Thông thường, sĩ tử phải "đầu tư" 12 năm đèn sách, kéo theo bao mồ hôi nước mắt của mẹ cha nuôi con ăn học mới hy vọng thành sinh viên Đại học. Nhưng trên thực tế, có người vẫn có thể đường hoàng bước vào “thánh đường” bằng... tiền mặt. Loạt bài "Thâm nhập "hang ổ "chạy" Đại học" của Báo Pháp luật Việt Nam sẽ chứng minh điều đó.
Từ những dòng tin rao vặt trên mạng, phóng viên lựa ra được số điện thoại 09025157xx. Nhấc máy, sau màn chào hỏi, chủ thuê bao tên Chương lập tức đi vào “việc”. Anh ta giới thiệu rằng mình có khả năng “chạy” được đầu vào nhiều trường đại học, trong đó “chắc cú” nhất phải kể đến Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh (trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có trụ sở tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
“Cò” đại học thử phóng viên
Thời điểm phóng viên liên lạc với Chương là tháng 3/2011. Lúc này, thí sinh toàn quốc đang rục rịch chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng trên mọi miền đất nước. Qua vài lần trò chuyện thăm dò, phóng viên cảm thấy tin tưởng về “thực lực chạy trường” của Chương nên chính thức đặt vấn đề nhờ anh ta giúp mình mua một suất đỗ vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Trước ngày phóng viên nộp hồ sơ, Chương tư vấn: “Trong trường có đào tạo nhiều môn. Như Điền kinh, Bóng chuyền, Bóng ném, Võ thuật, Cầu lông... thì “chạy” mất khoảng 55 triệu đồng. Nhưng hai môn “ngon” nhất phải kể đến Bóng đá và Quần vợt, nếu chú “chạy” thì mất thêm 5 triệu nữa là 60 triệu đồng”.
Chương trấn an phóng viên bằng lời hứa như đinh đón cột: “Đảm bảo 100% sẽ đậu!”.
Sau khi nghiên cứu, phóng viên chính thức nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào môn Quần vợt (Tennis), dù chưa một lần cầm vợt. Do phóng viên nói quê mình ở Thái Bình, Chương hẹn vào dịp 30/4 và 1/5/2011 sẽ gặp phóng viên ở địa phương này nhân một chuyến công tác của anh ta tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.
Tuy nhiên khi ngày hẹn cận kề, Chương lại cáo bận và cho phóng viên một lịch hẹn khác vào ngày 10/5. Một lần nữa, Chương lỡ hẹn. Phóng viên gọi điện trách Chương: “Anh phải chắc chắn vì nếu không sẽ lỡ dở tương lai của em”.
Lần này, dường như đã thấy được nhiệt tình “chạy trường” ở “vị khách hàng quê Thái Bình”, Chương mới cho phóng viên số điện thoại 09120503xx với lời nhắn: “Đây là thằng em của anh. Nó sẽ thay mặt anh để làm việc với chú”.
Dù rất thất vọng nhưng biết là đang bị các đối tượng thử độ “máu” trong thương vụ làm ăn này nên phóng viên tiếp tục mang thân đi gặp “thằng em của Chương”.
“Anh lo được hết, kể cả trường cảnh sát”
Trung tuần tháng 5/2011, phóng viên chính thức liên lạc với Thuyên - nhân vật mà Chương giới thiệu. Chập tối 15/5, phóng viên đã có mặt tại một quán cà phê ở khu vực ven đô TP.Thái Bình theo chỉ dẫn của Thuyên.
Cuộc gặp diễn ra đúng vào giờ cơm tối của các gia đình nên quán cà phê không một bóng khách. Thuyên mời phóng viên vào trong rồi khóa trái cửa lại. Trong phòng chỉ có Thuyên, phóng viên và một người mà Thuyên giới thiệu là anh trai mình.
Tiếp xúc lần đầu với Thuyên, người đối diện sẽ nhanh chóng có thiện cảm bởi thanh niên này có phong thái rất lịch lãm, ngoại hình cân đối, gương mặt sáng và thông minh. Thuyên trông chững trạc hơn nhiều so với cái tuổi 29 của anh ta.
Sau khi đưa cho Thuyên bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành Quần vợt - Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, phóng viên chủ động đặt vấn đề: “Em sinh năm 1986, phiêu bạt khắp rồi mà đường công danh chưa đâu vào đâu. Em là con trai lớn, bố mẹ ở nhà đã có tuổi nên thấy sốt ruột cho em lắm! Năm ngoái, nhà em bỏ ra gần trăm triệu để lo cho em vào một trường cảnh sát nhưng cuối cùng lại bị lừa. Mất tiền đau lắm, nhưng em vẫn nghĩ rằng nếu không vào được đại học thì sẽ chả làm được trò trống gì cho đời. Thế nên, cả năm vừa rồi em đi làm, để ra được mấy chục triệu, cộng thêm tiền gia đình cho nữa để dồn vào việc “chạy” trường năm nay...”.
