Tạo chuyển biến vững chắc về chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên

(PLO) - Thời gian qua, các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) dành cho thanh, thiếu niên đã được thực hiện đồng bộ, ở nhiều quy mô, cấp độ, gắn liền với phong trào hành động của tuổi trẻ, phù hợp với thực tế cơ sở, với tâm lý giới trẻ, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. 
Tạo chuyển biến vững chắc  về chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên

Qua thực tiễn, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả ở cơ sở, giữ vai trò nòng  cốt trong công tác PBGDPL cho thanh niên như mô hình Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật, Đội tuyên truyền thanh niên về pháp luật, Đội giáo dục đồng đẳng…

Các mô hình tuy đã góp phần quan trọng trong việc giúp thanh, thiếu niên nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn song việc đầu tư, chỉ đạo, triển khai thực hiện nội dung giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên của các cấp thời gian qua chưa thực sự được coi trọng với tư cách là một nội dung giáo dục độc lập.

Việc chỉ đạo chỉ được thực hiện chủ yếu thông qua lồng ghép với các nội dung, chương trình giáo dục khác như phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông. Các hoạt động giáo dục pháp luật trong thanh, thiếu niên triển khai, thực hiện chưa thường xuyên, chủ yếu diễn ra theo các đợt hoạt động cao điểm. Một số hoạt động còn thiếu chiều sâu, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục hạn chế, không ít hoạt động còn mang tính hình thức. Vì thế chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động theo pháp luật của thanh niên ở cơ sở. 

Ngoài ra, việc giáo dục pháp luật chủ yếu tác động vào những thanh niên tích cực, chưa thực sự quan tâm, đầu tư và đề ra các giải pháp thiết thực để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thanh, thiếu niên đặc thù. Sự phối hợp hoạt động với các cấp, các ngành chức năng chưa tốt, cơ chế, nguồn lực, chính sách, cơ sở vật chất, tài liệu phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL ở các địa phương còn khó khăn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền PBGDPL chưa được đào tạo bài bản, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, thiếu kinh nghiệm và khả năng truyền đạt về pháp luật. 

Từ thực tiễn đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình giáo dục pháp luật. Theo đó, việc bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên có hiểu biết pháp luật và kỹ năng tuyên truyền là hết sức quan trọng. Các báo cáo viên phải là những người nắm vững kiến thức về pháp luật, ít nhất là mô hình giáo dục được định hướng tuyên truyền.

Tại nhiều địa phương, các báo cáo viên là cán bộ trẻ, cán bộ Đoàn, Hội, các giáo viên, giảng viên trẻ bộ môn Giáo dục công dân hoặc cán bộ trong ngành Tư pháp, tư vấn pháp luật… nên có thời gian tự học, tự nghiên cứu về lĩnh vực, kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng trình bày, thuyết trình trước khi tiến hành việc tuyên truyền, phổ biến mô hình PBGDPL. Mỗi báo cáo viên cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền các mô hình nhằm đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa hình thức PBGDPL truyền thống và những hình thức PBGDPL đang được áp dụng và có hiệu quả trong thực tiễn phù hợp với từng đối tượng thanh, thiếu niên như: tuyên truyền miệng; biên soạn, phát hành tài liệu; PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tủ sách pháp luật; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật…

Đặc biệt, các địa phương cần chú ý phân nhóm đối tượng tuyên truyền pháp luật, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng dễ nảy sinh tư tưởng và có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, kỷ luật như nhóm các thanh niên cá biệt, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên tái hòa nhập. Với mỗi nhóm đối tượng, nên sử dụng những mô hình PBGDPL khác nhau với nội dung pháp luật tuyên truyền khác nhau phù hợp với tâm lý và tính cách của nhóm đối tượng đó. Cùng với đó, cần có cơ chế phù hợp với chính quyền địa phương, ngành Tư pháp, các trung tâm tư vấn pháp luật để nắm bắt và trao đổi định kỳ về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là các địa bàn nóng và nghe phản ánh việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Mỗi địa phương cần kết hợp linh hoạt giữa công tác tuyên truyền các mô hình PBGDPL với việc nắm tình hình, khảo sát, điều tra xã hội học về tình hình tư tưởng, quan điểm đạo đức, lối sống và hành vi của thanh niên trường học. Từ đó, xây dựng hệ thống dữ liệu về thực trạng việc chấp hành pháp luật, kỷ luật trong trường học, từ đó tham mưu với các cấp chính quyền thực hiện các biện pháp giải quyết khó khăn, phát sinh cũng như kịp thời điều chỉnh các mô hình tuyên truyền pháp luật phù hợp với thay đổi trong thực tiễn.

Có thể nói, công tác tuyên truyền các mô hình PBGDPL cho thanh, thiếu niên đã được quan tâm và triển khai đạt kết quả khả quan trong thời gian qua, tuy nhiên, công tác PBGDPL tại các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, trường học, địa bàn dân cư… còn một số hạn chế nhất định, trong đó hạn chế lớn nhất là tính bền vững trong triển khai các mô hình. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL, tích cực khắc phục hạn chế, làm chuyển biến vững chắc hơn nữa việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh cho thanh, thiếu niên.

Đọc thêm