1. Một số quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
1.1. Quyền của người tố cáo
- Quyền yêu cầu giữ bí mật yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
- Quyền rút đơn: Người tố cáo chỉ được rút tố cáo nếu việc rút tố cáo là có căn cứ. Trong trường hợp xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý, thì người giải quyết tố cáo vẫn xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng, việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc, thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo, đồng thời phải xem xét, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo, nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người tố cáo sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Quyền tố cáo tiếp: Người tố cáo được tố cáo tiếp và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo chỉ giải quyết khi tố cáo tiếp thuộc một trong các trường hợp sau: Đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết; tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo; khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (cụ thể: Vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết lại tố cáo; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những chứng cứ thu thập được; việc xử lý người bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật đã được kết luận; có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc; có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của người bị tố cáo nhưng chưa được phát hiện).
- Ngoài ra, người tố cáo còn có các quyền khác như: Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù.
1.2. Nghĩa vụ của người tố cáo
- Người tố cáo phải cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật Tố cáo; Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
2. Trình tự thực hiện tố cáo
2.1. Các bước thực hiện tố cáo
Bước 1: Xác định chủ thể thực hiện tố cáo và đối tượng bị tố cáo
* Về chủ thể: Chủ thể thực hiện tố cáo là “cá nhân” (Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 13/2021/TT-BTP). Như vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý đối với nội dung này, trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền gặp rất nhiều trường hợp nhận được đơn tố cáo do các pháp nhân gửi đến, theo đó, các đơn này sẽ không được giải quyết mà bị lưu đơn theo quy định pháp luật.
* Đối tượng bị tố cáo: Theo quy định tại Điều 154 Luật Thi hành án dân sự, đối tượng bị tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS trong quá trình tổ chức thi hành án gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Bước 2: Xác định nội dung và hình thức tố cáo
* Nội dung đơn tố cáo: Đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Trong thực tiễn giải quyết tố cáo, cơ quan THADS gặp rất nhiều trường hợp công dân tố cáo nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo nên không có cơ sở xem xét, giải quyết. Do đó, người tố cáo cần lưu ý về việc cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9, điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Tố cáo để được xem xét, giải quyết tố cáo.
* Hình thức đơn tố cáo: Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Thông tư 13/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021 của Bộ Tư pháp, đơn tố cáo sẽ không được giải quyết nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đơn không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
- Đơn viết bằng tiếng nước ngoài không kèm bản dịch được công chứng.
- Đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
- Đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.
- Đơn qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; tố cáo không thực hiện đúng theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo.
- Đơn đồng thời đề gửi nhiều cơ quan, trong đó đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bước 3: Gửi đơn tố cáo
* Hình thức gửi đơn: Người tố cáo có các quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (không được uỷ quyền cho người khác). Người tố cáo có thể làm đơn hoặc đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
* Gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, Điều 12 Luật Tố cáo quy định:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:
+ Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
- Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
- Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.
- Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
2.2. Kết quả giải quyết tố cáo
- Trường hợp đơn tố cáo đủ điều kiện thụ lý theo quy định thì sẽ được thụ lý giải quyết tố cáo. Người tố cáo sẽ nhận được Thông báo về việc thụ lý tố cáo và Thông báo kết luận nội dung tố cáo theo quy định.
- Trường hợp đơn tố cáo chưa đủ điều kiện thụ lý thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không thụ lý tố cáo và thông báo cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo. Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền thì cơ quan tiếp nhận đơn sẽ có văn bản chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và thông báo cho người tố cáo biết.