Tập trung, thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(PLVN) - Báo cáo về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng nay, 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh việc tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại phiên họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại phiên họp.

Kích hoạt vốn xã hội, tạo động lực phát triển nông nghiệp

Tiếp tục phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đầu phiên họp sáng nay,

Trả lời câu hỏi về các mối liên kết trong việc phát triển dựa trên niềm tin, vận dụng vốn xã hội trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, niềm tin của người dân, hay vốn xã hội đều là thứ vô hình, nhưng là nguồn vốn để phát triển quan trọng không kém những nguồn lực vật chất, hữu hình. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu biết chuyển hóa thì sẽ tạo ra giá trị hữu hình rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại phiên họp.

Theo Bộ trưởng, vốn xã hội, niềm tin của người dân, sự cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh, làm nên thành công trong việc thực hiện các chương trình muc tiêu quốc gia.

Vì vậy, việc kích hoạt được nguồn vốn xã hội là điều vô cùng quan trọng. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có định hướng, chiến lược xây dựng những thiết chế xã hội nông thôn, những nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội, chính quyền cấp cơ sở tạo mạng lưới xã hội tham gia sâu vào sự phát triển ở địa phương, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự lực của người dân, giữ vững niềm tin và sự cố kết xã hội, tạo sự chia sẻ và tin tưởng giữa các thành phần doanh nghiệp và người dân, giúp nhanh chóng hồi phục sau những đứt gãy xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Về vấn đề giá cả, thị trường nguồn nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo nhiều hội nghị để siết chặt công tác quản lý thị trường, chỉ đạo các hệ thống, các hiệp hội ngành hàng tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm đà tăng giá.

Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp, Nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế phù hợp…

Tối ưu hóa giá trị thay vì sản lượng

Tham gia giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với nhận định của một số đại biểu rằng hiện nay ngành nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Về giải pháp thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, nông thôn để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trách nhiệm này thuộc về các bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, trước hết là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần dùng các công cụ điều hành chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch để có được sự phát triển trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, trên thực tế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã đủ, nhưng vừa rồi chưa bố trí nguồn lực nên chưa đạt mục tiêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia giải trình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia giải trình.

Thừa nhận việc này "có phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch trong tham mưu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ trình Thủ tướng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 57 để thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Thực hiện thật tốt các Nghị quyết của Trung ương

Báo cáo về một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Kế thừa thành tựu quan trọng đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực. Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo đó, nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi thủy hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp. Chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn rất thấp, chỉ bằng 50%-60% của các nước tiên tiến.

Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên…

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, trước hết, các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Đồng thời, cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất là đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.

Thứ hai là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa.

Thứ ba là hỗ trợ tín dụng miễn giảm các loại phí thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Thứ tư là rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu, chế biến thức ăn, gia súc, thức ăn chăn nuôi. Từ đó quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Thứ năm là tập trung chỉ đạo, tổng kết đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai xây dựng cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều ngày 7/6 và sáng 8/6 thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước, sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội.

Đã có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó 34 đại biểu đã thực hiện chất vấn, có 4 ý kiến đăng ký tranh luận, còn 19 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đặt ra có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm cao.

Các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chất vấn ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi, vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài, mang tính thời sự, cấp bách mà Nhân dân và cử tri, nhất là nông dân đang rất quan tâm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, nhìn chung đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Đọc thêm