Hội nghị Trung ương 5 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII đã bế mạc hôm 18/10. Nội dung được đăng tải nổi bật sau hội nghị này là Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ông Tập Cận Bình, hiện là Phó Chủ tịch nước và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương mới thực sự là tâm điểm của dư luận. Sự kiện này đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về những nhân vật lãnh đạo chủ chốt trong nhiệm kỳ tới của Trung Quốc.
Lộ diện thế hệ lãnh đạo thứ 5
Như một lệ bất thành văn trên chính trường Trung Quốc, nhân vật nào được bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương trước mỗi thời kỳ chuyển giao quyền lực đều sẽ “chắc chân” là người kế nhiệm. Mặc dù phải sau mùa Thu năm 2012 khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII kết thúc, người ta mới biết được kết quả nhưng sự kiện này gần như bảo đảm cho ông Tập Cận Bình một “suất” chắc chắn trong hàng ngũ lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc.
Thế hệ lãnh đạo thứ nhất của Trung Quốc (từ năm 1949) khởi đầu là Mao Trạch Đông. Thế hệ thứ hai là Đặng Tiều Bình, thứ ba là Giang Trạch Dân và thế hệ thứ tư là bộ đôi Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo hiện nay.
|
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phía trước) bên cạnh Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Phía sau là ông Tập Cận Bình tại kỳ họp toàn thể thứ 4, Quốc hội Trung Quốc ngày 11/3/2010. |
Ngoài ông Tập Cận Bình, người được cho là có nhiều khả năng kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào thì một nhân vật khác là ông Lý Khắc Cường, đương kim Phó Thủ tướng, cũng có nhiều khả năng sẽ lên thay ông Ôn Gia Bảo. Nếu dự đoán này là đúng thì thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc sẽ là thời kỳ của cặp đôi Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.
Ngoài hai nhân vật trên, danh sách những người kế nhiệm vị trí quan trọng nhất của đội ngũ lãnh đạo mới (các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị) vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hiện vẫn còn nhiều yếu tố chi phối như mức độ ảnh hưởng mà ông Hồ Cẩm Đào đã gây dựng được qua hai nhiệm kỳ nắm quyền hay của ông Giang Trạch Dân, dù đã nghỉ hưu từ năm 2004. Bên cạnh đó còn là các yếu tố về tuổi tác và giới hạn nhiệm kỳ. Ngoại trừ ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, toàn bộ 7 thành viên còn lại của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ đến tuổi 68, hoặc cao hơn vào năm 2012. Trong khi đó, 68 là độ tuổi về hưu đối với các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hiện có 9 ủy viên, trong khi đó, số ủy viên Bộ Chính trị là 25. Trước đó, từ năm 1978 đến 2002, Thường vụ Bộ Chính trị chỉ có từ 5 đến 7 ủy viên. Tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVI năm 2002, Thường vụ Bộ Chính trị được mở rộng từ 7 lên 9 thành viên. Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán cho rằng đã có những kêu gọi giảm số thành viên Thường vụ Bộ Chính trị từ 9 như hiện nay xuống còn 7 để việc ra quyết định nhanh hơn và thuận tiện hơn.
Báo South China Morning Post mới đây đã đưa ra một danh sách các ứng cử viên sáng giá nhất có thể trở thành các nhân vật tiếp theo trong hàng ngũ lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc. Danh sách này bao gồm: Vương Kỳ Sơn (Phó Thủ tướng, 62 tuổi), Lý Nguyên Triều (Trưởng ban Tổ chức TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, 60 tuổi), Uông Dương (Bí thư tỉnh Quảng Đông, 55 tuổi), Bạc Hy Lai (Bí thư Trùng Khánh, 61 tuổi) và Hồ Xuân Hoa (Bí thư Nội Mông, 47 tuổi).
Trong nhóm này, Bạc Hy Lai và Hồ Xuân Hoa có thể sẽ là những lựa chọn thu hút sự chú ý nhiều nhất. Bạc Hy Lai là con trai cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Bạc Nhất Ba. Năm ngoái, ông này đã khiến dư luận Trung Quốc xôn xao khi phát động hai chiến dịch rộng khắp Trùng Khánh. Chiến dịch thứ nhất là tấn công các băng nhóm tội phạm, dẫn tới việc bắt giữ hàng chục quan chức và doanh nhân “nhúng chàm”. Chiến dịch thứ hai là khuyến khích người dân hát lại các ca khúc cách mạng. Các chiến dịch này giúp Bạc Hy Lai giành được nhiều cảm tình, song cũng gây nhiều sự hoài nghi.
Hồ Xuân Hoa là một trong những bí thư tỉnh ủy trẻ nhất Trung Quốc. Một số nhà phân tích đã coi Hồ Xuân Hoa là ứng cử viên sáng giá dẫn đầu thế hệ lãnh đạo thứ 6 sau năm 2022. Báo South China Morning Post đánh giá việc đưa nhân vật này vào Thường vụ Bộ Chính trị hoặc ít nhất là thành Ủy viên Bộ Chính trị sẽ được coi là bài sát hạch quan trọng về phạm vi ảnh hưởng của ông Hồ Cẩm Đào.
Sự khác biệt của thế hệ lãnh đạo mới
Nhiều ý kiến cho rằng, ở độ tuổi năm mươi, thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc sẽ có tư duy đổi mới và mở cửa hơn. Hầu hết những nhân vật này còn nhỏ tuổi trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Sau đó, họ lớn lên trong thời kỳ mở cửa những năm 1980 nên được cho là thấm nhuần tư duy mở cửa. Ngay như ông Tập Cận Bình, năm 1966 vẫn còn đang theo học trung học. Nhưng cũng nhiều nhà phân tích cho rằng, dù có thay đổi thế hệ lãnh đạo thì chính sách của Trung Quốc vẫn không thể có nhiều sự đột phá so với hiện nay.
Báo Foreign Policy đánh giá cho dù những lãnh đạo tương lai là nhân vật nào đi chăng nữa, một điều chắc chắn họ sẽ không phải là những nhà kỹ trị như thế hệ trước. Thay vào đó sẽ là những nhà khoa học chính trị, kinh tế và luật sư, theo kiểu của phương Tây.
Những lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng không có những liên hệ rõ ràng với quân đội. Không có ai trong những ứng cử viên trên từng phục vụ hoặc chỉ huy quân đội. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là đa số những người được đào tạo trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá 1966-1976 đều chưa từng được du học nước ngoài. Dù ít hay nhiều thì yếu tố này cũng được cho là ảnh hưởng tới đường lối của Trung Quốc trong tương lai.
Theo Báo Khoa học và Đời sống