Nếu trả thưởng bằng hiện vật, người lao động gặp khó
Ông Trần Hải Đăng - Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Kiên Giang - cho biết, thông lệ nhiều năm nay, doanh nghiệp (DN) thường áp dụng việc trả thưởng Tết bằng tiền. Bởi điều này không chỉ tiện lợi cho cả người lao động (NLĐ) lẫn người sử dụng lao động, mà còn là sự tuân thủ nội dung được quy định tại thỏa ước lao động tập thể mà hai bên thống nhất ký vào dịp đầu mỗi năm.
Năm 2020 cũng thế, nội dung của nhiều bản thỏa ước lao động tập thể cho thấy, nhiều DN vẫn ký kết với NLĐ trả thưởng bằng tiền. Đây cũng là tình hình chung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp.
Tuy nhiên, gần cuối năm, câu chuyện thưởng Tết thu hút ý kiến của xã hội khi Luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 có mở rộng nội dung thưởng: “Bằng hiện vật hay hình thức khác”. Điều này không chỉ người quản lý Nhà nước mà NLĐ đều lo lắng trước ảm ảnh về thưởng Tết “không có tiền”.
Do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm sản các DN chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, gia công giày dép bị thu hẹp... đã dồn ép DN vào chỗ phải cho NLĐ tạm ngưng việc. Thậm chí, để giữ chân NLĐ lành nghề, có DN chấp nhận lỗ, sản xuất rồi cất vào kho. Thời gian này kéo dài nhiều tháng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục như trước nên lượng hàng tồn kho khá lớn.
Trong bối cảnh đó, DN “phá vỡ” nội dung trả thưởng Tết bằng hiện vật thay cho bằng tiền như lâu này là rất lớn. “Mấy tháng nay thiếu trước hụt sau, giờ mong muốn lớn nhất của chúng tôi chỉ muốn được thưởng bằng tiền để xoay sở...” - một nữ công nhân ở Khu Công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) xin giấu tiên, chia sẻ. Vì thế, theo chị này, nếu trả thưởng bằng hiện vật, NLĐ sẽ gặp khó.
“Thực ra đây là chuyện chẳng đừng do dịch COVID-19, ngoài mong muốn của DN. Trong bối cảnh không có tiền do đầu ra bị thu hẹp, mà trong kho lại có nhiều hàng hóa nên khả năng được quy đổi trả thưởng bằng hiện vật là không hề nhỏ” - ông Hải Đăng chia sẻ.
Không ít doanh nghiệp không có gì để thưởng
Tại An Giang, đến cuối tháng 12/2020, Ban Quan hệ lao động tỉnh mới triển khai khảo sát tình hình lương, thưởng Tết tại các DN để đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét, xử lý, nhưng theo nhận định của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, không loại trừ khả năng DN thưởng bằng sản phẩm tồn kho của mình.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất may mắn là các DN có nhiều NLĐ chỉ tập trung vào các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Cá tra xuất khẩu, gia công giày, dép, dệt may... Vì thế nếu có trả thưởng bằng hiện vật, cũng sẽ không đến mức quá khó xử.
“Vấn đề đáng quan tâm ở đây là nếu có áp dụng thì DN phải tính toán đến giá cả hợp lý và khả năng tự bảo quản của NLĐ” - ông Trần Lưu Phong, Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (LĐLĐ tỉnh An Giang), nhấn mạnh. Tuy nhiên, điều khiến ông Phong cũng như người làm chính sách ở các LĐLĐ tại ĐBSCL lấy làm lo hơn là sẽ có không ít DN không có gì để thưởng.
“Theo ghi nhận bước đầu, nhiều DN nhỏ, đặc thù... đang gặp rất nhiều khó khăn nên có khả năng là không có cả hiện vật để thưởng” - ông Phong nói.