Chăm chú quan sát phóng viên, sau đó Thuyên tỏ vẻ thông cảm: “Thế mà chú không gặp anh từ trước. Anh lo được hết, kể cả trường cảnh sát. Tuy nhiên, giờ “chạy” trường này (Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh - PV) cũng được. Sau này ra kiếm ăn dễ lắm! Chỉ cần đi dạy vài tháng là thu lại được vốn. Chú an tâm, anh đã nói là anh sẽ làm được. Quan trọng là anh em tin tưởng nhau...”.
“Hợp đồng” ma quái
Sau chừng nửa tiếng tìm hiểu nhau, phóng viên và Thuyên đi vào nội dung chính là bàn giá cả và phương thức giao - nhận tiền “chạy” trường. Khi phóng viên nhắc đến việc “cò” Chương giá “chạy” vào khoa Quần vợt là 60 triệu đồng, Thuyên bỗng giẫy nẩy lên: “Không phải thế! Trước đây, đúng là các khoa như Cầu lông, Bóng bàn, Điền kinh... có giá 55 triệu, Bóng đá, Quần vợt giá 60, nhưng năm nay đắt hơn 5 triệu rồi. Chú suy nghĩ kỹ đi. Với cái giá đó thì anh mới làm được. Mà nói thật, anh cũng chỉ được 3 triệu đồng mỗi suất thôi. Số tiền còn lại chủ yếu được chuyển cho các “sếp” ở bên trên. Anh làm là vì quan hệ mà thôi!”.
Thấy phóng viên gật đầu với giá 65 triệu đồng, Thuyên đưa ra phương án thanh toán như sau: Trước khi thi, “thí sinh” phải nộp cho Thuyên một nửa kinh phí, số còn lại nộp nốt khi có giấy báo nhập học!
Để làm phép thử cuối về khả năng “chạy” trường của Thuyên, phóng viên đặt vấn đề: “Em nói thẳng nhé, trong chuyện này em chưa biết gì về anh. Những thứ giấy tờ cá nhân như chứng minh thư thì có thể giả mạo được. Vì thế, anh cho em 2 ngày để tìm hiểu thông tin về anh”.
Trước lời đề nghị này, Thuyên cười khà khà và nói: “Anh rất thích cách làm của chú! Ô kê, anh cho chú hẳn 2 tuần để tìm hiểu về anh. Chú cứ ra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình mà hỏi về anh Thuyên, đảm bảo ai cũng biết. Sau đó, khi chú giao tiền, anh sẽ cho chú xem chứng minh thư, thẻ bảo hiểm, thẻ ngành. Chú phải tin anh thì anh mới làm. Nếu không tin, chú có đặt cả trăm triệu anh cũng không làm!”.
Sau cuộc gặp tối hôm đó, phóng viên đã cất công đi tìm hiểu về Thuyên. Quả nhiên, anh ta là một cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình.
Ngày 26/5, phóng viên hẹn Thuyên tại quán cà phê mà chúng tôi đã gặp lần đầu. Tại đây, Thuyên cho phóng viên xem chứng minh thư, thẻ nghề, thẻ bảo hiểm xã hội của mình. Sau đó, chúng tôi cùng nhau lập hai tờ giấy viết tay với cùng một nội dung: Thuyên vay nợ phóng viên, hẹn đến ngày 20/8 sẽ hoàn trả.
Lấy lý do trót tiêu mất vài triệu đồng vì việc đột xuất, phóng viên giao trước cho Thuyên 29 triệu đồng. Giấy vay nợ mỗi người giữ một bản, khi nhận giấy báo nhập học, phóng viên sẽ phải chuyển lại giấy vay nợ cho Thuyên. Trong trường hợp không “chạy” được trường, Thuyên sẽ trả lại toàn bộ số tiền, tuy nhiên khả năng không lo lót được là cực thấp.
Giao dịch hoàn tất, Thuyên vừa cười vừa vỗ vai phóng viên: “Chú còn gì lăn tăn không? Nếu không lăn tăn thì hãy làm. Yên tâm! Anh nói là anh làm được. Chú sẽ đỗ!”.
Đáp lại, phóng viên cũng cười toe toét bởi “Hợp đồng “chạy” trường” giữa tôi và Thuyên đã chính thức có hiệu lực.
“Anh chỉ có 5 suất”
Sau khi nộp 29 triệu đồng tiền đặt cọc cho việc “chạy” trường, phóng viên tiếp tục đặt vấn đề với Thuyên là có một người bạn muốn nhờ Thuyên “chạy” vào khoa Bóng đá, cũng của Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Được Thuyên đồng ý, phóng viên đã dẫn một đồng nghiệp đến gặp Thuyên và nói: “Đây là người đang cần “chạy” vào khoa Bóng đá. Cậu này từng là thủ môn của đội tuyển trẻ Yên Bái, rất có năng khiếu. Mong anh giúp!”. Thuyên đáp lời: “Kể cả chú là tuyển thủ nhưng nếu không “chạy” thì đố chú thi qua được phần thi năng khiếu. Nhưng yên tâm, nếu để anh lo thì sẽ ổn. Chú suy nghĩ kỹ rồi sớm trả lời anh vì anh chỉ “chạy” được 5 suất”.
Về sau, lấy lý do gia đình người bạn trên không tán thành, phóng viên đã báo lại với Thuyên: “Người mà em dẫn về giới thiệu không “chạy” nữa anh ạ!”. |
Bùi Thọ Phước