Nhiều chương trình nghệ thuật có sức hút
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2024, theo số liệu do Ban Tổ chức của concert “Anh trai say hi” công bố, có khoảng 70.000 người đến tham dự show diễn. Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” có khoảng 50.000 người tham gia. Đặc biệt, trong tuần lễ diễn ra concert, TP HCM có hàng chục ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về để xem các màn trình diễn. Số liệu này sẽ còn tăng phi mã khi cả hai show đều có thêm đêm concert tiếp theo ở Hà Nội vào tháng 12/2024.
Tại TP HCM, ca sĩ Phương Mỹ Chi vừa có đêm “School tour - Vũ điệu cò bay 2024” thành công khi có hơn 8.000 khán giả thăng hoa cùng cô. Chương trình “Jazz quốc tế 2024” mang 5 chủ đề khác nhau: The Spotlight of Jazz; Living the legend; The Latin night; The Collection, Jazz Flows qua sự thể hiện của hơn 100 nghệ sĩ quốc tế đã mang đến cho du khách trong nước và quốc tế nhiều sự trải nghiệm màu sắc âm nhạc.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội tạo dấu ấn kỷ lục với hơn 110 hoạt động, hiện thực hóa sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Khoảng 1.000 nhà sáng tạo, bao gồm nghệ sĩ, kiến trúc sư, giám tuyển cùng chung tay để tạo nên một Giao lộ sáng tạo hoành tráng. Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Lễ hội thu hút gần 30 vạn du khách, lan tỏa tinh thần sáng tạo không giới hạn. Sự kiện đã nhận được sự đánh giá cao từ đông đảo người dân, cộng đồng sáng tạo, khách tham quan trong và ngoài nước. Đây là kỳ lễ hội thành công nhất từ trước đến nay, với lượng công chúng tham gia vượt ngoài mong đợi.
Cùng với đó, nền công nghiệp điện ảnh ghi những dấu ấn mới với những đạo diễn “nghìn tỷ” như Trấn Thành, Lý Hải và các bộ phim có tổng doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Không rầm rộ nhưng doanh thu bất ngờ từ bộ phim được thực hiện bằng ngân sách nhà nước “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, với con số gần 21 tỷ đồng đã gợi mở cho điện ảnh Việt Nam nhiều hướng phát triển trong thời gian tới.
Cần xây dựng một chiến lược bài bản
Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện… là “chất liệu” cho công nghiệp văn hóa Việt Nam khởi sắc. “Mỏ vàng” ấy nếu được đầu tư đúng cách sẽ khơi dậy được hết tiềm năng.
Ngày 8/9/2016, Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Du lịch văn hóa. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Có thể thấy rằng, Việt Nam giàu bản sắc văn hóa dân tộc và 198 không gian sáng tạo phân bổ trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa.
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm - dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới không hề dễ dàng. Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ Việt Nam chưa thể tạo nên được ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm văn hóa đại chúng có sức thu hút trên toàn cầu là do chúng ta chưa thực sự tạo được sự liên kết giữa truyền thống với các giá trị chung mới hiện đại toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định, Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”. Nguyên nhân có thể thấy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam đang thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa trong cùng khu vực châu Á.
Mặt khác, việc chưa xem công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa tạo được ấn tượng thu hút đối với người nước ngoài. Việt Nam chưa có các sản phẩm văn hóa đẳng cấp quốc tế do chưa có sự đầu tư tương xứng.
Để đạt được mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2023, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, “nút thắt” chúng ta phải mở là xây dựng một chiến lược bài bản: “Khi chúng ta đã có tầm nhìn và có quyết tâm rồi thì cần phải có cấu trúc ngành nghề. Phát triển công nghiệp văn hóa nó sẽ có chủ thể, ví dụ như Nhà nước có khung chính sách luật pháp, khung thể chế, cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải hình thành mô hình 3 nhà: nhà đầu tư, Nhà nước và nhà sáng tạo thì mới tạo ra được sự chuyển động”. “Đừng để nghệ sỹ giỏi phải sống trong những cơ sở xập xệ. Cần có điều kiện nuôi dưỡng tài năng, khơi dậy khát vọng sáng tạo “cất cánh” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Phát triển công nghiệp văn hóa đang được nhìn nhận như một ngành kinh tế có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường trong và ngoài nước. Vừa qua, “công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cử là một trong những sự kiện tiêu biểu trong năm 2024.