Tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt thấp: Không cần thiết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

(PLVN) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất giai đoạn 2011-2020 nhưng theo đại diện Tổng cục Thống kê (TCTK), trong bối cảnh dịch Covid-19 thì đây là mức tăng trưởng khá trong khu vực và thế giới và Việt Nam không cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng… 
TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì cuộc họp báo
TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì cuộc họp báo

Công nghiệp chế tạo - động lực chính của tăng tưởng

Thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2020, chiều qua (27/3), TCTK cho biết, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%. Tuy đạt mức tăng không cao nhưng theo TCTK, khu vực này vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay.

Ngoài ra, khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.

Theo Tổng cục trưởng TCTK, TS. Nguyễn Bích Lâm, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thì đây là mức tăng trưởng khá trong khu vực và thế giới.

“Điều này thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định, công nghiệp chế biến, chế tạo tuy tăng thấp, nhưng vẫn đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước. An sinh xã hội được đảm bảo...” - Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh. 

Có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng?

Tại cuộc họp báo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho biết, khi có dịch Covid-19, TCTK đánh giá thiệt hại tới các ngành, từ đó điều chỉnh kịch bản theo từng ngành. Ngay trong quý I, TCTK đã 3, 4 lần cập nhật kịch bản. Sau khi có kết quả GDP quý I, TCTK đã khẩn trương làm lại kịch bản tăng trưởng. Theo  đó, có 2 kịch bản: Kịch bản 1, dịch kéo dài hết quý II, dập thành công, hoạt động trở lại bình thưởng thì tăng trưởng trên 5%; Kịch bản 2, dịch kéo dài sang quý III thì vẫn tăng trưởng 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1. 

“Để đạt cả năm 6,8%, thì phải có kịch bản mới cho từng quý sau tăng trưởng ra sao. Nhưng theo chúng tôi, rất khó đạt được trong tình hình hiện nay. Độ mở của nền kinh tế rất lớn, trên 200%, phụ thuộc nhiều bên ngoài. Các nước đang đóng cửa nên ảnh hưởng lớn… Do vậy, kịch bản 6,8% rất khó nhưng chúng tôi vẫn xây dựng…” - ông Lâm cho biết.

Về việc có điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô hay không, ông Lâm cho biết, quan điểm của TCTK là mục tiêu này có từ khi chưa có dịch Covid-19, nay dịch xảy ra, tác động đến toàn thế giới (các nhà kinh tế dự báo quý I này Mỹ tăng trưởng 0%, thậm chí cả quý II, quý III cũng có dự báo 0%), do đó, nếu tăng trưởng trên 5% đã là thành công rực rỡ. “Trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, chúng ta tăng trưởng dương đã là thành công, rất đáng tự hào!” - Tổng cục trưởng TCTK khẳng định và cho biết, quan điểm của TCTK là không nên điều chỉnh mục tiêu, không cần thiết đổi mục tiêu để mà năm nào cũng đạt mục tiêu. “Quan trọng là chúng ta nỗ lực hết sức, thực hiện đồng bộ giải pháp”- Tổng cục trưởng TCTK nhấn mạnh. 

Thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Báo cáo của TCTK cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu (XNK). Khu vực dịch vụ trong quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 -2020. 

Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 9,6%, doanh thu du lịch lữ hành giảm 27,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%); vận tải hành khách giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) và luân chuyển  giảm 8% (cùng kỳ năm trước tăng 10%); vận tải hàng hóa chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,6%) và luân chuyển  tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%)…

Đặc biệt, kim ngạch XNK nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ; tổng kim ngạch XNK hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD…

Đọc thêm