Thái Nguyên: Không thể “đá bóng trách nhiệm” trước số phận một con người!

(PLO) - Vụ án Đào Xuân Phương cố ý gây thương tích đã được đưa ra xét xử phúc thẩm lần thứ 4. Theo đó, sau khi TAND TP Thái Nguyên lần thứ 4 tiếp tục buộc Đào Xuân Phương phạm tội cố ý gây thương tích và tuyên mức án 5 năm tù giam thì cũng là lần thứ 4 TAND tỉnh Thái Nguyên không đồng tình với bản án. Mới đây nhất, TAND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hủy án điều tra lại. Như vậy, lại thêm một vụ án vướng vào vòng luẩn quẩn xét xử - hủy án - điều tra lại - xét xử - hủy án… 
Vụ việc đã được Báo Pháp luật nhiều lần phản ánh
Vụ việc đã được Báo Pháp luật nhiều lần phản ánh

“Lời khai của bị hại và mẹ bị hại mâu thuẫn, không đúng sự thật”

Đây là lời khẳng định mới nhất của HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên trong vụ án Đào Xuân Phương cố ý gây thương tích. Báo PLVN cũng đã có nhiều bài viết về vụ án, phản ánh về việc, sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và điều tra lại, cơ quan tố tụng cấp thành phố không làm rõ được bất kỳ điều gì theo yêu cầu của bản án phúc thẩm nhưng vẫn cương quyết quy kết Đào Xuân Phương phạm tội cố ý gây thương tích và tuyên án 5 năm. 

Thậm chí, ngay cả những lý do mà VKSND TP vin vào để đưa ra những “Quyết định gia hạn thời hạn quyết định truy tố” cũng không thể làm rõ được. Như Văn bản số 04/KSĐT ngày 24/2/2016, quyết định gia hạn thời gian truy tố với mục đích làm rõ các nội dung “đấu tranh với ông Thông để làm rõ việc Lương có nói với ông Thông tại sao Lương bị thương không”; “Đấu tranh với Lương để xác định vì sao bị Phương ném vào mặt gây thương tích nặng như vậy Lương lại không phản ứng gì”. 

Rõ ràng các vấn đề đều do VKSND TP đặt ra và yêu cầu Cơ quan điều tra Công an TP thực thi. Nhưng sau nhiều năm “vướng” vào vụ kỳ án này, các cơ quan tố tụng TP Thái Nguyên vẫn không thể thêm được tình tiết, chứng cứ nào đủ để buộc tội Đào Xuân Phương. Và bỏ qua mọi đề nghị, yêu cầu từ TAND tỉnh, các cơ quan tố tụng cấp TP vẫn kiên quyết buộc tội Phương, rồi “đá” “quả bóng” Đào Xuân Phương lên cấp tỉnh. 

Cơ quan tố tụng cấp tỉnh cũng không thể dứt điểm được vụ án dù các thẩm phán đã nhìn rõ bản chất sự việc, thể hiện qua nhận định ở Bản án phúc thẩm số 219/2014/HSPT ngày 15/9/2014 của TAND tỉnh Thái Nguyên. Tại bản án này, HĐXX khẳng định: “Tất cả những lời khai của những người làm chứng mà bị hại và mẹ bị hại khai nhìn thấy bị cáo ném bị hại đều khẳng định “không nhìn thấy ai ném” hoặc “không có mặt ở hiện trường”.

Tại bản án phúc thẩm mới nhất, HĐXX vẫn tiếp tục nhận định “Tòa án cấp sơ thẩm kết tội bị cáo chỉ căn cứ vào lời khai của người bị hại, lời khai của mẹ người bị hại, lời khai của người làm chứng là bà Hoàng Thị Loan trong khi những lời khai này có rất nhiều mâu thuẫn”. Chưa hết, HĐXX còn khẳng định “Như vậy, lời khai của anh Lương (bị hại - PV) và bà Lâm (mẹ bị hại) rất mâu thuẫn, không đúng sự thật”. 

Xuất hiện ‘nhân vật bí ẩn”

Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm gần đây nhất đã xuất hiện một “tài liệu rất quan trọng” (theo đánh giá của HĐXX), mới được lưu trong hồ sơ vụ án. Đó là bản báo cáo sự việc của Lê Thị Phương Hoa (một người cũng bị tạm giam) về việc Đào Xuân Phương kể chuyện Phương đã cùng với Kiên, Giang, Tuấn đánh người bị hại như thế nào (bản báo cáo ghi ngày 01/02/2010). 

Sau đó vào ngày 27/4/2010, Trại tạm giam công an tỉnh có Công văn số 206/PC35 báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh về việc có một người bị tạm giam tố giác hành vi phạm tội của Đào Xuân Phương nhưng cơ quan điều tra đã không tiến hành điều tra. Đến tận ngày 10/6/2015, “nhân vật bí ẩn” Lê Thị Phương Hoa lại có một bản tường trình gửi cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP tố cáo hành vi của Đào Xuân Phương. Lúc này cơ quan điều tra mới lấy lời khai của Hoa nhưng lại không cho đối chất với bị can Phương. 

Theo HĐXX, với việc không cho đối chất, cơ quan điều tra đã vi phạm Điều 138, Bộ Luật Tố tụng hình sự và với việc không thực nghiệm điều tra, đã vi phạm điều 153 của Bộ Luật Tố tụng hình sự. HĐXX cũng nhận định “Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử đã không xem xét đến tình tiết mới này” nên không đủ cơ sở kết tội Đào Xuân Phương. 

Từ đây, một câu hỏi được đặt ra, tình tiết mới này rất có lợi cho việc khép tội Đào Xuân Phương, tại sao các cơ quan tố tụng cấp TP lại không “tận dụng” làm rõ mà bỏ qua? Tại sao một tài liệu rất quan trọng đối với vụ án, được ghi lại từ năm 2010 mà cơ quan điều tra lại không có trong hồ sơ? Hay đây là “nhân chứng giả” như lời bị can Phương đã khẳng định với báo PLVN? 

Tính đến thời điểm này, vụ án Đào Xuân Phương cố ý gây thương tích đã có hơn 20 lần trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại; hơn 10 phiên tòa được mở ở 2 cấp xét xử. Điều kỳ lạ nhất là vụ án đã được tái lượt đến lần thứ 4, bị can đã được trả tự do 3 năm nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa đủ căn cứ để kết được tội. 

Trách nhiệm kết thúc vụ án này thuộc về ai, nếu không phải là các cơ quan tố tụng Trung ương? Bởi lẽ các cơ quan tố tụng cấp tỉnh liên tục… đá Đào Xuân Phương từ sân thành phố lên sân tỉnh và lại từ sân tỉnh về sân thành phố mà không chịu… dứt điểm. Và nữa, số phận một con người không thể là quả bóng để các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Nguyên đá qua đá lại như vậy!

Đọc thêm