Tạo niềm tin, khơi thông thị trường

Hôm qua (30/10), thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, ĐBQH đều đánh giá khả quan về hiệu quả ổn định tình hình KTXH năm 2012 qua các giải pháp đã được thực hiện, cơ bản đồng tình với các giải pháp của Chính phủ để phát triển KTXH năm 2013 dù vẫn trăn trở với nhiều vấn đề …

Hôm qua (30/10), thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, ĐBQH đều đánh giá khả quan về hiệu quả ổn định tình hình KTXH năm 2012 qua các giải pháp đã được thực hiện, cơ bản đồng tình với các giải pháp của Chính phủ để phát triển KTXH năm 2013 dù vẫn trăn trở với nhiều vấn đề …

Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), “kết quả năm 2012 đã làm cho chúng ta giữ được trạng thái ổn định nền kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn, được các tổ chức quốc tế, nhất là các tổ chức tài chính đánh giá đi đúng hướng và đang khuyến khích, kiến nghị chúng ta làm nhanh, làm mạnh và làm kiên quyết hơn”.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, việc kiềm chế lạm phát trong 9 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa thật hợp lý đã tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống nhân dân.

Thống nhất mục tiêu tổng quát và 18 chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2013 Chính phủ đưa ra, ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) thấy rằng, nên nghiên cứu đưa ra một số giải pháp mang tính dài hơi hơn, đặc biệt trong thời gian tới cần ưu tiên, bố trí nguồn lực để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, kiểm soát chặt chẽ thị trường, tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, thực hiện các giải pháp đồng bộ quyết liệt chống lãng phí trong đầu tư và đầu tư công từ ngân sách nhà nước...

ĐB Hoàng Đăng Quang ( Quảng Bình) nhận định, đầu tư công không có nghĩa là cắt giảm vốn đầu tư mà phải có cơ chế, chế tài nghiêm ngặt đối với việc triển khai các dự án đầu tư. Cần phân loại các dự án để bố trí vốn là giải pháp mà ĐB Quang đưa ra để xử lý tình trạng nợ đọng.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) phát biểu tại Hội trường

Đề nghị cần có các giải pháp để thực hiện lộ trình tăng lương, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, “không tăng được hơn 200.000 đồng thì tăng hơn 100.000 đồng, không tăng được nhiều thì chúng ta tăng ít. Đó là vấn đề cần phải suy nghĩ, có thể tiết kiệm phần khác để giải quyết việc này, bởi vì đây là vấn đề an sinh xã hội, đó là đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức làm công hưởng lương, việc đó chúng ta phải tính toán”.

Cũng nhìn nhận nợ xấu, hàng tồn kho, hàng nhập khẩu kém chất lượng, thất thoát, lãng phí… đang kìm hãm nền kinh tế trong điều kiện khó khăn, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) vẫn tin tưởng, “mục tiêu Thủ tướng đưa ra năm 2013 tăng trưởng 5,5 GDP và kiềm chế lạm phát là khoảng 8% là khả thi vì nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn gọi là tăng trưởng dưới tiềm năng, do đó chúng ta không nên quá lo ngại đầu tư xã hội 29 - 30% làm giảm sản xuất năm tới”.

Theo ĐB Lịch, theo tính toán tất cả những đầu tư đã có, tăng trưởng tiềm năng có thể đạt đến 7% nếu như chúng ta có chính sách khai thông thị trường, tạo niềm tin, hỗ trợ DN. Do đó, vấn đề không phải tăng đầu tư bao nhiêu mà là làm sao khai thác được tiềm năng tăng trưởng đang có.

• Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình:

Tôi không thể hứa gì về xử lý nợ xấu

- Nợ xấu không phải là con số cố định mà biến động theo thời gian. Thế giới và Việt Nam chưa có bộ qui định thống nhất xác định nợ xấu, mà trong xác định nợ xấu có cả yếu tố định lượng và định tính nên tỷ lệ nợ xấu là tùy vào cơ quan đánh giá. Theo thông lệ quốc tế, con số nợ xấu do cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó là con số có cơ sở nhất để tham khảo. Ở Việt Nam, đó là số liệu do NHNN xác định.

Nợ xấu ở nước ta phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô. Đầu năm, hàng tồn lớn và giảm dần, thì tỷ lệ tăng nợ xấu cũng tương ứng. Xử lý nợ xấu không phụ thuộc vào ý chí mỗi hệ thống ngân hàng là đủ, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, lĩnh vực như xử lý hàng tồn kho (vì đã thế chấp cho các khoản vay), khai thông thị trường bất động sản… Với tư cách cá nhân Thống đốc NHNN, tôi không thể hứa gì về xử lý nợ xấu vì đây là công việc cần sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, nhưng phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ nợ xấu còn dưới 3% như thông lệ quốc tế.

• Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:

Hàng tồn kho có giảm hơn

- Thời điểm 1/10/2012 tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có giảm hơn kể cả so với thời điểm 1/10/2011, so với cùng kỳ của năm 2010. Còn nếu nói về tồn kho tương đối cao là than, sắt, thép, một số loại phân bón, xi măng. Đến giờ phút này, riêng đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, chế biến đã quay trở lại mức tương đối bình thường. Vấn đề đối với doanh nghiệp hiện nay những DN trong lĩnh vực này không phải chỉ giải quyết tiếp tục hàng tồn kho mà làm sao để duy trì và phát triển trong chu kỳ tới, tức là trước hết cho năm 2013.

• Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh:

Đầu tư công dàn trải, hiệu quả kém là thực tiễn nhiều trăn trở

- Đầu tư công dàn trải và hiệu quả kém là thực tiễn nhiều trăn trở. Vừa qua Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành đã đưa giải pháp để khắc phục, đầu tư tập trung hơn và nâng cao hiệu quả đầu tư. Năm 2013 nhu cầu đầu tư rất lớn so với nguồn lực đầu tư, Chính phủ dành 180.000 tỷ đồng dù thấp nhưng đã là rất cố gắng. Trong đó, có 39.000 tỷ đồng dự kiến thu từ bán quyền sử dụng đất ở các địa phương nên nếu các địa phương không thu được thì con số thực tế chỉ còn khoảng 140.000 tỷ đồng. Số tiền đầu tư này cũng cân đối 93.100 tỷ đồng (73% tổng số vốn đầu tư của năm) do địa phương chủ động quyết định trong ngân sách địa phương, ngân sách TƯ chỉ còn 66.000 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

Hương Giang

Đọc thêm