* Ông Nguyễn Quang Long, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng): Tăng đầu tư cho giáo dục
|
Song, cùng với thực hiện thống nhất về chương trình giáo dục trên toàn quốc, còn những vấn đề nằm trong tầm tay của thành phố cần được giải quyết để tạo sự bền vững trong giáo dục con người. Chẳng hạn như, cần bố trí đất cho các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, để có điều kiện giáo dục học sinh toàn diện về văn - trí - thể - mỹ. Thành phố đang làm tốt công tác bồi dưỡng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trở thành hình mẫu cho các trường chuyên với sự đầu tư rất lớn của thành phố và hướng đến là trường THPT chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia, nhưng cần xem xét việc sử dụng nhân tài trong tương lai như thế nào. Bên cạnh đó, chế độ chính sách với ngành GD-ĐT còn bất hợp lý trong khi khẩu hiệu lại là “Giáo dục là quốc sách”. Dù đây là chủ trương chung, nhưng nên chăng Hội đồng Nhân dân thành phố quan tâm, xem xét đến phụ cấp thâm niên của ngành Giáo dục tại địa phương.
Văn kiện nêu “Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại”, nhưng theo tôi, cần sửa đổi thành “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại”. Bởi lẽ, thành phố làm sao đổi mới được chương trình và nội dung dạy học, mà thuộc tầm của Quốc hội và Bộ GD-ĐT.
|
Học sinh Trường THPT Trần Phú bước vào năm học 2010-2011 trong ngôi trường khang trang. Ảnh: T.PHƯƠNG |
Văn kiện đề cập đến việc khắc phục các tiêu cực trong GD-ĐT, như việc chạy trường và bệnh thành tích. Muốn chống những căn bệnh này không phải cứ hô hào, kêu gọi chung chung mà phải chống ở gốc. Cần đặt câu hỏi rằng, tại sao có nạn chạy trường, cả giáo viên và học sinh đều muốn dạy và học ở trường tốt, trường điểm. Thế là vô hình trung tạo ra chỗ trũng. Thay vì chỉ trích việc chạy trường, cần xem xét nguyên nhân cốt lõi chính là do sự đầu tư không công bằng. Trong 5 năm tới, làm sao để mặt bằng giáo dục chung của thành phố ở mức tương đối để mọi người thấy rằng, sự chênh nhau giữa trường này hay trường kia là ở khu vực trung tâm hay ngoại ô, chứ không chênh nhau về chất lượng.
Ngành GD-ĐT đang tạo bước đột phá đầu tiên để khắc phục bệnh thành tích của cả xã hội, chứ không chỉ là bệnh thành tích của riêng ngành. Theo tôi, để chống bệnh thành tích cần tìm sự đồng thuận của xã hội. Hơn nữa, lãnh đạo các cấp, các ngành phải ủng hộ thật sự việc chống bệnh thành tích và đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của ngành GD-ĐT.
Giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng sống và kỹ năng sống hiện đại phù hợp với thực tế là yêu cầu quan trọng. Lý tưởng là mục đích sống tích cực. Kỹ năng sống là sự tự tin, tự lập. Cần gắn nhà trường với thực tế xã hội bởi nhà trường hiện nay tồn tại như một ốc đảo, những điều dạy ở trường và thực tế xã hội khác xa nhau nên học sinh bước ra xã hội không tránh khỏi bỡ ngỡ. Đã đến lúc không dừng lại ở lời nói, mà làm sao để mọi người đều nhận thức rằng, đầu tư cho giáo dục tuy tốn kém nhưng là sự đầu tư bền vững, là gốc rễ của tương lai.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, cần huy động cả xã hội ủng hộ giáo dục, coi giáo dục thế hệ trẻ không chỉ là chức năng riêng của ngành GD-ĐT mà là của toàn xã hội. Bên cạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cần có chính sách nâng cao đời sống vật chất của họ. Nếu tổng hòa được các yếu tố trên và tăng tốc thực hiện mạnh mẽ thì diện mạo của ngành GD-ĐT thành phố trong 5 năm tới sẽ thay đổi hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của Đà Nẵng.
TÚ PHƯƠNG (ghi)