Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản, các sản phẩm sò điệp của Việt Nam hiện có mặt tại hơn 20 thị trường trên toàn cầu. Đáng chú ý, Mỹ, Đan Mạch và Nhật Bản là ba thị trường nhập khẩu nhiều sò điệp nhất từ Việt Nam trong năm 2024.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu sò điệp của Việt Nam đã có một bước đột phá lớn. Năm 2023, sản phẩm này chỉ được xuất khẩu lẻ tẻ với vài đơn hàng nhỏ, nhưng đến năm 2024, sò điệp Việt Nam đã thâm nhập sâu vào thị trường này với các đơn hàng lớn và đều đặn hàng tháng. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 11 triệu USD, gấp 131 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại Nhật Bản, xuất khẩu sò điệp Việt Nam cũng đang chứng kiến mức "tăng phi mã". Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sò điệp sang Nhật Bản đã tăng tới 312%. Sự gia tăng này một phần nhờ vào việc Nhật Bản đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thủy sản sau lệnh cấm đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản tại Trung Quốc liên quan đến sự kiện xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima. Việt Nam đã trở thành đối tác gia công đáng tin cậy, với các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu thí điểm chế biến sò điệp Hokkaido tại Việt Nam để xuất khẩu ngược lại về Nhật.
Trái ngược với xu hướng tăng trưởng tại Mỹ và Nhật Bản, xuất khẩu sò điệp sang Đan Mạch lại ghi nhận sự sụt giảm. Tuy nhiên, tổng quan về xuất khẩu sò điệp của Việt Nam trong năm nay vẫn rất khả quan, với triển vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.