Năm 2009 với nhiều biến động và bất ngờ trên thị trường ôtô Việt Nam đã khép lại. Chúng ta đang bước vào năm 2010, một năm được dự báo thị trường sẽ có những nốt trầm trong vài tháng đầu do không còn các chính sách ưu đãi thuế. Đây cũng có thể là năm đánh dấu nhiều thay đổi, trong đó có những quyết sách cần được làm sáng tỏ như vấn đề xe chiến lược, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông đô thị…
Autonet: Trước tiên, ông có thể chia sẻ những thành tựu mà Audi đạt được sau một năm chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam?
Chiến lược của chúng tôi rất đơn giản: khởi đầu từ một vị thế đẳng cấp cả khía cạnh bán hàng và sau bán hàng, tập trung vào các sản phẩm đẳng cấp, cung cấp dịch vụ đẳng cấp cho các khách hàng đẳng cấp tại Việt Nam. Sau một năm hoạt động thì chúng tôi thấy rằng đây là một chiến lược đúng đắn.
Mặc dù phân khúc xe sang là phân khúc thị trường đặc thù, nhưng Audi luôn coi khách hàng tại Việt Nam như khách hàng ở một nước phát triển, mang đến cho họ những sản phẩm đầu bảng và mới nhất của Audi. Chúng tôi hiểu rằng cho dù ở bất cứ đâu trên toàn cầu thì khách hàng xa xỉ đều có những yêu cầu và thị hiếu tương tự nhau. Bên cạnh đó, Audi vừa lăng-xê mô hình toàn cầu mới của hãng có tên Audi Terminal. Đó là kiến trúc tòa nhà trụ sở với những đường nét thiết kế mạnh mẽ kết hợp với cửa sổ bằng kính và các tấm nhôm hình bánh tổ ong. Cũng chính thiết kế lạ mắt và độc đáo này đã góp phần làm tôn lên bộ mặt hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi cũng vừa khánh thành và đưa vào hoạt động một công trình khác, đó là Audi Hà Nội tại Mỹ Đình. Tại đây, các khách hàng có thể đến tham quan và khám phá các mẫu xe của Audi, Bước đi quan trọng mà chúng tôi vừa tiến hành gần đây nhất trong năm 2009 là giới thiệu mẫu Audi A4. A4 là một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường toàn cầu và hy vọng rằng cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam.
Về kết quả bán hàng, nhìn chung năm 2009 là một năm khá tốt đối với Audi ở Việt Nam. Trên thị trường thế giới, Audi nằm trong top 3 nhà sản xuất xe sang có doanh số tiêu thụ đầu bảng. Năm 2008, Audi vượt mức tiêu thụ 1 triệu xe trên toàn cầu và đó là năm thứ 13 liên tiếp hãng đạt tăng trưởng về sản lượng bán hàng. Mục tiêu bán hàng của Audi trong năm 2015 là sẽ bán trên 1,5 triệu xe trên toàn thế giới. Chúng tôi chắc chắn rằng, Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào sự phát triển này.
|
Autonet: Sự khác biệt trong định hướng của Audi so với các hãng nhập khẩu xe sang trọng khác trên thị trường Việt Nam là gì?
Porsche bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam với 9 sản phẩm, 5 dòng động cơ. Liệu có thể có một dịch vụ phục vụ hoàn hảo tất cả các dòng xe mà họ cung cấp hay không? Chắc chắn là không vì mỗi loại xe, mỗi loại động cơ đều có những đặc điểm khác nhau. Câu chuyên tương tự cũng xảy ra với BMW khi hãng cung cấp tới 10 sản phẩm và 5 loại động cơ. Mercedes thì có trung tâm dịch vụ khá tốt cho các dòng xe lắp ráp trong nước như minibus, C-Class, E-Class… Nhưng các dòng xe nhập khẩu thì động cơ khác, máy móc thiết bị cũng khác và không thể được chăm sóc trên cùng một hệ thống dịch vụ được.
Trong khi đó, Audi bắt đầu khởi động hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với động cơ V8 trên hai mẫu xe A8L saloon và Q7 SUV, một trong những loại động cơ cao cấp nhất của hãng, rồi sau đó mới mở rộng quy mô với các loại động cơ khác như V6 và I4. Tức là chúng tôi bắt đầu là cái khó nhất để đào tạo đội ngũ dịch vụ chuyên nghiệp đẳng cấp nhất, rồi phát triển rộng ra với các dòng đơn giản hơn, như vậy sẽ giữ được các tiêu chuẩn dịch vụ cao cấp từ trên xuống dưới.
|
Autonet: Khó khăn lớn nhất mà Audi vấp phải khi thâm nhập thị trường Việt Nam là gì?
Đó chính là sự thay đổi về chính sách. Điều này có tác động nhiều đến các nhà nhập khẩu, từ số lượng, đến giá cả của một sản phẩm nào đó. Mỗi khi chính sách thuế thay đổi, các nhà nhập khẩu lại phải xem xét lại kế hoạch, thậm chí điều chỉnh lại cấu hình của xe. Có thể đơn cử thị trường xe đa dụng và SUV tụt dốc trong thời gian qua cũng vì thuế.
