Lấy văn minh sông Hồng làm nền tảng
Hội nghị được tổ chức vào ngày 28/12, do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình chủ trì với chủ đề “Hợp tác - Phát huy thế mạnh – Cùng phát triển”. Tham dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Trần Song Tùng - Ủy viên ban thường vụ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, bà Đặng Hương Giang - giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cùng đại diện các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Nam Định.... và hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trên cả nước.
|
Ông Hà Văn Siêu đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển trong đó lấy du lịch văn hóa làm hạt nhân, lấy các giá trị văn minh sông Hồng làm nền tảng. |
Tham dự Hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - khẳng định những giá trị quý báu của Đồng bằng sông Hồng cho việc phát triển du lịch: "Đồng bằng Sông Hồng là cái nôi, kho tàng lịch sử - văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ; chiếm hơn 90% về số lượng các danh hiệu thế giới do UNESCO xếp hạng cũng đứng đầu với quần thể danh thắng như: Tràng An, vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, ca trù, dân ca quan họ, khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng... Đây được còn là vùng đất cổ có nhiều truyền thuyết, di tích lịch sử gắn với tâm linh của người Việt như: cố đô Hoa Lư, khu di tích thành nhà Trần, Yên Tử, nhiều làng nghề truyền thống cùng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với nền văn minh lúa nước nổi tiếng.
Trong việc liên kết để phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Hà Văn Siêu đề nghị các tỉnh tập trung vào những nội dung như đầu tư phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số, liên kết trong đào tạo nhân lực du lịch. Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần chú trọng phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển trong đó lấy du lịch văn hóa làm hạt nhân, lấy các giá trị văn minh sông Hồng làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, mang tính cạnh tranh cao dựa trên các Di sản văn hóa thế giới gắn với văn minh sông Hồng, Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, các Di sản thiên nhiên thế giới, các khu dự trữ sinh quyển và các tài nguyên khác được UNESCO vinh danh; các di tích cấp quốc gia đặc biệt trên địa bàn vùng. Ngoài ra, cần nghiên cứu mở rộng, phát triển một số loại sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao - mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch MICE...
Với vai trò đại diện cho địa phương chủ trì hội nghị, ông Trần Song Tùng - Ủy viên ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - tự hào khẳng định những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử của Ninh Bình. Ông cho biết, Ninh Bình có đến 1.821 di tích lịch sử, văn hoá. Đặc biệt, có những địa chỉ có giá trị cao như quần thể danh thắng Tràng An đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, vườn quốc gia Cúc Phương, di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính…
|
Ngành Du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới |
Ông khẳng định: Ngành Du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn, những chính sách ưu đãi đặc biệt cho du lịch, ông tin rằng ngành du lịch của tỉnh đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh.
"Trong những năm tới, du lịch Ninh Bình sẽ tiếp tục thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. 2023 sẽ là những tỉnh có khách du lịch đến nhiều nhất." - ông Tùng khẳng định.
Trong bối cảnh đáng tự hào khi "Du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, hình ảnh và thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch thế giới", ông Tùng đưa Ninh Bình vào bức tranh chung của Du lịch vùng đồng bằng sông Hồng. Ông cho biết Ninh Bình đã và đang sát cánh cùng các tỉnh, thành phố trong vùng, không ngừng tìm tòi đổi mới, phát huy tiềm năng thế mạnh, xây dựng và phát triển bền vững. Ông cho biết những việc làm cụ thể của Ninh Bình trong việc kết nối này như: ký kết các văn bản hợp tác, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn về du lịch,....
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tính liên kết vùng vẫn chưa được như mong muốn; các địa phương chưa thể hiện hết được tiềm năng du lịch của mình.
"Các tỉnh, thành phố trong vùng cùng liên kết xây dựng, khai thác các sản phẩm đặc thù của địa phương, mỗi địa phương cần có những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể du lịch vùng, gắn với du lịch xanh, bảo tồn di sản và bản sắc văn hóa." - ông Tùng đề nghị.
