Tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt cho người gặp khó khăn vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những ý kiến được nêu tại một cuộc tọa đàm với chủ đề “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2022 - khả năng đáp ứng mục tiêu về an sinh xã hội”.
Quang cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Bộ Tài chính.
Quang cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Bộ Tài chính.

Cuộc Tọa đàm do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) với sự chủ trì của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức vào sáng 5/11.

Bàn về các gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 trong năm 2021, bà Phạm Minh Thu (Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của chúng ta mới chiếm 0,4% GDP, so với các nước láng giềng còn quá nhỏ (chi khoảng 5% GDP); đặt trọng tâm quá nhiều vào chính sách tạm dừng, giảm đóng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chính sách hỗ trợ tiền mặt 2021 có quy mô nhỏ (2.533 tỷ đồng), thấp hơn rất nhiều so với quy mô gói hỗ trợ năm 2020 theo Nghị quyết 42 (35.880 tỷ).

Chính sách hỗ trợ tiền mặt 2021 đã bỏ qua các nhóm đối tượng yếu thế - những người cần hỗ trợ nhất như hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và bổ sung một số nhóm đặc thù phạm vi hẹp, không phản ánh hết phạm vi ảnh hưởng của dịch COVID.

Điều này có thể tạo ra bất bình đẳng trong thực hiện chính sách, ảnh hưởng đến mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”.

Bên cạnh đó, cơ chế phân bổ ngân sách giữa Trung ương và địa phương tạo gánh nặng cho địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo. Hầu hết các tỉnh không tự chủ ngân sách gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hiện có (quỹ dự phòng) để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Các địa phương đứng đầu về chi hỗ trợ tiền mặt đều là những tỉnh tự chủ về ngân sách như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang…

Vì vậy, bà Thu đề nghị, trước mắt tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn, thực hiện càng sớm càng tốt, tiếp cận theo cách phổ cập nhóm. Đồng thời đảm bảo ngân sách để chính sách được thực hiện đồng đều ở các địa phương.

Về lâu dài, chi đảm bảo an sinh xã hội cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng quỹ dự phòng và tương lai cần có Quỹ An sinh xã hội để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội bền vững.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân cho biết, tăng trưởng năm 2022 có thể bật trở lại trên cơ sở chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh ở điều kiện bình thường mới.

Tuy nhiên, nguồn lực của doanh nghiệp còn yếu, lợi nhuận phải nộp bị giảm nên nguồn thu ngân sách không thể đạt được như mong muốn.

Trong khi đó, một số khoản thu ngân sách có rủi ro nhất định như dầu thô, tiền từ sử dụng đất hay triển khai các biện pháp giãn, giảm thuế đều sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2022. Nhưng ngành Tài chính sẽ quyết tâm thu đúng, thu đủ để đạt được mức dự toán thu.

Trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch, kinh phí chi cho phòng chống dịch dự kiến tăng chi 10 nghìn tỷ đồng cùng với tăng dự phòng ngân sách 17%, chuyển nguồn chưa sử dụng hết trong năm 2021..., cơ bản có thể sẽ chỉ chi tập trung cho mua, nghiên cứu sản xuất vaccine, phát triển thuốc điều trị, giảm được kinh phí chi cho điều trị, cho khoanh vùng, dập dịch thì sẽ đủ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở y tế, tăng năng lực của trung tâm cứu hộ vùng…

Về an sinh xã hội, theo ông Tân, gói hỗ trợ của chúng ta còn nhỏ là do phải căn cứ vào khả năng nguồn lực của ngân sách, điều kiện thực tế. Nhưng điểm may là bên cạnh nguồn lực của ngân sách thì nguồn lực xã hội rất lớn, chúng ta chưa tổng hợp được và gói hỗ trợ nhỏ song rất thực chất (ngoài hỗ trợ tiền mặt thì có hỗ trợ gạo) nên không xảy ra tình trạng suy sụp hay quá tồi tệ với người dân.

Sang năm 2022, chúng ta sẽ điều chỉnh chính sách an sinh xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội (tăng thêm khoảng 5-6 nghìn tỷ), bổ sung chính sách đối với người có công; không cải cách tiền lương nhưng vẫn bố trí một phần tiền lương cho người về hưu từ ngày 1/1/1995 trở về trước; điều chỉnh chuẩn nghèo theo Nghị định 07 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều…

"Khi thực hiện các chính sách này, một bộ phận người khó khăn trong cuộc sống được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trong năm 2022, còn lại là số người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch", ông Tân cho biết.

Ông Tân chia sẻ, hình thức hỗ trợ cho người lao động tự do đang được thảo luận, tính toán. Cụ thể, có ý kiến cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, đặc biệt là sẽ phát vào dịp Tết Nguyên đán, để đảm bảo cuộc sống cho họ và hỗ trợ đón Tết yên vui.

Cũng có ý kiến đề nghị áp dụng hình thức voucher mua hàng nhằm hạn chế sử dụng tiền trợ cấp không đúng mục đích, nhưng để áp dụng được lại đòi hỏi phải có hệ thống cửa hàng phân phối do Nhà nước chỉ định.

Ông Tân khẳng định chắc chắn sẽ chi đảm bảo cho an sinh xã hội cho người dân. Ngoài hỗ trợ trực tiếp, biện pháp hỗ trợ gián tiếp cũng rất quan trọng, thông qua phục hồi kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo đảm dòng tiền, có điều kiện trở lại sản xuất kinh doanh thì sẽ thu hút được người lao động đến làm việc.

Đọc thêm