Thường các nhà nhập khẩu phải mất khá nhiều thời gian để lập kế hoạch cho một sản phẩm nào đó, nghiên cứu thị trường, rồi đặt hàng, chờ đợi hàng về, làm thủ tục thuế quan… Trong khi kế hoạch về sản phẩm đó chưa kịp “chạy” thì chính sách thuế lại thay đổi. Toàn bộ kế hoạch bị phá vỡ và nhà nhập khẩu phải điều chỉnh lại.
|
Autonet: Trong một phát biểu cách đây không lâu, ông có nói đến bí quyết thành công của Audi toàn cầu là không cần bán nhiều sản phẩm. Vậy với Audi Việt Nam thì tiêu thụ bao nhiêu xe một tháng được coi là thành công? Mục tiêu về điểm hoà vốn của công ty thế nào?
Quan điểm của Audi tại Việt Nam là đầu tư một cách hợp lý từng bước một. Chúng tôi đang cố gắng chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng bằng những sản phẩm chất lượng hàng đầu và chúng tôi đang đi đúng hướng. Mục tiêu của Audi Việt Nam là sẽ thu được lợi nhuận sau 2 năm.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước và thị trường Việt Nam luôn ẩn chứa nhiều điều khó lường. Đơn cử như tình trạng khan hiếm xe ngay trong thời kỳ khủng hoảng và theo kinh nghiệm của tôi thì dường như chỉ có ở Việt Nam mới xảy ra nghịch cảnh đó. Tiếp đó, như tôi đã nói ở trên là việc thuế thay đổi quá nhiều. Là người đã có thâm niên 12 năm trong ngành kinh doanh xe hơi, nhưng tôi thấy rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên có nhiều sự thay đổi chính sách đến như vậy.
Autonet: Hãy tưởng tượng sau hơn 3 năm nữa, các hàng rào thuế quan bị bãi bỏ theo luật chơi của WTO. Theo ông thì lúc đó thị trường xe nhập sẽ thay đổi ra sao? Liệu thị trường ôtô Việt Nam có bị biến thành sân chơi của các nhà nhập khẩu không?
Điều này còn phụ thuộc vào doanh số của từng nhà cung cấp. Các liên doanh truyền thống, uy tín và có số lượng tiêu thụ lớn vẫn có thể hoạt động, họ vẫn có thể tiếp tục và phát triển. Các nhà máy lắp ráp đã có ở Việt Nam sẽ tập trung vào những sản phẩm chủ lực như xe tải, các loại xe nhỏ, số lượng tiêu thụ lớn.
Nhưng bức tranh với các nhà sản xuất quy mô nhỏ, mới ra đời, với số lượng thấp thì có thể sẽ hoàn toàn trái ngược. Chi phí đầu tư vào sản xuất và lắp ráp ôtô thường là những con số khổng lồ, khiến giá thành của xe cao nếu sản lượng thấp. Khi sản phẩm của họ không thể cạnh tranh được trên thị trường thì đương nhiên là không có con đường nào sáng sủa dành cho họ cả.
|
Autonet: Theo ông thì vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trên thị trường xe hơi Việt Nam nói chung là gì?
Một trong những vấn đề lớn trên thị trường ôtô Việt Nam là chuyện bảo hộ của Chính phủ đối với các nhà lắp ráp. VAMA dựa vào chính sách bảo hộ để tồn tại, nhưng sự chuyển giao công nghệ là rất ít. Vậy câu hỏi là liệu có chuyển giao công nghệ để có ngành công nghiệp ôtô thực sự hay không thì tôi chưa nhìn thấy trong bối cảnh hiện tại.
Các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cần có những quyết định như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, cần nhanh chóng đưa ra những dòng xe chiến lược cho quốc gia để hỗ trợ thuế, tập trung phát triển. Chẳng hạn như Thái Lan là xe pick-up, Indonesia hay Malaysia là xe SUV/MPV… Ở Thái lan và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, trong những năm đầu tiên họ cũng bảo hộ cho nhiều dòng xe khác nhau, nhưng sau đó họ thấy điều đó là không khả thi. Cuối cùng họ chỉ tập trung vào một dòng nào đó thôi, còn các dòng khác phải chấp nhận tự cạnh tranh.
Autonet: Vậy nếu được lựa chọn tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về dòng xe chiến lược, ông sẽ gợi ý dòng xe nào?
Tôi sẽ đề xuất phát triển 2 loại xe. Thứ nhất là xe tải nhỏ, đã được nhiều nhà cung cấp và sản xuất trong nhiều năm qua với số lượng lớn. Đây là loại phương tiện đặc biệt phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người lao động cũng như điều kiện sử dụng ở Việt Nam. Thứ hai là dòng xe cỡ nhỏ. Hiện tại, loại phương tiện giao thông cá nhân phổ dụng của người dân nơi đây là xe máy, nên việc chuyển từ xe máy lên xe cỡ nhỏ sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn, phù hợp với khả năng tài chính cũng như địa hình của Việt Nam hơn.
Chính phủ Việt Nam lắng nghe ý kiến của VAMA, và đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển của Nhà nước. Nhưng điều quan trọng không kém là hãy lắng nghe các nhà nhập khẩu chính thức. Họ cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ trên thị trường. Hơn nữa, họ là những người nhạy bén với những thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng tại từng thời điểm cụ thể để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. Chính vì vậy, những ý kiến của họ có thể sát xao với thực tế hơn.
Tiếc rằng, cho đến nay vẫn chưa có kênh chính thức hay cơ quan nào đại diện cho các nhà nhập khẩu, giống như VAMA là cơ quan đại diện của các nhà lắp ráp, để đưa ra những đề nghị, góp ý hoặc khuyến nghị với Chính phủ.
|
Autonet: Xin cảm ơn ông đã tham gia buổi trò chuyện! Chúc Audi Việt Nam tiến bước thành công trên thị trường!