Làm việc với Tỉnh ủy Bình Phước hôm qua (26/7), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ bày tỏ mong muốn tiếp tục có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa Tỉnh ủy với các ban ngành nhằm giúp các hoạt động tư pháp tại Bình Phước ngày một hiệu quả hơn.
|
Thay mặt Bộ Tư pháp, đồng chí Thứ trưởng tặng quà lưu niệm cho Tỉnh ủy Bình Phước |
Cần có quy chế cung cấp thông tin
Tại đây, đoàn được nghe sơ lược về tình hình kinh tế- xã hội của Bình Phước từ khi tách tỉnh 1997 đến nay. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đánh giá cao những thành tựu mà Bình Phước đã đạt được và mong có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa Tỉnh ủy với các ban ngành nhằm giúp các hoạt động tư pháp tại Bình Phước ngày một hiệu quả hơn.
Thay mặt Tỉnh ủy Bình Phước, đồng chí Võ Trọng Tuyến- Phó Bí thư thường trực - cho biết: Thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo nhằm chấn chỉnh những vướng mắc tồn tại và mong Bộ Tư pháp hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan tư pháp, thi hành án Bình Phước hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Về công tác thực hiện lý lịch tư pháp qua chuyến công tác tại hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ cho rằng: Cả hai Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính địa phương tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu biên chế và cấp kinh phí cho hoạt động lý lịch tư pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, tạo nguồn cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; chủ động và cố gắng thực hiện công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý lý lịch tư pháp thì nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là nhiệm vụ mới, khó khăn và phức tạp nên việc triển khai thực hiện cần lưu ý thêm để làm tốt, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phải tập trung nguồn nhân lực
Để đẩy mạnh công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới ở Đắk Nông và Bình Phước, theo Thứ trưởng Phạm Qúy Tỵ, trước hết lãnh đạo và cán bộ, công chức các Sở Tư pháp địa phương cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Để làm tốt điều này, lãnh đạo các Sở Tư pháp cần tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để sớm kiện toàn bộ phận lý lịch tư pháp theo tinh thần của Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, cần triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả Thông tư liên tịch số 04 ngày 10/5/2012 của liên Bộ Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, các Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Thứ ba, cần tập trung nguồn nhân lực cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Trước mắt khi chưa được bổ sung đầy đủ số biên chế có thể điều động linh hoạt cán bộ từ các bộ phận khác sang bộ phận lý lịch tư pháp hoặc thuê lao động hợp đồng có trình độ chuyên môn về pháp luật để giải quyết hết số lượng thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng, khẩn trương hình thành cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng giấy và điện tử về lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp để sớm đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ việc cấp phiếu lý lịch tư pháp tại địa phương.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng hạn yêu cầu cấp Phiếu của công dân theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp…
Ngọc Quý