Đợt rét kéo dài hơn nửa tháng qua khiến thị trường rau xanh có nhiều biến động, không chỉ tăng giá mà còn có hiện tượng ít dần chủng loại, khiến người dân lo lắng thiếu rau trong dịp Tết nếu rét vẫn kéo dài. Tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội khẳng định không lo thiếu rau.
Tăng giá do rét đậm
Tăng giá hơn cả phải kể đến rau muống, bắp cải, súp lơ, rau cần….Điều đáng lo là giá rau tăng theo ngày. Nếu như trong các ngày từ mùng 7-8 tháng Giêng, giá rau bắp cải, cà chua chỉ 5.000 đồng/kg, rau cải xoong 3 nghìn đồng/bó, xà lách 12.000 đồng /kg, rau muống 4.000 đồng/ bó… thì sang các ngày 11-12, giá các loại rau, củ, quả trên đã tăng thêm 20-25%, thậm chí là 40%. Không chỉ tăng giá, các chủng loại rau và lượng rau cung cấp ra thị trường cũng ít hơn mọi ngày.
|
Làm rau sạch sẽ mang lại giá trị kinhh tế cao. |
Có mặt tại chợ đầu mối Dịch Vọng (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) lúc 6h sáng ngày 12/1, một nông dân chở rau đến từ huyện Từ Liêm cho tôi biết: “Hai hôm nay thời tiết khắc nghiệt quá, nhiệt độ ngoài trời xuống còn 5-6 độ C thì rau làm sao mà lớn được. Mọi ngày tôi phải đèo khoảng 2 tạ rau đem bán, nhưng hôm nay, tính cả rổ cà chua này nữa cũng chưa đầy 1 tạ. Cứ cái đà rét đậm kéo dài như thế này thì ngay cả su hào,bắp cải cũng chưa chắc có mà ăn”.
Theo quan sát của chúng tôi, nếu giá rau tại chợ đầu mối tăng một thì khi rau về đến các chợ nội thành bán lẻ, giá sẽ tăng lên gấp hai, gấp ba. Đơn cử như giá cải cúc tại chợ đầu mối Dịch Vọng chỉ có 1.500đ/bó, cải ngọt 8 nghìn đồng/kg (tăng từ 500đ/bó đến 1.000đ/kg), nhưng ở Chợ Thành Công giá hai loại này đã tăng lên 2.500đ/bó cải cúc và 12.000đ/ kg cải ngọt. “Thời tiết lạnh thế này nên các nhà hàng tiêu thụ lẩu rất nhiều.
Bởi vậy, những món rau hay dùng cho lẩu bán rất mạnh, nhiều khi không có hàng để bán. Mấy hôm nay tôi vừa mang rau ngải cứu và rau muống ra chợ đã có người của nhà hàng đến gom hết. Họ còn dặn là hôm sau nếu có thì đừng bán cho ai mà phải để dành cho họ (giá cao họ cũng lấy)”, một người bán rau cho biết.
Không lo thiếu rau trong dịp Tết
Có vẻ như không tin vào những lời “tiếp thị” của những chủ rau tại chợ, một bà giáo nghỉ hưu nói như đinh đóng cột: Quê tôi cũng trồng rau nên tôi biết, mùa này chỉ những loại rau trái vụ như rau muống, mồng tơi là chịu ảnh hưởng và sinh trưởng kém thôi. Nhưng với những loại rau chịu rét cao như xu hào, súp lơ, cải bắp, xà lách …thì dù có rét kéo dài đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng, bởi thời điểm này đang đúng độ thu, thậm chí càng rét đậm,bắp cải càng cuốn chắc, ăn càng ngon...
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa-Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TP.Hà Nội cho biết: “Rau xanh trong thời gian gần đây tăng giá là do ảnh hưởng của các đợt rét đậm liên tục tràn về.
Nếu nhiệt độ xuống quá thấp thì rau gì cũng chững lại hết, kể cả những loại rau chịu được rét cao, lúc đó rau sẽ đình trệ sự sinh trưởng (chỉ tồn tại trên đất)….”. Bà Hoa còn giải thích thêm: đối với những loại rau ngắn ngày, chu kỳ để thu hoạch khoảng 30-35 ngày, nhưng nếu rét kéo dài thì sẽ tăng lên 45-60 ngày.
Dù thị trường rau xanh Hà Nội chưa khan hàng nhưng nhiều người lo ngại, nếu rét đậm vẫn kéo dài thì đến Tết Nguyên đán, thị trường sẽ không đủ cung cấp, người dân sẽ thiếu rau để ăn, nhất là dịp sau Tết, khi mà sau mấy ngày liên tục, người dân tiêu thụ quá nhiều thịt, cá và các chất đạm khác thì nhu cầu rau xanh sẽ tăng rất cao.
Trước lo lắng này, bà Hoa trấn an “Theo dự báo, rét chỉ kéo dài khoảng hơn một tuần nữa, khả năng đến Tết, thời tiết sẽ ấm dần lên.Với những loại rau chính vụ thì chỉ cần có ánh nắng và ấm một chút là rau lên rất nhanh, người dân không lo thiếu rau trong dịp Tết”./.
Văn Thanh