"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau"
Với vai trò người đứng đầu ngành du lịch của Ninh Bình, ông Trần Văn Mạnh – Giám đốc Sở du lịch tỉnh Ninh Bình - cũng thừa nhận liên kết vùng là tính tất yếu trong phát triển du lịch. Điểm qua những nét đặc sắc của Hà Nội và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Mạnh đề cao giá trị của di sản văn hóa. "Khi có hoạt động du lịch, vùng văn hóa trở thành tài nguyên du lịch." - ông nói. Ông cũng đưa ra 5 giải pháp cho bài toán liên kết du lịch của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, với phương châm "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau.
Tự hào với truyền thống có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của thành phố Hà Nội, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết hiện Hà Nội được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo nhất trong cả nước, đặc sắc trong khu vực và trên thế giới. Hà Nội hiện là trung tâm du lịch tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước.
|
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội |
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết trong kế hoạch cho mối liên kết vùng, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng để góp vào bức tranh du lịch chung, sẽ liên kết với các địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc biệt như hành trình qua các kinh đô Việt cổ: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định; trục tâm linh chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình), du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp....
Đóng góp ý kiến cho việc phát triển du lịch của vùng đồng Bằng Sông Hồng ông Trần Huy Đức, Trưởng Bộ môn, Khoa Du lịch và khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đề nghị-nên chú ý đến việc xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch hay thương hiệu điểm đến để thu hút các đối tượng khách du lịch mục tiêu khác nhau. Các địa phương cần xác định những giá trị cốt lõi và những hệ giá trị khác mà vùng, điểm đến du lịch đó có, hoặc tạo lập mới, phát triển và duy trì.
Tại hội nghị, PGS TS Phạm Hồng Long – Khoa Du lịch – ĐH KHXH NV: Khẳng định tiềm năng của Đồng bằng sông Hồng là vùng lõi của văn hóa Việt Nam, hội tụ văn hóa đặc trưng nhất của Việt Nam: Nông dân, nông nghiệp, xóm làng.Tuy nhiên theo ông, sản phẩm du lịch ở các địa phương còn có sự trùng lặp, có tính mùa vụ, liên kết vùng chưa mạnh mẽ.
"Phải có những sản phẩm du lịch đặc trưng của văn hóa Việt Nam; du lịch làng quê, nông nghiệp nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch tìm hiểu di tích, khảo cổ, bảo tàng ở các làng quê.; du lịch kết hợp thăm quan di sản văn hóa và thưởng thức nghệ thuật mang tính trải nghiệm..." - ông Long góp ý.
Cũng tại Hội nghị hôm nay, đại diện cho gần 100 doanh nghiệp lữ hành vừa tham gia chuyến trải nghiệm trục tâm linh của thành phố Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình, ông Lương Duy Doanh - giám đốc công ty Fivestar travel - đã có những đóng góp cụ thể cho tour du lịch mà ông vừa được trải nghiệm. Thừa nhận những giá trị văn hóa của các điểm đến, tuy nhiên ông Doanh mong muốn các địa phương cần có sự hỗ trợ để tạo cơ sở hạ tầng tốt hơn nhằm phục vụ du khách, kéo dài thời gian lưu trú và trải nghiệm của du khách nhằm khai thác tối đa lợi thế của du lịch đối với sự phát triển kinh tế của địa phương.
"Chùa Hương cần có quy hoạch tốt hơn nữa về sản phẩm phụ trợ để du khách cảm nhận được sự đặc trưng, thân thiện môi trường. Từ chùa Hương đến Tam Chúc, hành trình này chỉ có 7km. Nhưng đôi khi, sự rút ngắn đó lại hạn chế trải nghiệm, lưu trú của khách du lịch. Tôi đang tính đến việc áp dụng hình thức caravan cho chặng này.
Với Tràng An, đoàn đầu tiên đi bộ dưới rừng nguyên sinh, du khách được cảm nhận hơi thở, không gian sinh thái rất thú vị. Chúng tôi đang cần những sản phẩm đó."
Ông Doanh cũng mong muốn Ninh Bình nói riêng và các địa phương trong Vùng ĐỒng bằng sông Hồng nói chung khi phát triển du lịch cố gắng tối đa thân thiện nhất với môi trường, tránh tác động tới tự nhiên. "Tôi rất ấn tượng với tour đi trong vùng lõi Tràng An." - ông bày tỏ.