Thâm hiểm đèn lồng Trung Quốc

“Lóa mắt” bởi hàng hóa ngoại mà không có sự tinh tường, tự hào tự tôn dân tộc trong việc chọn lựa có thể bị lợi dụng... Sau khi biết được thông tin các nhà sản xuất Trung Quốc in dòng chữ “Tam Sa” lên đèn lồng, người dân Hải Phòng đã dán cờ đỏ sao vàng lên đèn..

“Lóa mắt” bởi hàng hóa ngoại mà không có sự tinh tường, tự hào tự tôn dân tộc trong việc chọn lựa có thể bị lợi dụng.

Việc người dân nhiều nơi ở tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng tháo bỏ, thậm chí là tiêu hủy hàng loạt đèn lồng Trung Quốc có chữ “Tam Sa” và “Nam Sa” (bằng tiếng Hoa), được dư luận rất đồng tình. Hành vi trái phép của phía Trung Quốc khiến rất nhiều người dân lên tiếng phẫn nộ. Bởi Tam Sa là tên một đơn vị hành chính do Trung Quốc tự ý lập trái phép, trong đó bao gồm cả địa phận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ gọi là “Nam Sa”.

Đèn lồng được người dân dán cờ đỏ sao vàng ở khu dân cư Quán Toan, quận Hồng Bàng - Hải Phòng

Tăng ý thức tự hào dân tộc

Người dân thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương sau khi vô tình mua phải loại đèn lồng treo vào dịp Tết với giá từ 75.000 đồng đến 150.000 đồng mà không biết các chữ Trung Quốc in trên đó có nghĩa gì đã tháo bỏ lập tức những chiếc đèn này sau khi được cơ quan chức năng thông báo.

Một người dân trú tại thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán, người dân quê ông thường góp tiền mua đèn lồng trang trí khắp các tuyến đường trong thôn để không khí xuân thêm ấm cúng. Tuy nhiên, năm nay, sau khi người dân địa phương nhận được thông tin có đèn lồng in chữ “Tam Sa”, họ đã không mua và không sử dụng loại đèn lồng này.

Còn ở TP Hải Phòng, sau khi biết được thông tin các nhà sản xuất Trung Quốc in dòng chữ “Tam Sa” lên đèn, người dân đã dán cờ đỏ sao vàng lên đèn để trang trí.

GS sử học Lê Văn Lan rất phẫn nộ trước việc Trung Quốc đưa đèn lồng in dòng chữ “Tam Sa” vào Việt Nam. Ông cho rằng phía Trung Quốc đã và đang dùng mọi hành vi tinh vi, thâm hiểm với Việt Nam. “Việc in bản đồ có hình lưỡi bò hay những dòng chữ “Tam Sa” hay “Nam Sa” trên bản đồ, hàng hóa tuy nhỏ nhưng là việc làm thâm độc bởi nếu để lâu, nó dễ mặc định như một điều tất yếu. Đây là thủ đoạn thâm độc nhằm phá hoại một cách cố ý”, GS Lan bức xúc.

Dùng hàng thuần Việt

Cũng giống như đèn lồng Trung Quốc, thị trường bao lì xì Tết đến 99% là bao lì xì Trung Quốc, in chữ Trung Quốc với những dòng chữ mà người dân Việt phần lớn không biết nghĩa của nó. Một người dân cho biết có đơn vị mua một loạt bao lì xì để mừng tuổi, sau khi phát hiện bao lì xì in câu chúc trường thọ vị lãnh đạo của một nước lớn đã phải bỏ hết bao lì xì này, thay vào đó là bao lì xì thuần Việt.

Để chống lại sự lấn át của bao lì xì Trung Quốc, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thái Hà Book, quyết định phát động phong trào dùng bao lì xì thuần Việt. Rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã hưởng ứng phong trào của ông bằng cách tìm đến ông để nhờ tư vấn, góp ý. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp gửi email hay nhắn tin cho TS Hùng đơn giản chỉ để khoe bao lì xì thuần Việt của họ.

GS Lê Văn Lan cho biết ông rất ủng hộ cách làm của TS Hùng, thậm chí là ca ngợi giám đốc của Thái Hà Book bởi “đã để ý đến vấn đề tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ chút nào trong dịp năm mới”. GS Lan nhấn mạnh phải tuyên truyền cho người dân ý thức chuộng hàng Việt, dùng hàng Việt. “Phải tăng cường ý thức người dân, nên nghĩ về bản chất của những thứ sặc sỡ đó để tăng cường ý thức tự hào dân tộc, không bị bắt mắt bởi hàng hóa ngoại”, GS Lan khẳng định.

Có ý thức chống kẻ phá hoại

GS Lê Văn Lan cho biết ông rất mừng vì người Việt Nam đã có ý thức mạnh mẽ về chủ quyền đất nước và biển đảo. Có thể người dân không biết tiếng Trung Quốc nên mua nhầm đèn lồng như trên nhưng khi biết thì họ đã có những phản ứng chính xác. Tuy nhiên, ông cũng liên tưởng và so sánh với “sự dại dột” ở nhiều nơi khi người dân sẵn sàng làm trà bẩn, nuôi đỉa theo đơn đặt hàng của người Trung Quốc. “Cần lấy việc này để soi tỏ việc kia. Đồng bào ta phải tăng dân trí, tăng ý thức tự hào dân tộc, chủ quyền dân tộc chống lại những kẻ phá hoại”, GS Lan nói.

Theo Người lao động

Đọc thêm