Tết này vắng mẹ...

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, chị em Yến Nhi lại thấm thía cảm giác bơ vơ, đơn côi, nhớ mẹ, thương cha, thèm không khí đầm ấm hạnh phúc năm xưa của gia đình...

7 mùa xuân xa mẹ nhưng hai chị em cô bé Yến Nhi (con gái nữ phạm nhân Văn Thị Yến đang thụ án 14 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” tại Trại giam Phú Sơn 4) vẫn chưa thôi cảm giác ngơ ngác bàng hoàng. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, chị em Yến Nhi lại thấm thía cảm giác bơ vơ, đơn côi, lại da diết thương cha, nhớ mẹ, thèm không khí đầm ấm hạnh phúc năm xưa của gia đình...

Hám lợi trước mắt, ân hận cả đời

Câu chuyện cuộc đời nữ phạm nhân Văn Thị Yến và những uẩn khúc pháp lý trong vụ án “ma túy” Lexomil Bromazepam từng là “tiêu điểm” được độc giả đặc biệt quan tâm trên Báo Pháp luật Việt Nam

Phạm nhân Văn Thị Yến đã thụ án đến năm thứ tám.

Vì thế, với gia đình cô bé Yến Nhi thì Pháp luật Việt Nam thực sự là người thân, là chỗ dựa tin cậy trong những lúc tuyệt vọng cùng cực nhất khi là tờ báo duy nhất kiên trì “lội ngược dòng”, bền bì “chiến đấu” cho tới ngày “liên ngành trả lại tên”.

Đó là Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 của liên Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật xử lý một số tội danh liên quan đến ma tuý ra đời theo đó thuốc hướng thần Lexomil - Bromazepam không phải là ma túy.

Cuối năm 2003 là thời gian buồn tủi nhất đối với chị em Yến Nhi khi bố mẹ em là Văn Thị Yến, Đào Văn Thanh bị bắt về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Đây là vụ thuốc Lexomil - Bromazepam lần đầu bị bắt tại Việt Nam, thuốc bị liệt kê trong danh mục “thuốc hướng thần” do Bộ Y tế quản lý chặt chẽ.

Những viên thuốc này có chứa chất Bromazepam, một chất ma túy  được coi là độc dược. Do hám lời trước mắt nên bà Yến đã nhận lời giúp em chồng là Đào Ánh Tuyết (lấy chồng bên Lào) đưa thuốc đi tiêu thụ, bà Yến còn bí mật kéo cả chồng tham gia. Ông Thanh đến lúc tỉnh ngộ ra thì sự nghiệp đã sụp đổ sau gần 10 năm đứng trên cương vị lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội), được người dân yêu quý, tin cậy.

Cha mẹ sa vào lao lý, gia đình Yến Nhi đã phải bán nhà đi để khắc phục hậu quả nhưng vẫn không thoát tội. Ở nhiều cấp xét xử, vụ án này gây nhiều tranh cãi vì có nhiều quan điểm trái chiều giữa các chuyên gia làm công tác giám định chất ma túy và chính các chuyên gia trong ngành tố tụng nhưng bản án vẫn được tuyên. Kết cục thì Văn Thị Yến vẫn bị phạt 14 năm tù, Đào Ánh Tuyết 18 năm và U - Mã - Nô 15 năm tù.

Riêng ông Đào Văn Thanh được tuyên mức án tù đúng bằng thời gian đã tạm giam và được tuyên trả tự do tại Tòa. Gần 50 năm tù giam tuyên cho ba người con đã khiến ông nội Yến Nhi - vốn là một cán bộ lão thành cách mạng - suy sụp nặng nề rồi đã qua đời không lâu sau khi các con mỗi người một ngả đi thụ án ở một trại giam khác nhau.

