Ngày 11-2, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND, từ 18.932 VND lên 20.693 VND (tăng 9,3%), cùng với đó là thu hẹp biên độ áp dụng cho tỷ giá của các ngân hàng thương mại từ +/-3% xuống còn +/-1%.
|
Tuy nhiên, không bất ngờ khi tỷ giá được điều chỉnh tăng. Trong thời gian gần đây, khả năng điều chỉnh đã được giới đầu tư, các tổ chức tính tới, vấn đề còn lại chỉ là thời gian và thời điểm.
Ở lần điều chỉnh này, mức tăng 9,3% có thể nói là mạnh nhất trong lịch sử qua một lần điều chỉnh, gần với cả mức tăng của cả một năm trong những năm gần đây. Qua mức tăng 9,3%, mức trần bán ra của các ngân hàng thương mại ở 20.900 VND, đã thu hẹp hẳn khoảng cách quanh 10% so với giá trên thị trường tự do vốn tồn tại từ tháng 10/2010 đến nay.
Như vậy, sau 6 tháng kể từ lần tăng gần nhất (ngày 17-8-2010, từ 18.544 VND lên 18.932 VND) và cố định đến ngày 10-2-2010, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được điều chỉnh. Đi cùng với đó, biên độ cũng đã được thu hẹp từ +/-3% xuống +/-1%, sau hai lần điều chỉnh trong năm 2009 (nới rộng từ +/-3% lên +/-5% từ 24/3 và thu hẹp lại từ +/-5% xuống +/-3% từ ngày 26/11).
Về những điều chỉnh trên, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp: “Các biện pháp này sẽ tạo điều kiện để điều hành điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn”.
Sự chủ động ở đây được cụ thể ở định hướng là Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá bình quân liên ngân hàng tương đối linh hoạt trong thời gian tới, thay vì cố định kéo dài như trong thời gian qua sau mỗi lần điều chỉnh.
Và với biên độ được thu hẹp xuống +/-1%, tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ phản ánh thị trường sát hơn; cộng với sự linh hoạt trong điều hành, tỷ giá này sẽ có những thay đổi thực tế hơn, bám sát thị trường.
Nếu xem những điều chỉnh mới của Ngân hàng Nhà nước là đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp hơn với thị trường, thì “những gì của Cesar đang được trả lại cho Cesar”, thay vì mài mòn trông thấy dự trữ ngoại tệ để bình ổn và kìm nén.
Vấn đề còn lại là việc điều chỉnh lần này sẽ tác động thế nào đến lạm phát? Trong quá khứ, nền kinh tế từng vượt qua những kỳ lạm phát cao, nhưng sẽ nhiều rủi ro nếu dự trữ ngoại tệ tiếp tục bị bào mòn (hiện đang ở mức thấp), đặc biệt là với yêu cầu phòng thủ trước tình huống dòng vốn nóng đầu tư nước ngoài đột ngột đảo chiều nếu có một lý do nào đó.
Dư luận quốc tế
Giới phân tích quốc tế không tỏ ra ngạc nhiên về động thái điều chỉnh tỷ giá tham chiếu USD/VND của Ngân hàng Nhà nước, nhưng bất ngờ về mức độ của lần điều chỉnh này.
Theo nhiều chuyên gia nước ngoài, động thái này có mang ý nghĩa tích cực. Các chuyên gia thuộc ngân hàng Standard Charterd cho rằng, việc tăng tỷ giá tham chiếu USD/VND sẽ làm giảm bớt những áp lực đối với dự trữ ngoại hối của Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực xuất khẩu, theo đó làm giảm bớt áp lực đối với cán cân thương mại.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ý hoan nghênh động thái này của Ngân hàng Nhà nước, xem đây là một nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá “chợ đen”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các nhà phân tích quốc tế cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng leo thang của lạm phát và áp lực đối với triển vọng tín nhiệm nợ của Việt Nam sau khi tỷ giá tham chiếu được điều chỉnh tăng.
“Lần điều chỉnh tỷ giá mới nhất này có thể dẫn tới tình trạng lạm phát nhập khẩu cao hơn trong những tháng tới, đặc biệt khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao”, tờ Financial Times dẫn một báo cáo ra ngày 11-2 của Standard Chartered.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ý hoan nghênh động thái này của Ngân hàng Nhà nước, xem đây là một nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá “chợ đen”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các nhà phân tích quốc tế cũng lên tiếng cảnh báo về khả năng leo thang của lạm phát và áp lực đối với triển vọng tín nhiệm nợ của Việt Nam sau khi tỷ giá tham chiếu được điều chỉnh tăng.
“Lần điều chỉnh tỷ giá mới nhất này có thể dẫn tới tình trạng lạm phát nhập khẩu cao hơn trong những tháng tới, đặc biệt khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao”, tờ Financial Times dẫn một báo cáo ra ngày 11-2 của Standard Chartered.
Reuters nhấn mạnh, đây là lần điều chỉnh tỷ giá thứ tư của Việt Nam kể từ tháng 11/2009. Wall Street Journal chỉ rõ, với 4 lần điều chỉnh này, đồng VND đã yếu đi 13,6% so với USD.
Trao đổi với tờ Wall Street Journal, chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat thuộc ngân hàng Barclays cũng cho rằng “mức độ điều chỉnh tỷ giá này là lớn hơn so với những gì mà thị trường dự báo”.
Theo VnEconomy