Tăng trưởng GDP 6,5%: Cần tăng tốc để đạt mục tiêu

(PLO) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) nhận định như vậy tại phiên họp cho ý kiến về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017... của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra hôm qua (17/10).
Ảnh minh họa

Nỗ lực bứt phá

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cho biết, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và doanh nghiệp, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3-6,5% (so với kế hoạch đề ra là 6,7%), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6-7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 0,6% và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP là 32,5%.

Về dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2017, Chính phủ đặt chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 tăng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến 178,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% GDP.

Thẩm tra báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng hầu hết những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn so với các quý trước như giải ngân vốn đầu tư đạt 100% kế hoạch, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút vốn FDI tăng và quy luật GDP quý cuối thường tăng cao hơn các quý trước đều là chưa chắc chắn. Do đó, kết quả GDP cả năm theo ước tính đạt 6,3-6,5% cũng “chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được”.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng hoài nghi về khả năng đạt được mức tăng trưởng 6,3-6,5% trong năm 2016 như báo cáo của Chính phủ vì để đạt được kết quả này tăng trưởng trong quý IV phải đạt 7,7%.

Cần duy trì ngưỡng về nợ công

Về tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015 và định hướng Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ báo cáo số ước bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, bằng số QH quyết định. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011-2015, nợ Chính phủ/GDP đã lên đến 50,3%, vượt mức trần 50% đã được QH quyết định. Chính phủ đề xuất nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc thì về cơ bản, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011-2015. Do đó, Ủy ban đề nghị giữ mức nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ so với GDP là 50%, nợ nước ngoài của quốc gia là 50% và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay. Đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP, có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53% nhưng đến năm 2020 đề nghị đưa về mức giới hạn 50%.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối ngân sách nhà nước chủ động và kịp thời. Trường hợp ngân sách nhà nước hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tính pháp lý về ODA ở nước ta hiện nay có vấn đề và việc quản lý, sử dụng cũng có vấn đề. Một số dự án tăng tổng mức đầu tư cao, quy trình chấp nhận, tính công khai, minh bạch, quản lý sử dụng vốn ODA, phần nhiều vẫn ở nghị định, không nằm ở luật. Do đó, để quản lý chặt về vấn đề này, bà Nga cho rằng, cần phải có văn bản “chí ít cũng ở tầm pháp lệnh” và đề nghị Chính phủ có báo cáo về khiếm khuyết trong việc quản lý sử dụng ODA trong thời gian qua để nợ công không bị đẩy lên vì vấn đề này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà lại, đánh giá thêm tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 để có căn cứ xác định mục tiêu năm 2017. Về việc xuất khẩu không hoàn thành được mục tiêu cũng cần đánh giá thêm nguyên nhân. Về kế hoạch tài chính 5 năm, Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ dựa trên Luật Ngân sách nhà nước cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng XII cơ cấu lại ngân sách, thể hiện rõ cơ cấu thu, cơ cấu chi và lưu ý chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên. “Riêng trần nợ công 65% là không được tăng lên” – ông nhấn mạnh.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, ông Hiển đề nghị trong 2 triệu tỉ đồng  từ trái phiếu Chính phủ, bán trái phiếu, vay nước ngoài sẽ chỉ phân bổ 1,8 triệu tỉ, còn 200.000 tỉ là dự phòng. Đồng thời trong quá trình phân bổ ngân sách cần làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí, trật tự ưu tiên đối với các nguồn vốn sẽ sử dụng. Ông Hiển cũng đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, làm rõ cơ cấu vay, trả nợ, đảo nợ trong quản lý và sử dụng vốn thời gian tới.

Đọc thêm