Tập đoàn F&N sở hữu thêm 5,4% cổ phần Vinamilk

(PLO) -Trái với dự đoán về sức hút của cổ phần Vinamilk  (mã CK: VNM-HOSE), trong đợt thoái vốn đầu tiên tại DN này chỉ có 5.4% cổ phần trong số 9% cổ phần chào bán được bán và bán với giá mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư mua 5,4% cổ phần tại Vinamilk không ai khác, chính là Tập đoàn F&N, nhà đầu tư đã sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk.

Phiên chào bán cạnh tranh cổ phần của Nhà nước do TCty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu tại CTCP Sữa Việt Nam -   Vinamilk đã diễn ra chóng vánh vào  buổi chiều ngày 12/12/2016 tại Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HSX).

2 nhà đầu tư nước ngoài mua lô 5,4% cổ phần VNM gồm: F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&N Bev Manufacuring PTE.LTD.  Đây cũng là mức đăng ký mua tối đa đối với 2 tổ chức theo quy định của SCIC (2,7% vốn điều lệ Vinamilk).

Được biết, F&N Dairy Investments là cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk với tỷ lệ cổ phần năm giữa là 11%. Cả F&N Dairy Investments và F&N Manufacturing đều là công ty con của F&N, tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Để sở hữu thêm 5,4% cổ phần Vinamilk, F&N đã phải bỏ ra số tiền 11.286 tỷ đồng,  tương đương khoảng 500 triệu USD.

Trước đó, tại buổi họp báo vào cuối tháng trước, trả lời câu hỏi của PLVN về mối quan tâm của cổ đông F&N đối với đợt chào bán cổ phần Vinamilk, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết vào thời điểm đó SCIC cũng chưa có thông tin gì về việc F&N có tham gia hay không . Ông Chi cũng cho biết, sau khi thực hiện Roadshow tại các trung tâm tài chính Singapore, Hồng Kông và London, SCIC đã tiếp xúc khoảng 100 nhà đầu tư. Sau đó, gần 20 nhà đầu tư có thông tin trở lại, một số NĐT còn trực tiếp gặp ban lãnh đạo Vinamilk để đưa ra các nghiên cứu sâu hơn. 

144.000/cổ phần VNM là mức giá khởi điểm được đưa ra và chỉ có 2 nhà đầu tư đều thuộc tập đoàn F&N tham gia và mua với đúng mức giá đó, liệu SCIC có bị hớ? 

 Theo đại diện SCIC, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Đông Nam Á và Việt Nam có nhiều biến động, giao dịch cổ phiếu VNM của SCIC được xem là thành công khi mức giá đạt cao hơn so với giá tham chiếu của VNM tại thời điểm bán là 8.200 đồng/CP (cao hơn 6%). 

Đối với số lượng cổ phiếu không bán hết sau lần chào bán này, lãnh đạo SCIC cho biết sẽ tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và sẽ báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các kế hoạch tiếp theo.

Được biết, theo kế hoạch, trong đợt thoái vốn đợt 1 tại Vinamilk, SCIC thực hiện chào bán cạnh tranh với tổng số lượng cổ phần chào bán là 130.630.500 cổ phần, tương ứng 9% vốn điều lệ Vinamilk với giá khởi điểm là 144.000 đồng/CP. Đối tượng tham gia đấu giá là tất cả các nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Vinamilk.

Số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư cá nhân, pháp nhân đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần (đủ điều kiện để giao dịch thỏa thuận theo quy định tại Quy chế giao dịch của HOSE); số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư cá nhân, pháp nhân được đăng ký mua tối đa: 39.189.150 cổ phần (2,7% vốn điều lệ); tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán.

Đọc thêm