“Thảm họa điện ảnh” Việt - vì đâu mà có?

(PLVN) - Một trong những bộ phim Việt đang “nổi đình nổi đám” hiện nay là “Kiều@”. Đáng tiếc, phim “nổi” không phải do chất lượng tốt mà do bị đánh giá là “thảm họa điện ảnh” mở màn cho năm 2021.
Phim “Kiều@” không được khán giả đón nhận như kỳ vọng.
Phim “Kiều@” không được khán giả đón nhận như kỳ vọng.

Khi điểm mạnh biến thành điểm yếu

“Kiều@” vốn dĩ là một bộ phim truyền thông tốt, khán giả dành nhiều kì vọng, được công bố lấy cảm hứng từ Truyện Kiều để nói về thân phận của những cô gái “buôn phấn, bán hương” thời hiện đại. 

“Kiều@” cũng được quảng bá là bộ phim có cú máy one-shot dài 90 phút đầu tiên của Việt Nam. One-shot được hiểu là việc sử dụng một máy quay để nắm bắt toàn bộ các diễn biến của tình tiết câu chuyện. Máy quay này sẽ chuyển động liên tục quanh các diễn viên để nắm bắt từng cử chỉ, hành động theo yêu cầu diễn đạt của kịch bản.

Người xem khi theo dõi sẽ có cảm giác như những gì xảy ra trong khung hình đang thực sự diễn ra ngay trước mắt mình. Kỹ thuật one-shot từng được áp dụng trong các phim đoạt giải Oscar. Tuy nhiên, kĩ thuật quay này đòi hỏi tay nghề cũng như độ vất vả, tốn kém rất cao nên ngay cả phim Hollywood cũng không mấy khi sử dụng.

Sau “Kiều@”, “Bố già” cũng là bộ phim ứng dụng kĩ thuật quay one-shot nói trên. Có thể nói, phim “Kiều@” đã mong muốn một bước đột phá về mặt kĩ thuật trong làng điện ảnh Việt. 

Tuy nhiên, sau tất cả những yếu tố làm nên sự nổi tiếng ấy, cuối cùng “Kiều@” lại bị đánh giá “thảm họa điện ảnh”, bị nhiều khán giả tẩy chay ngay từ những ngày đầu công chiếu. Lý do đầu tiên là chất lượng phim không hay. “Kiều@” có lối diễn gượng, kịch bản thiếu logic và gắn kết, tâm lý nhân vật diễn biến không mấy hợp lý và thực tế, nội dung lại hời hợt trên bề nổi. 

Không chỉ thế, cú máy one-shot được quảng bá mạnh, từng làm khán giả tò mò lại đem đến những trải nghiệm rất tệ khi máy rung, lắc khiến người xem chóng mặt. Cùng với góc quay thiếu nghệ thuật và kĩ xảo tệ, bộ phim trở thành một trải nghiệm không mấy dễ chịu đối với người xem. 

Cách truyền thông “nhập nhèm”?

Một trong những lý do khác làm khán giả quay lưng lại với “Kiều@” là cách làm truyền thông “lập lờ đánh lận” của bộ phim. Trong mọi thông tin đưa đến khán giả, ekip phim “Kiều@” đều cho biết phim lấy cảm hứng từ Truyện Kiều và cái tên phim nói lên điều đó. Tuy nhiên, thực tế phim được chuyển thể từ tác phẩm “Nửa đời hương phấn” của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng.

 Nhưng thông tin này không hề được công bố trong suốt quá trình quảng bá cho phim, chỉ đến khi bộ phim công chiếu, khán giả nhận ra các tình tiết giống với vở diễn thì đoàn làm phim mới xác nhận chính thức. Ngay cả con gái của soạn giả Hoa Phượng cũng lên tiếng, cho rằng bộ phim là một sản phẩm thẩm mỹ “biến dạng” của “Nửa đời hương phấn”.

Trước đó, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng công bố dự án phim “Kiều”, bám sát nội dung Truyện Kiều, đưa những nhận vật quen thuộc như nàng Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Hoạn Thư… lên sóng điện ảnh. Bộ phim được truyền thông rầm rộ, khán giả quan tâm, nhưng tình hình dịch bệnh đã làm phim phải dời ngày công chiếu. Và, “Kiều@”, một sản phẩm điện ảnh cũng tên Kiều ra mắt, mà nội dung không liên quan đến Truyện Kiều đã làm không ít khán giả bị nhầm lẫn, tưởng hai là một.

Có thể nói, với nền tảng căn bản, với đầu tư tốt, “Kiều@” đáng ra có thể là một bộ phim chất lượng, chinh phục được trái tim khán giả. Đáng tiếc, vì nhiều lý do, một tác phẩm tưởng hay đã trở thành một sản phẩm tồi.

Điện ảnh Việt cũng có những bộ phim tương tự. Được đầu tư tốt, truyền thông tốt nhưng cuối cùng trở thành “thảm họa điện ảnh” bới cách “chế biến” dễ dãi. Gần đây nhất có thể kể đến bộ phim “Cậu Vàng”, được chuyển thể từ tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Một tác phẩm văn học từng chinh phục bao thế hệ, một bộ phim được bao khán giả chờ mong.

Thế nhưng, tất cả bị phá hỏng bởi rất nhiều “hạt sạn”. Từ việc chọn giống chó Shiba Nhật thay cho giống thuần Việt vào vai cậu Vàng, cho đến kĩ xảo dựng phim màu mè, thiếu thực tế, nội dung thiếu logic, “siêu nhân hóa” nhân vật…

Tiếc thay, năm 2020, khán giả chứng kiến không ít những bộ phim “đầu voi, đuôi chuột” như thế: “Hoa phong nguyệt vũ”, “Thang máy”, “Tôi là não cá vàng”, “Đỉnh mù sương”, “30 chưa phải là Tết”… Truyền thông tốt, đầu tư mạnh tay, nhiều yếu tố mới mẻ nhưng lại “chết yểu” khi vừa mới ra rạp.

Cuộc chơi điện ảnh không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi “người chơi” vừa phải phá cách, sáng tạo nhưng cũng không được đi quá xa, quá lố. Nó cũng không phải là cuộc chơi mà người chiến thắng là kẻ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Những bộ phim thảm họa là điều thật đáng tiếc nhưng không phải là vô ích. Nó đem lại cho thị trường điện ảnh và những người làm phim các bài học lớn để trưởng thành và hoàn thiện mình hơn.