Tăng thời gian học, giảm thời gian tập sự nghề Luật sư?

Dự thảo Luật Luật sư (LS) sửa đổi đã được trình trong phiên cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII với nhiều điểm đổi mới, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật Luật sư (LS) sửa đổi đã được trình trong phiên cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII với nhiều điểm đổi mới, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội.

Luật sư trong một phiên tranh tụng
Luật sư trong một phiên tranh tụng

Tăng mạnh về “lượng” nhưng chưa tương xứng về “chất”

Theo báo cáo tổng hợp, sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, cả nước đã có hơn bảy ngàn LS nhưng hiện mới chỉ có 0,2% LS có thể “ngang hàng” với LS khu vực nên gần như các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam đều phải “nhường” thị trường cho hơn 200 LS nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam.

Hơn nữa, mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 18 – 20 ngàn LS nên cần phải có quy định phát triển đội ngũ LS tương xứng với yêu cầu của thời kỳ hội nhập, nhưng không có nghĩa là được “thả nổi” điều kiện trở thành LS.

Tổng kết 5 năm thi hành Luật LS cho thấy đội ngũ LS Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, tăng hơn 2,5 lần so với trước khi Luật có hiệu lực và gần 3,5 ngàn người tập sự hành nghề, hoạt động trong hơn 2,8 ngàn tổ chức hành nghề LS. Chất lượng của đội ngũ từng bước được nâng lên, số LS đã qua đào tạo nghề chiếm hơn 75% tổng số LS. 

Theo báo cáo của 59 Đoàn LS, trong 5 năm (2007 - 2011) các LS đã tham gia hàng trăm ngàn vụ án hình sự; vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình; kinh tế, thương mại, lao động, hành chính, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách... Hoạt động của tổ chức LS nước ngoài được duy trì tương đối ổn định.

“Luật LS đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động LS ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do một số quy định của Luật LS đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Cánh cửa “miễn đào tạo” bị thu hẹp

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật LS được sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề và thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo nghề, miễn, giảm tập sự hành nghề LS. Đối với thẩm phán sơ cấp, kiểm sát viên sơ cấp và các chức danh như điều tra viên, thẩm tra viên chính, chuyên viên chính... trong lĩnh vực pháp luật thì chỉ được miễn đào tạo nghề LS trong trường hợp đã giữ chức danh đó từ 5 năm trở lên.

Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định trừ các chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành luật, tiến sỹ luật, thì các chức danh còn lại chỉ được miễn đào tạo nghề trong thời hạn 5 năm kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh đó.

Dự thảo Luật còn sửa đổi quy định về thời gian đào tạo nghề LS: Tăng từ 6 tháng theo quy định hiện hành lên 12 tháng; và thời gian tập sự hành nghề LS: Giảm từ 18 tháng theo quy định hiện hành xuống 12 tháng; nhưng vẫn bảo đảm tổng thời gian đào tạo và tập sự là 24 tháng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương đào tạo chung 3 chức danh thẩm phán, kiểm sát viên và LS trong thời gian tới.

Trong thời gian 12 tháng đào tạo nghề, học viên sẽ được học một số kỹ năng cơ bản chung cho cả 3 chức danh, được đi thực hành tại các cơ quan tư pháp (tòa án, kiểm sát, cơ quan điều tra...), các tổ chức hành nghề LS, đồng thời chương trình đào tạo sẽ dành thời gian để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu của LS.

Không những thế, để thu hút nguồn nhân lực đã có bằng cử nhân luật, được đào tạo nghề gần với LS, có kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp tham gia hành nghề LS, Dự thảo Luật quy định một số chức danh tư pháp như công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại... từ 5 năm trở lên cũng được miễn đào tạo nghề LS, nhưng phải tập sự hành nghề và qua kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS.

Cũng theo Dự thảo Luật, việc tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm (do Liên đoàn LS Việt Nam, Đoàn LS thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp) là nghĩa vụ của LS nhằm thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.

Vẫn tranh luận về điều kiện miễn, giảm

Trong phiên cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Đa số ý kiến Ủy ban nhất trí việc quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề LS. Tuy nhiên, quy định tiêu chuẩn đối với LS phải bảo đảm mặt bằng chung với các chức danh tư pháp khác, đồng thời có sự phân định phù hợp với từng loại chức danh tư pháp.

Đa số ý kiến cho rằng, để được bổ nhiệm các chức danh tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì các đối tượng này phải trải qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thời gian công tác thực tiễn nhất định. Do vậy việc quy định phải có thêm thời gian 5 năm trở lên giữ các chức danh đó mới được miễn đào tạo nghề LS là không hợp lý.

Còn tại buổi thảo luận Tổ về Dự thảo Luật LS, nhiều ý kiến cho thấy muốn nâng cao chất lượng hành nghề LS thì phải chú trọng “đầu vào”. Đại biểu Hoàng Đăng Quang (tỉnh Quảng Bình) đề nghị, “đầu vào” của LS là có bằng cử nhân Luật chính quy và bổ sung thêm một số tiêu chuẩn cần thiết cho LS, nhất là kiến thức về luật quốc tế và ngoại ngữ vì “hiện LS chưa nắm được hết luật quốc tế, yếu ngoại ngữ, hạn chế rất nhiều đến khả năng bảo vệ thân chủ” như lời đại biểu này nói.

Thời gian đào tạo và tập sự hành nghề LS cũng là “tâm điểm” quan tâm của nhiều ĐBQH. “Trước đây, Luật có “dễ dãi” trong quy định miễn đào tạo hoặc tập sự đối với một số chức danh dẫn đến hậu quả là chất lượng hành nghề chưa cao”, một ĐBQH nói. Một số đại biểu khác thì đề nghị trước khi điều chỉnh thời gian đào tạo và tập sự, phải đánh giá ảnh hưởng đến chất lượng LS để đảm bảo hợp lý.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận xét: “Tăng thời gian đào tạo nghề, giảm thời gian tập sự hành nghề là không ổn”. Đa số đại biểu không đồng tình với việc miễn đào tạo LS cho các chức danh tư pháp muốn chuyển sang hành nghề LS, nhất là chức danh thừa phát lại vì chức danh này mới đang thí điểm tại TP.HCM. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) đề nghị cân nhắc quy định điều tra viên được miễn đào tạo, nhưng phải qua tập sự 2/3 thời gian, trong khi thẩm phán, kiểm sát viên lại được miễn hoàn toàn.

Riêng đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị duy trì thời gian đào tạo và tập sự hiện hành bởi “giờ tăng học lên là không hợp lý vì nhiều nội dung trùng. Ở ta không có nhiều án lệ nên không cần học nhiều”.

Trong khi ấy, đại biểu Bùi Trí Dũng (tỉnh An Giang) lại tán thành kéo dài thời gian đào tạo LS lên 12 tháng. “Miễn đào tạo hoặc chỉ đào tạo 3 - 4 tháng rồi cho chuyển đổi sang LS là không ổn. Không thể bỏ đào tạo nếu muốn tăng chất lượng LS”, đại biểu Dũng phân tích. Cũng theo ông Dũng: “Đào tạo kỹ năng của LS khác các ngành tố tụng khác vì ngoài nền tảng pháp luật, LS còn cần những kỹ năng đặc biệt và cần đào tạo lại để rèn luyện thêm cho LS”.

Yến Nhi

Đọc thêm