Thái Nguyên luôn hướng về nguồn cội, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc

(PLVN) - Trải qua hàng chục năm, nhưng ngày 27/7 hàng năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tri ân những công lao và đóng góp to lớn của các liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, với Tổ quốc. Là dịp để mỗi người trẻ hôm nay nhìn về quá khứ hào hùng của dân tộc, lấy đó làm hành trang cho hiện tại và cả tương lai…
Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 nằm ở tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ.
Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 nằm ở tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ.

Ngược dòng lịch sử

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nền độc lập còn non trẻ, chính quyền còn yếu ớt do hậu quả của chiến tranh và chính sách hà khắc của thực dân phong kiến để lại. Đầu năm 1946, thực dân Pháp lại trở lại xâm lược đất nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt quân thù, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng lên; thương binh, liệt sỹ trở thành vấn đề đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 chính thức đặt chế độ “lương hưu thương tật” và “tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh.

Một hội nghị trù bị được tổ chức nhằm triển khai Chỉ thị của Bác, gồm đại biểu các cơ quan Trung ương và một số địa phương đã họp tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Ở nơi đó, vào 18h ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày thương binh, liệt sĩ.

Cùng với Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ nằm trong vùng ATK giàu truyền thống cách mạng, nhân dân vùng ATK một lòng theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng kháng chiến, truyền thống đùm bọc chở che, ủng hộ thương binh được các dân tộc giác ngộ và thực hiện có hiệu quả từ sớm.

Ngày 24/12/1972, 60 thanh niên xung phong của Đại đội 95, Đội 91 Bắc Thái đã hy sinh anh dũng tại khu vực ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa quân sự, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Viết tiếp nên câu chuyện hôm nay và tiếp nối giá trị mà ông cha vun đắp

Từ đó đến nay, đất nước ta trải qua nhiều thăng trầm, thời gian phủ đầy những dấu chân, vết tích của lịch sử. Nhưng chiến công, sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng vẫn còn sống mãi trong lòng người ở lại, trở thành mạch ngầm nuôi dưỡng cho khát vọng tương lai và để thế hệ trẻ tiếp nối những trang sử vẻ vang ấy.

Với Đào Quỳnh Nga- Chủ tịch Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường Tân Lập (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), ngày 27/7 luôn có ý nghĩa rất đặc biệt: "Đó là dịp để mình cùng những anh chị cán bộ Đoàn thực hiện những công việc thiện nguyện, hướng tới những gia đình có công với cách mạng, thăm hỏi, tặng quà và lắng nghe những câu chuyện xưa.

Hàng năm, mình cùng các anh chị hay lên Khu di tích lịch sử 27/7 ở xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn để dâng hương. Nhưng năm nay vì dịch nên có thể sẽ hoãn lại mà tập trung vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trao quà cho những gia đình thương binh và những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên dâng hương tưởng nhớ công lao các Anh hùng liệt sĩ.

Các đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên dâng hương tưởng nhớ công lao các Anh hùng liệt sĩ.

Thế hệ của mình hôm nay, có rất nhiều điều quý giá được kế thừa từ cha ông đi trước. Mình rất tự hào khi Thái Nguyên,quê hương mình là nơi đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng: thành lập ngày Thương binh liệt sĩ. Cá nhân mình dù nhỏ bé, nhưng cũng sẽ cùng tổ chức, các anh chị đoàn viên nỗ lực để không phụ sự kỳ vọng của thế hệ trước.”- Nga nói.

Thế hệ trẻ hôm nay, nhất là những nguời trẻ không trực tiếp chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng qua những thước phim, những trang sử vẫn thấu cảm sự mất mát, hy sinh của những người “ngã xuống” vì độc lập, vì hoà bình hiện tại.

Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa nối tiếp nhau

Thái Nguyên cũng xác định Tháng 7 là tháng tri ân, đẩy mạnh việc chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình người có công với cách mạng và tổ chức các hoạt động tri ân đang được các cấp bộ Đoàn, Hội tập trung thực hiện.

Những hoạt động của Tháng Bảy tri ân năm nay tập trung vào thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống; phối hợp thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” với các hình thức phong phú, hiệu quả; tăng cường chỉnh trang, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ.

Nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực tiếp tục được triển khai như: Xã hội hoá chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhận đỡ đầu chăm sóc thường xuyên thân nhân liệt sĩ, thương, bệnh binh nặng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa tặng nhà tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công...

Năm nay, kỷ niệm ngày 27/7 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi nước ta đang đối diện với làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát. Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ, hôm 16/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tới dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (Đại Từ, Thái Nguyên).

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của tỉnh. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của tỉnh. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Hôm nay (27/7) Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên đã tổ chức các đoàn dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh và Đền thờ Đội Cấn (tại TP Thái Nguyên); Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa; Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ.

Nhà tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên; Nghĩa trang liệt sĩ người Trung Quốc, tại xã Linh Sơn, TP Thái Nguyên; Nơi tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ATK Định Hóa; Nghĩa trang Dốc Lim, thành phố Thái Nguyên.

Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nguyện tiếp tục phát huy truyền thống bất khuất, kiên trung của thế hệ cha anh đi trước, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó chung sức, quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, xây dựng Thái Nguyên ngày càng phát triển.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa và những việc làm thiết thực nhân dịp 27/7 đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, là lời nhắc nhở cho tuổi trẻ hôm nay, đời đời khắc ghi sự hi sinh mất mát, lớn lao của cha anh trong công cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc...

Đọc thêm