Tăng án phạt gã sinh viên giết bạn gái vì không được yêu

Quen biết nhau từ thời còn chung ghế nhà trường, chàng trai thầm yêu trộm nhớ cô gái nhưng không được đáp lại. Thay vì chúc cô gái hạnh phúc, gã trai si tình lại tìm cách hãm hại "người trong mộng" của mình.

Quen biết nhau từ thời còn chung ghế nhà trường, chàng trai thầm yêu trộm nhớ cô gái nhưng không được đáp lại. Thay vì chúc cô gái hạnh phúc, gã trai si tình lại tìm cách hãm hại "người trong mộng" của mình.

Yêu không được thì tìm cách hãm hại   

Chàng trai đó tên Nguyễn Thanh Sang (SN 1992, trú tại 256, xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Thời còn học phổ thông, Sang và chị Võ Thị K. T. (SN 1994, trú tại xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) quen biết nhau do học chung trường, Sang học trên T. hai lớp.

Tuổi học trò, Sang đem lòng yêu thương Thông và đã nhiều lần tỏ tình mà không được T. đáp lại. Thế nhưng Sang vẫn không ngừng từ bỏ theo đuổi cô gái. Chàng trai này thường xuyên liên lạc rủ T. đi chơi và tặng quà cho T.

dhs
Dẫn giải bị cáo Sang về trại tạm giam

Vào khoảng tháng 10/2010, T. có bạn trai học cùng khối, còn Sang lúc này đã là sinh viên trường Đại học Dân lập Cửu Long, từ đó mối quan hệ giữa T. và Sang không còn tốt đẹp như trước. Bất ngờ ngày 3/6/2011, Sang nảy sinh ý định hãm hại T. để trả thù.

Hai ngày sau đó (5/6), Sang gọi điện thoại hẹn gặp T. và được T. đồng ý. Đúng như đã hẹn, vào khoảng 17h ngày 6/6/2011, Sang và T.gặp nhau tại quán karaoke Mỹ Hân. Đây cũng là dịp để Sang “bồi thường” cho T. một chiếc điện thoại di động mà trước đó Sang đã làm hỏng của T.

Để thực hiện ý định hãm hại "người trong mộng" của mình, trước đó vào sáng 6/6, Sang đã chuẩn bị một con dao bỏ vào trong túi xách và đi đến quán Mỹ Hân uống cà phê với bạn bè. Đến khoảng 10h30, tất cả bạn của Sang ra về, chỉ còn lại một mình Sang nằm ở võng ngủ chờ đến chiều để gặp T. Khoảng 16h cùng ngày, Sang vào thuê phòng karaoke số 2 rồi điện thoại gọi T. đến. Nhận được điện thoại của Sang, T. rủ thêm Nguyễn Như Hảo và Phạm Sỹ Kiên cùng đi với T. đến quán. Khi đến nơi, T. đi vào phòng karaoke số 2 để gặp Sang, còn Hảo và Kiên ngồi ngoài chờ.

Vào trong phòng, T. thấy một mình Sang đang ngồi hát. Sau đó Sang và T. hát chung với nhau khoảng 15 phút thì T. đòi về và yêu cầu Sang “đền” điện thoại như đã thỏa thuận của hai người trước đó. Nghe vậy, Sang yêu cầu T. nhắm mắt lại để Sang tặng quà. Không mảy may nghi ngờ điều gì, cô gái cũng nhắm mắt làm theo.

Lúc này, Sang không tặng quà mà rút con dao trong túi xách ra đâm hai nhát liên tiếp vào vùng ngực của cô gái. Bất ngờ bị Sang đâm, T. hốt hoảng bỏ chạy, kêu cứu và bị vấp té. Sang tiếp tục lao đến đâm tới tấp vào người T. Do quá đau đớn, T. vừa la kêu cứu vừa dùng tay, chân chống đỡ làm cho con dao của Sang bị gãy đôi. Thấy vậy, Sang vứt dao tại hiện trường rồi bỏ trốn. T. được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã may mắn sống sót.

Biên bản giám định pháp y của Phòng Pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long kết luận về tỷ lệ thương tật của Võ Thị K. T.: “Ngoại, đa vết thương phần mềm, vết thương thấu phổi và dẫn lưu màng phổi, tỷ lệ chung là 16%”.

Tăng nặng hình phạt vì tính chất côn đồ

Ngày 17/11/2011, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử sơ thẩm và tuyên bị cáo Sang 8 năm tù về tội “Giết người” theo Điểm q, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự. Không đồng tình với mức án tòa tuyên, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Long kháng nghị theo hướng tăng nặng đối với bị cáo Sang; còn đại diện gia đình bị hại có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sang.

Ngày 1/12/2011, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao có kháng nghị phúc thẩm cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo Sang là đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi đó cho thấy bị cáo Sang phạm tội với quyết tâm rất cao, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ vì động cơ đê hèn mà còn thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn cao độ, coi thường mạng sống con người và coi thường pháp luật. Bị hại T. không chết là do đã dùng tay, chân chống đỡ lại, con dao bị gãy và được đưa đi cấp cứu kịp thời, đây là những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của bị cáo.

Vấn đề này đã được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thẩm tra tại tòa và bị cáo Sang cũng đã thừa nhận. Như vậy hành vi của bị cáo Sang đã phạm vào các Điểm q, n, Khoản 1, Điều 93 BLHS. Án sơ thẩm không áp dụng điểm n, khoản 1, Điều 93 BLHS đối với hành vi phạm tội “có tính chất côn đồ” của bị cáo là thiếu sót, cần phải bổ sung.

Theo Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, mặc dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Như phạm tội chưa đạt, thành khẩn khai báo, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự…

Tuy nhiên án sơ thẩm tuyên bị cáo 8 năm tù là quá nhẹ, không tương xứng với hành vi phạm tội và tính chất của vụ án mà bị cáo đã gây ra. Đồng thời không đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này đang xảy ra ngày càng nhiều và rất nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần thiết phải kháng nghị phúc thẩm một phần án sơ thẩm, áp dụng thêm tình tiết định khung hình phạt và tăng nặng hình phạt tù đối với bị cáo Sang.

Tại phiên tòa phúc thẩm, vị đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị tòa tuyên bị cáo Sang từ 12 đến 14 năm tù, bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của đại diện gia đình bị hại.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của đại diện gia đình bị hại; chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao theo hướng tăng nặng đối với bị cáo Sang. 14 năm tù là mức án mà Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên đối với bị cáo Sang.

Phong Trần

 

Đọc thêm