Tăng học phí theo… lạm phát

Mặc dù đến 10/3, mức học phí của các ĐH dân lập mới “niêm yết” chính thức trong cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 theo quy định của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên chỉ mới sau tết vài ngày, một số trường đã đồng loạt tăng học phí từ 10 - 15% vì lý do lạm phát.

Mặc dù đến 10/3, mức học phí của các ĐH dân lập mới “niêm yết” chính thức trong cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 theo quy định của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên chỉ mới sau tết vài ngày, một số trường đã đồng loạt tăng học phí từ 10 - 15% vì lý do lạm phát.

Đại diện Phòng quản lý và đào tạo sinh viên ĐHDL Đông Đô, Hà Nội, cho biết mức học phí kì I năm học 2009-2010 từ 500.000 - 580.000 đồng/tháng, nhưng đến học kì II sẽ tăng lên từ 550.000 - 680.000 đồng mỗi tháng. “Giá cả thị trường biến động liên tục như vậy nên việc tăng học phí là… đương nhiên”, vị này giải thích.

Mỗi năm tăng một lần

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Phương Đông, quận Cầu Giấy, Hà Nội, mức học phí bình quân của trường khoảng 6,5 triệu một năm và mỗi năm có thể tăng 10% theo đà lạm phát. “Nhưng trường chưa quyết định mức tăng cụ thể vì còn tùy tình hình lạm phát”, ông Dụ nói. Trong khi đó, ĐHDL Thăng Long lấy một mốc học phí cụ thể rồi căn cứ và tăng theo chỉ số lạm phát khi Nhà nước công bố.

Nhiều ĐHDL tăng học phí để "hút" thí sinh trong mùa tuyển sinh 2010. Ảnh: Trung Kiên

Theo một lãnh đạo nhà trường, cơ sở vật chất đã đi vào vận hành nên sinh viên không phải đóng tiền xây dựng. Tuy nhiên, Nhà nước chuẩn bị tăng lương tối thiểu, trong khi định mức giờ giảng của giáo viên trả rất thấp (55.000 đồng/tiết) nên rất khó mời. Vì vậy, trường buộc phải tăng học phí để đảm bảo duy trì hoạt động của trường.

Bà Trương Thị Hương Giang, ĐH Đại Nam, nói: “Học phí của khóa 1,2,3 vẫn giữ nguyên 800.000 đồng một tháng, nhưng học phí của khóa 4 sẽ tăng lên 980.000/tháng do biến động về tỷ giá và lạm phát”. Nhà trường đã cân nhắc rất nhiều mức học phí này, vì hằng năm trường vẫn phải đầu tư rất nhiều để đảm bảo chất lượng học tập của sinh viên. Một số ĐH dân lập khác cũng có chủ trương tăng học phí mỗi năm một lần, mỗi lần tăng không quá 10%.

Cắt khâu trung gian, tiết giảm chi phí

Tuy nhiên, một số trường dân lập đang cố giữ mức học phí để “hút” thí sinh trước mùa tuyển sinh 2010 và tạo tâm lý ổn định cho những sinh viên đang theo học. “Không tăng học phí, vì nếu tăng sẽ tác động không tốt đến tâm lý của SV” là chủ trương của GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng ĐHDL Hải Phòng.

Nhưng để làm được việc đó, trường phải cắt các khâu trung gian để giảm chi phí. Thay vì thuê 20 - 30 nhân công quản lý một ký túc xá rất hiện đại  với tiền lương mỗi tháng lến đến 200 triệu đồng, nhà trường đã giao việc quản lý này cho sinh viên, vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo nguồn thu cho sinh viên.

Vì đối tượng sinh viên phần lớn xuất thân từ nông thôn, trong năm học 2009 - 2010, ĐH Thành Tây (Hà Nội) cũng không tăng học phí. PGS.TS. Hoàng Hữu Nguyên, Phó hiệu trưởng trường, cho biết mức học phí 700.000 đồng một tháng vẫn giữ nguyên và không có ý định tăng, dù một số trường công bố tăng 10% - 15%. Dù đang bù lỗ về chi phí đào tạo nhưng ĐH Quốc tế Bắc Hà cũng cố gắng không tăng học phí.
 
Giáo sư  Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng trường, cho hay: Dù đang phải bù lỗ nhưng trường sẽ cố gắng để đảm bảo sinh viên được học với điều kiện tốt nhất. Mức học phí của khối kinh tế 18 triệu đồng mỗi năm, khối kỹ thuật 20 triệu đồng mỗi năm vẫn không thay đổi. Tương tự, Phó hiệu trưởng ĐH FPT, tiến sĩ Nguyễn Khắc Thành, cho biết mức học phí của trường trong năm 2009-2010 vẫn giữ nguyên là 1.100 USD một học kỳ.

Theo một chuyên viên của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), đến nay hầu hết ĐHDL đã gửi báo cáo về học phí để công bố trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ". Nhìn chung, học phí khối ngoài công lập không có biến động lớn và đó cũng là cách “hút” thí sinh trước mùa tuyển sinh. Sau khi nhập học, thí sinh mới thực sự biết mức học phí này là bao nhiêu.

Theo Đất việt

Đọc thêm