Thái Lan khó hòa giải dân tộc

“Hòa giải dân tộc là con đường khó”, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã thừa nhận khi bắt tay vào thực hiện lộ trình này.

“Hòa giải dân tộc là con đường khó”, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã thừa nhận khi bắt tay vào thực hiện lộ trình này.

Các hoạt động giao thông công cộng đã được nối lại ở Bangkok trong những ngày qua. Ảnh: AP

Các hoạt động giao thông công cộng đã được nối lại ở Bangkok trong những ngày qua. Ảnh: AP

Ngày 27-5, Thủ tướng Ahbisit cho rằng, thực hiện lộ trình hòa giải dân tộc với 5 điểm mà ông đề xuất trước đó là chuyện không hề đơn giản bởi không phải tất cả người dân Thái Lan đều ủng hộ kế hoạch này. Báo Bangkok Post dẫn lời ông nói rằng, một số điểm của lộ trình hòa giải dân tộc cần phải có thêm thời gian để thực hiện, đồng thời làm sao để tiến trình này bảo đảm công bằng xã hội. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định sẽ nỗ lực để cung cấp thông tin toàn diện cho tất cả những người đã tham gia biểu tình trong hai tháng qua, bởi lẽ họ vốn chỉ nhận được thông tin một chiều. “Chính phủ muốn tất cả các bên hiểu rõ tình hình và hiểu lẫn nhau. Cần phải có sự kiên nhẫn, sự hợp tác để khôi phục tình trạng thực tại”, ông Abhisit nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abhisit nhấn mạnh không có kế hoạch hòa giải với những kẻ khủng bố mà ông cho rằng họ đã chen lẫn trong số những người biểu tình. Mỹ và Liên minh châu Âu đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch hòa giải dân tộc của Thái Lan.

Trong nỗ lực bình ổn đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biểu tình của phe áo đỏ kéo dài trong hai tháng qua, Thủ tướng Abhisit ngày 27-5 đã tuyên bố tiến hành cải cách nội các sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hãng thông tấn Thái Lan TNA cho hay, việc cải tổ nội các sẽ bắt đầu sau khi tham khảo ý kiến của các đảng liên minh khác. Trước đó, ngày 25-5, ông Abhisit nói rằng Chính phủ sẵn sàng tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào đầu tuần đến. Song, ông tỏ ra không lo lắng khi lãnh đạo phe chống chính phủ Jatuporn Prompan cũng tham gia vào cuộc bỏ phiếu này và được cho là sẽ gây bất lợi cho ông cùng 5 Bộ trưởng khác. Trong khi đảng đối lập Puea Thai cũng đã có động thái tìm kiếm việc chống lại Thủ tướng Abhisit. 5 quan chức Thái Lan đang bị chỉ trích bao gồm: Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, Bộ trưởng Nội vụ Chavarat Chanweerakul, Bộ trưởng Giao thông Sopon Sarum, Bộ trưởng Tài chính Korn Chatikavanij và Ngoại trưởng Kasit Piromya.

Đối với việc bắt giữ cựu Thủ tướng đang lưu vong Thaksin Shinawatra vì bị cáo buộc khủng bố liên quan đến các cuộc biểu tình đẫm máu ở nước này thời gian qua, Chính phủ Thái Lan ngày 27-5 nói rằng, họ nhờ sự hợp tác của Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol. AFP dẫn lời Phó Thủ tướng phụ trách về an ninh Suthep Thaugsuban cho hay, Cơ quan Điều tra đặc biệt (DSI), Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao đã thống nhất gửi đề nghị đến Interpol để phát lệnh truy nã ông Thaksin theo các cáo buộc khủng bố ở Thái Lan. Đề nghị hỗ trợ từ phía Interpol sẽ được gửi để tất cả các nước có thể thông báo với Thái Lan để quốc gia này có thể bắt đầu tiến trình dẫn độ. Phát biểu với báo giới, ông Suthep còn nói thêm rằng, nếu Thaksin nghĩ mình vô tội thì có thể trình diện để chứng minh điều này.

Song, trả lời phỏng vấn qua điện thoại vào đêm 26-5, cựu Thủ tướng Thaksin bác bỏ các cáo buộc chống lại ông và nói rằng, nếu Chính phủ đề xuất với Interpol thì cơ quan này sẽ nhận ra các cáo buộc hoàn toàn mang “động cơ chính trị”.

BÌNH YÊN

Đọc thêm