Cha của Yến Nhi tuy được trả tự do tại Tòa nhưng địa vị của ông đã tan tành, gia đình ly tán. Đến năm 2009, ông Thanh qua đời vì căn bệnh ung thư ác tính. Khi ông nội và cha Yến Nhi lần lượt qua đời, mẹ cô vì đang thụ án nên không thể về chịu tang. Yến Nhi bảo, lần nào gặp, mẹ em cũng khóc ân hận vì đã không làm tròn bổn phận của người vợ hiền, dâu thảo.

Kể về mẹ, giọng Yến Nhi thấm đẫm yêu thương và xót xa. Mẹ em vốn là diễn viên thuộc Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, từng đi khắp biên giới, hải đảo xa xôi. Khi mang thai Yến Nhi, bà Yến vẫn giành giải nhất cuộc thi đơn ca do Sở Công nghiệp Thủ đô tổ chức.

Về cải tạo tại Trại Phú Sơn 4, bà Yến được Ban Giám thị Trại tin tưởng giao cho nhiệm vụ Đội trưởng Đội phạm nhân số 6 K2 - trực tiếp “chỉ huy” hàng trăm nữ tù nhân vốn phạm đủ các loại tội khác nhau. Mẹ em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cán bộ trại và chị em phạm nhân yêu mến. Một người mẹ xinh đẹp, giỏi giang, mẫu mực như thế, tiếc là đã vì một chút hám lợi mà sa vào vòng lao lý.

Yến Nhi bảo, gia đình em từng xốn xang hy vọng khi biết tin Thông tư liên tịch số 17/2007 ra đời, mà theo đó thuốc Lexomil có chứa chất Bromzepam chỉ là thuốc chữa bệnh chứ không phải là loại ma túy tổng hợp đặc biệt nguy hiểm như quan niệm trước khi vụ án xảy ra. Yến Nhi hy vọng mẹ em được thay đổi tội danh, được nhận mức án nhẹ hơn và sớm trở về. Nhưng rồi hy vọng tắt ngấm, bà Yến từ năm thứ 8 vẫn chưa thấy được “trả lại tên” về tội danh ma túy...

Mong mỏi ở “đèn trời”

Cha mất, mẹ vào tù, chị em Yến Nhi phải sống cùng bà nội là cụ Vương Thị Mười tại số 37 phố Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Yến Nhi khi đó đành phải từ giã giấc mơ giảng đường ĐH để đi làm, phụ bà nội nuôi em gái - hiện là sinh viên năm thứ hai một ĐH.

Bà Yến, mẹ bé Yến Nhi đọc bài “Liên ngành đã trả lại tên” đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam.

Yến Nhi không nhớ được gia đình em đã gửi bao nhiêu lá đơn tới cơ quan chức năng mong xem xét. Trong đó, có lá đơn đẫm nước mắt do bà nội em là cụ Mười viết xin giảm án cho con dâu: “Mong các ông, các bà “đèn trời soi xét” cho con dâu tôi. Hoàn cảnh gia đình của Văn Thị Yến quá bi đát, bản thân con dâu tôi là người tốt, nó không cố ý phạm tội mà chỉ do vô tình.

Hãy tha thứ cho con tôi, hãy khoan hồng và cảm thông cho cái phút giây lỡ lầm của nó...”. Bà mẹ chồng 83 tuổi chỉ có ước vọng duy nhất là mong sao con dâu được xác định lại tội danh, được giảm án, sớm trở về để cụ nương nhờ những tháng ngày xế bóng.

Mặc dù Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật xử lý một số tội phạm về ma túy đã có hiệu lực thực hiện hơn 3 năm qua nhưng liên ngành Tư pháp Trung ương vẫn chưa tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện Thông tư này.

"Liên ngành đã trả lại tên” cho Lexomil Bromazepam chỉ là chất biệt dược dùng để chữa bệnh, không phải là ma túy thì cũng phải “trả lại tên” cho những ai đang phải gánh tội “Mua bán trái phép chất ma túy” do kinh doanh trái phép loại thuốc này để niềm hy vọng, mong mỏi cụ Mười và chị em cô bé Yến Nhi thành hiện thực.

Nguyễn Lê

Đọc thêm