Tập trung xây dựng nông nghiệp sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới

Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba.

Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Nhân dịp này, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Hải Phòng Bùi Trọng Tuấn trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng về giải pháp chủ yếu đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14 sớm đi vào cuộc sống. 

 

Nông dân xã Hiệp Hòa (Vĩnh Bảo) thu hoạch lúa VL20 năng suất chất lượng cao Ảnh: Duy Lân

Nông dân xã Hiệp Hòa (Vĩnh Bảo) thu hoạch lúa VL20 năng suất chất lượng cao

Ảnh: Duy Lân

- Đề nghị giám đốc cho biết những kết quả nổi bật của nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng trong 5 năm qua ?

 

- Điểm nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của ngành là trong nhiều khó khăn, nông nghiệp Hải Phòng vẫn có bước phát triển ổn định với nhiều vụ sản xuất liên tiếp được mùa. 5 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,32%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản chuyển dịch đúng hướng: năm 2010, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp 72,67%, lâm nghiệp 0,54%, thủy sản 26,80%. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác đạt 75 triệu đồng (chỉ tiêu đến năm 2010 đạt 55 triệu đồng/ha). Cơ cấu kinh tế nông thôn: tỷ trọng nông, lâm, thủy sản- công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm 2006 là 48,78% - 26,95% - 24,27%; đến năm 2010 là 42,24% - 31,26% - 26,50%. Bước đầu, trên địa bàn thành phố hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và nông nghiệp phục vụ đô thị. Nông nghiệp Hải Phòng xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp mới. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư: hệ thống đê điều được nâng cấp, bảo đảm chống bão lũ cấp 10 triều trung bình; 100% số hộ nông dân có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất; hệ thống kênh tưới sau trạm bơm điện được kiên cố hóa; 91% số hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh…Diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, văn hóa của nông dân, ngư dân được cải thiện rõ rệt…Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ và thành phố có cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức, đoàn thể; sự tăng cường quản lý của ngành nông nghiệp trong các lĩnh vực công tác.

 

- Theo Giám đốc, còn những hạn chế nào cần tập trung khắc phục ?

 

- Thực sự, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng là đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia. Cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản chuyển dịch chậm, hiệu quả còn thấp, chưa bền vững. Sản xuất quy mô gia đình vẫn chiếm phần lớn. Trong sản xuất trồng trọt, lúa vẫn là cây trồng chiếm tỷ trọng lớn. Sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ là chủ yếu, chưa có nhiều vùng chăn nuôi tập trung. Phát triển nuôi thủy sản thâm canh chỉ đạt 29% chỉ tiêu đề ra; nuôi quảng canh chiếm tỷ lệ cao (57% diện tích)… Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hạn chế, dàn trải, kéo dài. Nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không hiệu quả. Còn một số vấn đề bức xúc trong nông thôn chưa được quan tâm giải quyết như ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm cho nông dân vùng bị thu hồi đất, phúc lợi xã hội khu vực nông thôn còn hạn chế…

 

- Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới, ngành có những giải pháp gì, thưa Giám đốc ?

 

- Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới với các chỉ tiêu: GDP nông - lâm - thủy sản tăng 4,5%/năm; giá trị sản xuất - lâm - thủy sản tăng 5,5 ÷ 6%/năm; 75% lao động qua đào tạo ở các trình độ; 95% số gia đình ở nông thôn dùng nước hợp vệ sinh; có 30% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp đồng bộ với các địa phương thực hiện 6 giải pháp chính. Thứ nhất, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng và hiệu quả, trên cơ sở phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, quy mô lớn, trình độ ngày càng cao. Về trồng trọt, chú trọng sản xuất thành vùng tập trung các cây trồng cho giá trị kinh tế cao, áp dụng sản xuất công nghệ sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại; đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung. Đưa nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ, nuôi nhuyễn thể trở thành những đối tượng nuôi sản phẩm hàng hóa. Phát triển những vùng nuôi thân thiện môi trường, gắn với các khu du lịch. Phát triển nghề cá xa bờ, gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.Thứ hai, xây dựng nông thôn mới có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế tiến bộ, quan hệ sản xuất phù hợp; giải quyết tốt việc làm cho lao động nông nghiệp, thủy sản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 có 30% số xã (43 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Thứ ba, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn. Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản. Thứ năm, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc ở nông thôn. Trong đó, chú ý bố trí hợp lý, bảo đảm ổn định quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản nhằm bảo đảm mục tiêu về an ninh lương thực. Đối với các địa phương nông dân bị thu hồi đất sản xuất để phục vụ các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ… phải có phương án cụ thể, khả thi, giải quyết việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức. Thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn. Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội tạo chuyển biến thực sự về nhận thức, vị trí quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn...

 

- Xin trân trọng cảm ơn Giám đốc !

 

Kim Oanh thực hiện

Đọc thêm