Thẩm định Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị

(PLVN) - Chiều 29/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. 
Thẩm định Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM và các thành viên Hội đồng thẩm định đến từ một số Bộ, ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ tổ chức chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ cho biết Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM gồm 14 điều, bao gồm: Quy định việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM; Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP.HCM; Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM; Quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận...

 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khẳng định, trong quá trình xây dựng đề án và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, đã đánh giá nhiều chiều, tổ chức nhiều cuộc họp và đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP.HCM và các chuyên gia, nhà khoa học. Mục tiêu để giúp cho Đề án được hoàn thành kịp thời, chất lượng và đúng quy định.

Tiếp lời, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay khi Nghị quyết được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay. Đồng thời, kết quả thực hiện chính quyền đô thị TP HCM sẽ góp phần cung cấp các cơ sở thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương pháp lý về xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng. 

 

“TP.HCM rất mong được tiếp nhận ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, các Ủy ban Quốc hội… trong quá trình thẩm định Đề án và Dự thảo Nghị quyết, để Nghị quyết bám sát nội dung thực tiễn của TP HCM, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế của mình để đóng góp nhiều hơn cho cả nước. TP.HCM mong muốn Nghị quyết sớm được thông qua”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Tại Hội nghị, đa phần thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với nội dung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Bộ Nội vụ và TP.HCM sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và hoàn thiện Tờ trình để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, Dự thảo Nghị quyết đảm bảo đầy đủ nội dung, đúng quy định.

 

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh Bộ Tư pháp cũng như các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí cao về sự cần thiết ban hành văn bản của Quốc hội quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. TP.HCM là một trong 2 đô thị đặc biệt của cả nước, là trung tâm văn hóa, kinh tế, đóng góp phần lớn vào sự phát triển của đất nước. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, việc trình Quốc hội ban hành Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là có cơ sở, phù hợp. 

 

Về phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ… của Dự thảo Nghị quyết với các văn bản khác có liên quan, thành viên Hội đồng thẩm định đã phát biểu rất chi tiết. Thứ trưởng Oanh cho biết Dự thảo Nghị quyết có điều chỉnh nhiều về chức năng, quyền hạn của HĐND và UBND, Chủ tịch UBND các cấp mà các quyền hạn này đã được quy định tại nhiều văn bản QPPL có liên quan: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị… Do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các quy định hiện hành để bảo đảm tối đa sự phù hợp với các quy định. Những gì mang tính đặc thù thì cần có giải trình cụ thể. “Bộ Tư pháp sẵn sàng cùng Bộ Nội vụ, TP.HCM gia cố lại Tờ trình để làm sao các ý tưởng được thuyết minh rõ tại văn bản và tạo thuận lợi hơn cho Chính phủ cũng như các cơ quan Quốc hội thẩm tra sau này”, Thứ Trưởng Đặng Hoàng Oanh cho hay./.

Đọc thêm