Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 29-12, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12-2010 nhằm đánh giá toàn diện tình hình kinh tế-xã hội năm 2010, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành chung của Chính phủ, từ đó xác định những nhiệm vụ cho năm mới - 2011.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 29-12, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12-2010 nhằm đánh giá toàn diện tình hình kinh tế-xã hội năm 2010, kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành chung của Chính phủ, từ đó xác định những nhiệm vụ cho năm mới - 2011.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 12-2010 của Chính phủ. Ảnh: TTXVN
Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn sau khủng hoảng và suy thoái, bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2010 vẫn có nhiều điểm sáng.

Tăng trưởng GDP năm 2010 đạt 6,78%

Những thành tựu của năm 2010 khẳng định việc Việt Nam đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh, nhất là về cuối năm. Cụ thể, GDP quý 1 tăng 5,84%, quý 2 tăng 6,44%, quý 3 tăng 7,18% và quý 4 ước tăng 7,34%. Tính chung cả năm, GDP cả nước đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%), trong đó, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước.

Tăng trưởng kinh tế còn thể hiện ở những dấu hiệu khả quan khác khi lũy kế cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009, vượt xa kế hoạch của Quốc hội đề ra là 60 tỷ USD cả năm (tăng trên 6%) cũng như mức đỉnh 62,7 tỷ USD năm 2008. Nhập siêu hàng hóa khoảng 12,4 tỷ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức 20% của kế hoạch và thấp hơn nhiều so với mức 22,5% của năm trước.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,6 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2009 nhưng có nhiều điểm đáng lưu ý là vốn giải ngân thực tế lại đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước; nhóm ngành sản phẩm chế biến vươn lên dẫn đầu khi có tới 4,37 tỷ USD đăng ký và giúp số dự án nhóm này tăng gần gấp rưỡi. Đây được đánh giá là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại trong tương lai.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, tính đến 15-12, thu ngân sách vượt 9,3% dự toán, ước đạt 504,4 nghìn tỷ đồng, chi ngân sách ước trên 573 nghìn tỷ, bằng 98,4% dự toán năm. Tổng đầu tư xã hội đạt 830,3 nghìn tỷ, tăng 17,1% so với 2009 và bằng khoảng 41,9% so với GDP.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều tháng liên tiếp. Riêng tháng 12 đạt tốc độ ngang với mức trước khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới (16,2%). Ước chung cả năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14% và vượt kế hoạch năm (12%).

Nông nghiệp dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lụt nhưng vẫn phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực và thậm chí đã đạt mức xuất khẩu gạo lớn nhất từ trước tới nay với 6,8 triệu tấn.

Các chỉ tiêu về an sinh xã hội, lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm, đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Những báo cáo tham luận sâu hơn từ các thành viên Chính phủ còn cho thấy những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trong xây dựng thể chế, pháp luật, trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, trong công tác cải cách hành chính và đối ngoại đã đưa vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế.

Tạo bước chạy đà tốt trong năm 2011

Các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những yếu tố không thuận lợi, những khó khăn, thách thức và cả những tồn tại, bất cập cần khắc phục trong điều hành phát triển kinh tế- xã hội.

Thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh, tạo áp lực lên giá cả hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước, nhất là dịp Tết Nguyên đán, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, làm cho chỉ số giá cả năm 2010 tăng khá cao. Lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn vay của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Sang năm 2011, dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi ở phần lớn các nước nhờ sự cải  thiện các lĩnh vực đầu tư, việc làm và sức mua dân cư nhưng vẫn tiềm ẩn những bất ổn kinh tế với những mâu thuẫn ngày càng phức tạp. Với tình hình đó, nền kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ vừa có những thuận lợi, thách thức đan xen. Xuất nhập khẩu thuận lợi trong bối cảnh thương mại toàn cầu phục hồi, tương tự là dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều triển vọng tích cực. Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu làm nguồn cung lương thực, thực phẩm thêm khan hiếm và sự giảm giá của đồng USD sẽ là những yếu tố có thể gây sức ép tăng giá cả hàng hóa, gây trở ngại cho việc kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, tin tưởng vào một năm tiếp tục thành công là ý kiến chung của các thành viên Chính phủ. Cơ hội tăng trưởng cao hơn cho Việt Nam trong năm 2011 là có triển vọng, ở mức 7-7,5%. Và đây sẽ là bước chạy đà quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm cũng như chiến lược phát triển 10 năm tới.

Các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất nhiều giải pháp tập trung, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm để triển khai tốt các cơ hội và điều kiện thuận lợi, đồng thời hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến nền kinh tế bằng việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích rõ tình hình phát triển đất nước năm vừa qua với những thuận lợi cùng các khó khăn, thách thức. Từ đó, Thủ tướng chỉ ra những vấn đề được coi là động lực hay nguyên nhân của thành tựu “vượt khó khăn, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế - xã hội” như đã nêu trên, cũng như các vấn đề còn bất cập trong điều hành, quản lý.

Đơn cử như vấn đề giá cả tăng cao, cần xem xét, nhận định kỹ và sát thực tế hơn đối với giá thực phẩm và giá xăng dầu, nhiên liệu là 2 vấn đề mà Chính phủ các nước thường khó kiểm soát và loại trừ 2 nhóm hàng này ra khỏi rổ hàng thiết yếu tính toán CPI. Hoặc vấn đề phải xem xét kỹ lập luận cho rằng, gói kích thích kinh tế đã làm cho cung tiền quá lớn khi thực tế là chỉ khoảng 1/3 trong số 2 tỷ USD đã thông qua được giải ngân - như kết quả Kiểm toán Nhà nước đã công bố.

Thủ tướng thẳng thắn yêu cầu Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm các chỉ tiêu còn chưa đạt, như môi trường, hiệu quả một số lĩnh vực, giá cả, lạm phát,... trong bài toán ổn định kinh tế vĩ mô...

“Đây chính là  nhiệm vụ mà chúng ta phải tập trung, quyết liệt, sát sao hơn trong chỉ đạo, điều hành. Trọng tâm là nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó hết sức chú ý các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Bước sang năm 2011 - năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt tinh thần chỉ đạo sát sao, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, với yêu cầu giảm dần đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn từ ngân sách, các bộ, ngành, địa phương rà soát, khuyến khích đầu tư, sản xuất từ nguồn vốn xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, hết sức chú ý các vấn đề phúc lợi xã hội, phải rà soát để đưa ra danh mục, giải pháp cụ thể để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Phải tập trung nâng cao năng lực dự báo tình hình, từ đó xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, thời điểm của Chính phủ nói chung và từng ngành, địa phương nói riêng. Phải phát hiện nhanh nhạy các vấn đề mới phát sinh để chủ động xử lý, hạn chế tối đa những trường hợp biến động như giá vàng, đô la thời gian qua. Chủ động thông tin, tuyên truyền, tạo kênh thông tin thường xuyên để các Bộ trưởng đối thoại với người dân và doanh nghiệp.

(Theo Chinhphu.vn)

Đọc thêm