ cứng giọng: “Em không đến mấy chỗ nhậu nhẹt đó đâu”. Sao vợ không nghĩ rằng, chồng thấy tự hào về vợ mới chủ động mời đến giới thiệu với bạn bè? Đâu cần phải ngồi lê la ở đó, chỉ cần đến 5-10 phút, rồi cáo bận đi về. Đảm bảo, chồng sẽ rất vui và khi về nhà, vợ có bắt lau đến ba tầng lầu, chồng cũng vui vẻ đồng ý.
Thực tế, nếu chỉ người chồng muốn thay đổi là rất khó, cần có sự chủ động thay đổi từ phía người vợ. Đơn giản chỉ cần “nghĩ khác” một chút, “nghĩ mới” một chút thay vì trước đây nghĩ thế nào, bây giờ tiếp tục… nghĩ y như vậy.
Phụ nữ thường có xu hướng cổ đi, bởi họ luôn tìm đến những thứ an toàn, mà những thứ an toàn thường thuộc về truyền thống, trong khi đàn ông lại “nhạy cảm” hơn với những cái mới. Vì thế, người vợ nên đổi cách nghĩ, hòa với chồng một chút để từ đó thu hút chồng hơn.
Theo Trần Triều
PNO