Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để "trôi nổi" hơn 1.900 tỷ đồng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hàng năm đóng góp gần 1/3 thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, PVN đã mắc phải một số khuyết điểm về sử dụng vốn, tài sản của ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hàng năm đóng góp gần 1/3 thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, PVN đã mắc phải một số khuyết điểm về sử dụng vốn, tài sản của ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.

PVN đang để ít nhất gần 2.000 tỷ đồng “trôi nổi” sau cổ phần hóa các đơn vị thành viên. 

Trong ảnh: Giàn khoan Bạch Hổ - ảnh Hà Thái

Lại “đầu tư ngoài ngành” kém hiệu quả

Kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại PVN của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ, PVN sử dụng hơn 15,6 nghìn tỷ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí là chưa đúng với quy định tại Nghị định số 142/2007/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của Cty mẹ - PVN.

Ngoài ra, PVN sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Nghiên cứu khoa học và đào tạo để đầu tư xây dựng Trường THPT Đất Mũi với giá trị trên 11,8 tỷ đồng là sai so với Thông tư số 06/2008/TT-BTC về việc hướng dẫn sử dụng Quỹ. Việc PVN sử dụng 413 tỷ từ Quỹ đầu tư phát triển để xây dựng một số công trình, dự án không thuộc công trình dầu khí cũng sai với Nghị định số 142/2007/NĐ-CP. PVN còn tự ứng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang tới hơn 622 tỷ đồng để các địa phương giải phóng mặt bằng khi không có chỉ đạo của Thủ tướng.

Đặc biệt, việc đầu tư tài chính tại các Cty liên kết và đầu tư dài hạn khác, đầu tư lĩnh vực ngành phụ trợ, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản của PVN có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều so với việc đầu tư tại các Cty con 100% vốn nhà nước cũng như đầu tư vào lĩnh vực dầu, khí, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư bình quân trong 5 năm của các công ty liên kết chỉ đạt 3,41%, của đầu tư dài hạn đạt 6,53%, của lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính đạt 2,82% - quá thấp so với 28,75% trong lĩnh vực dầu, khí, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Không những thế, tại thời điểm thanh tra, PVN chưa thu hồi hết số tiền thu được từ cổ phần hóa tại một số đơn vị với tổng giá trị trên 1.922 tỷ đồng (chưa tính đến 185 tỷ đồng tiền lãi).

TTCP đã đề nghị PVN báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về việc sử dụng vốn cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí, về việc tự ứng vốn cho một số địa phương cũng như chỉ đạo rà soát việc đầu tư vốn ra ngoài DN, xác định những đơn vị bị thua lỗ để có kế hoạch thoái vốn.

PVN cũng được yêu cầu thu hồi về Quỹ sắp xếp và đổi mới DN số tiền hơn 1.922 tỷ đồng (kể cả tiền lãi chậm nộp theo quy định) từ việc cổ phần hóa mà một số đơn vị chưa nộp về Quỹ. Trong đó, TCty CP Khí Việt Nam là hơn 1.911,2 tỷ đồng, Cty CP Hóa dầu Dầu khí trên 10,2 tỷ đồng và TCty CP Máy và Phụ tùng hơn 700 triệu đồng.

Có trách nhiệm của nguyên Chủ tịch PVN

Tại cuộc họp báo về công tác thanh tra quý I/2012 diễn ra sáng qua - 5/4 dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết, KLTT tại PVN của TTCP đã chính thức có ý kiến xử lý sau thanh tra của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của TTCP tại KLTT, yêu cầu PVN 4 nội dung sau: Rà soát lại việc đầu tư ra ngoài ngành và đầu tư tại các Cty liên kết, đánh giá hiệu quả đầu tư và số liệu các đơn vị bị thua lỗ, tập trung vào ngành nghề chính, xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý, tránh thiệt hại, lãng phí; làm việc với Bộ Tài chính đề xuất xử lý những tồn tại về tài chính nêu trong KLTT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đối với các gói thầu chỉ định không đúng quy định, làm rõ nguyên nhân và kết luận trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến sai phạm; tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu trong KLTT, kết luận trách nhiệm và xử lý nghiêm túc đối với các cá nhân sai phạm.

Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của ông Đinh La Thăng - đương nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT - trong thời gian ông làm Chủ tịch Tập đoàn (2006-2011) tới đâu khi PVN mắc những sai phạm lớn như vậy, ông Khánh cho biết điều này sẽ được sáng tỏ sau khi tiến hành rà soát.

“Trách nhiệm của người đứng đầu là có, tuy nhiên việc sai đó đôi khi do cấp dưới của họ cố ý làm sai và đã phải chịu trách nhiệm rồi. Nhìn vào con số sai phạm thì chưa thể quy trách nhiệm đó cho người đứng đầu. Việc này phải xem xét nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục”, ông Khánh chia sẻ.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích thêm: Trên thực tế, việc sai phạm là khác với thất thoát, bởi sai phạm thì có thể tiền vẫn còn đấy nhưng do cách phân bổ, điều chuyển sai; còn thất thoát có nghĩa là số tiền đó đã không còn trong ngân sách đơn vị.

Nhiều sai phạm lớn ở các tập đoàn khác

Cũng tại buổi họp báo, đại diện TTCP cho biết, trong quý 1/2012, cơ quan này đã ban hành 11 KLTT, tiếp tục hoàn chỉnh 11 KLTT và đang tiến hành 3 cuộc thanh tra tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank); việc giao đất, giao rừng và một số dự án đầu tư tại tỉnh Đắc Nông; việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, khiếu nại tố cáo tại Quảng Bình. Trong số 11 KLTT đã ban hành, ngoài KLTT đối với PVN còn có KLTT tại một số tập đoàn, TCty lớn như Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 30.720 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 3.712 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 27.008 tỷ đồng, kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.

Hoàng Thư

Đọc thêm