Tạo tính răn đe khi xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tự

(PLVN) -Bộ Công an cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tạo tính răn đe khi xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tự

Quy định cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt tiền tạo được tính răn đe… là những vấn đề được tập trung hoàn thiện tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình, thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 do Bộ Công an soạn thảo.

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để đảm bảo công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính.

Sau 7 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 167, công tác xử phạt vi phạm hành chính dần đi vào nề nếp, các vụ, việc xảy ra nhìn chung được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực đối với công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định này vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, một số hành vi chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, lúng túng trong công tác xử lý vi phạm hành chính như quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, việc xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động cho vay nặng lãi, các hành vi lợi dụng kinh doanh để thực hiện các hành vi mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh chưa được hướng dẫn cụ thể…

Một số hành vi còn chưa cập nhật với một số quy định mới ban hành như: Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017, Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…

Đặc biệt, mức phạt tiền nhiều hành vi vi phạm còn thấp, chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế. Do vậy, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.

Căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nói trên còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 3 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành;

Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 3 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc hủy bỏ hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật; buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép...

Cùng với việc đề xuất, hoàn thiện các quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt, Bộ Công an cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác này cho cán bộ trực tiếp thực hiện xử lý vi phạm hành chính được tiếp cận, nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình xử lý.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc áp dụng pháp; luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các Bộ, Ban ngành, Công an các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đọc thêm