Than ăn cắp vẫn ào ạt vượt biên

Hai năm sau cuộc chiến chống than lậu, Quảng Ninh vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn than khai trường bị rút ruột rồi chảy sang Trung Quốc. Tài nguyên quốc gia bị đánh cắp, dòng tiền từ vàng đen đổ vào túi những “ông trùm”.

Hai năm sau cuộc chiến chống than lậu, Quảng Ninh vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn than khai trường bị rút ruột rồi chảy sang Trung Quốc. Tài nguyên quốc gia bị đánh cắp, dòng tiền từ vàng đen đổ vào túi những “ông trùm”.

Nhiều tàu chở than sau khi rời bến đã  “bẻ ghi” sang Trung Quốc - (Ảnh:   P.H.S)
Nhiều tàu chở than sau khi rời bến đã “bẻ ghi” sang Trung Quốc - (Ảnh: P.H.S)
Sau chiến dịch ra quân truy quét than lậu của tỉnh Quảng Ninh (từ đầu năm 2008), ngày 1.6.2008, Chính phủ yêu cầu ngừng xuất than theo đường tiểu ngạch tại khu vực Vạn Gia, Móng Cái, Quảng Ninh. Hoạt động buôn lậu than qua biên giới tưởng như đã bị chặn đứng.

Đánh tráo phẩm cấp

Tuy nhiên từ khi Bộ Công thương ký Quyết định 1517/QĐ-BCT, ngày 25.3.2009, ban hành quy chế xuất khẩu than chất lượng thấp qua khu Vạn Gia, tình hình than lậu lại nóng lên.

Nội dung quy chế cho phép Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (TKV) được xuất than chất lượng thấp với số lượng không quá 3 triệu tấn/năm qua khu chuyển tải Vạn Gia. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu than đã dùng thủ đoạn gian lận về chất lượng than thu lợi bất chính.

Mới đây, ngày 14.5, tại khu vực gần cụm cảng Nam Cầu Trắng, TP Hạ Long, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tạm giữ 4 chiếc tàu chở than (biển số HP2909, HP1797, BN 0836 và NĐ1854), chở hơn 4.000 tấn than cám do có dấu hiệu gian lận thương mại.

Số than trên được xuống từ cảng Quyết Thắng - Công ty kho vận Hòn Gai (TKV), chủ hàng là một số công ty con của TKV. Kết quả giám định mẫu than do Công an và Viện KSND tỉnh Quảng Ninh trưng cầu một công ty giám định độc lập cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa các phẩm cấp than trong lệnh duyệt với thực tế.

Theo hồ sơ, than chở trên tàu là than cám 7B, qua giám định cho thấy phần trên boong tàu đúng là than cám 7B nhưng phía dưới lại là than cám 6B, thậm chí 6A. Với thủ đoạn này, chủ hàng được mua than với giá than chất lượng thấp nhưng lại chở than chất lượng tốt hơn đi bán, khoản tiền chênh lệch theo đó rơi vào túi một số chủ than vốn đã giàu “nứt vách”.
Tháng 7.2009, trong báo cáo sơ kết thực hiện việc quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển chế biến, tiêu thụ than trên địa bàn Quảng Ninh, bản thân TKV lại tiếp tục thừa nhận: “Tình trạng xuất khẩu than trái phép đi Trung Quốc theo nhiều tuyến luồng vẫn còn diễn ra phức tạp.

Đơn cử, trong tháng 6.2009, Công an thị xã Cẩm Phả đã bắt 2 tàu có nguồn than lấy từ Công ty kho vận Hòn Gai và Công ty kho vận Cẩm Phả chuyển tải cho tàu tải trọng 2.000 tấn của Công ty TNHH vận tải Vân Đồn để xuất đi Trung Quốc”.
Công an Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân và đường đi của những tấn than được đánh tráo nhưng theo một cán bộ cấp cao của tỉnh Quảng Ninh, đây là một trong những thủ đoạn gian lận khá tinh vi.

Trong những vụ tuồn than kiểu này, bộ phận KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) tại bến khi duyệt lệnh đã cho qua, dù họ thừa biết than nào là than tốt, than nào là than xấu (nhiều trường hợp chủ than thông đồng với bộ phận kiểm soát để “đôi bên cùng có lợi”).

Hành vi này càng khó kiểm soát và phát hiện bởi ngoài việc nội bộ thông đồng, hằng ngày một lượng lớn tàu chở than xuất bến nên các lực lượng chức năng không đủ lực để kiểm tra tất cả các tàu.

Bán than trái phép

Chưa có con số thống kê chính xác về số lượng than từ các doanh nghiệp, các đơn vị của TKV bán trái phép than ra ngoài. Tuy nhiên, qua những vụ án liên quan đến nội bộ ngành than do Công an Quảng Ninh phát hiện, khởi tố từ năm 2008 đến nay cho thấy, tình trạng thông đồng giữa lái xe, lực lượng bảo vệ mỏ, cán bộ KCS, nhân viên giám định... rút ruột than bán ra ngoài khá nhiều.

Theo thống kê sơ bộ, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố ít nhất 6 vụ với 61 bị can về các tội tham ô, thiếu trách nhiệm..., lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại các công ty Dương Uy, Nam Mẫu, kho vận Cẩm Phả, Núi Béo...
Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh cách đây 2 năm đã cảnh báo: “Do than ngoài luồng với khối lượng lớn lại được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bằng các quy định 54, 05 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), văn bản số 1294 của TKV cho phép 9 đơn vị được xuất khẩu tiểu ngạch, các đơn vị này đã tự thuê tàu tư nhân vận chuyển than bán sang Trung Quốc dẫn đến tình hình phức tạp, khó kiểm soát... Với khối lượng tiêu thụ than lậu qua biên giới theo đường tiểu ngạch ước tính 10 triệu tấn/năm, với giá than hiện nay thì Nhà nước thất thoát khoảng 4.500 tỉ đồng”.
Tháng 10.2008, Công an Quảng Ninh kiểm tra đoàn sà lan tại khu vực Cửa Dứa trên vịnh Hạ Long, phát hiện không có giấy chứng minh nguồn gốc số lượng 1.035 tấn than đang chở. Theo lời khai của Nguyễn Đức Đào (chủ hàng), đối tượng đã móc nối với một số nhân viên làm công tác tiêu thụ, thống kê, cân điện tử của Công ty than Dương Huy  (thuộc TKV) để ăn cắp than đưa đi tiêu thụ trái phép.

Nghiêm trọng hơn, ngày 5.11.2009, Đỗ Ngọc Thành (Quản đốc phân xưởng Vỉa 1, Công ty cổ phần than Hà Tu - TKV) đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền câu kết với một số đối tượng bên ngoài vào lấy than trong khai trường, bán ra ngoài kiếm lời....

Cũng vào thời điểm cuối năm 2008, tại bãi than của Công ty TNHH Văn Nội thị xã Uông Bí, Công an thị xã Uông Bí, Quảng Ninh đã bắt quả tang một nhóm người đang vận chuyển than trái phép từ bãi xuống tàu Trường Phát 06. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện trên tàu có 400 tấn than cám và trên bãi còn khoảng 200 tấn than cám, toàn bộ số than này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.


Trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án, ông Vũ Văn Nội, Giám đốc Công ty TNHH Văn Nội, có trụ sở tại xã Điền Công khai nhận, thường mua than trái phép của các xe ô tô rồi lợi dụng đêm tối bán cho các tàu, đưa về nơi khác tiêu thụ.

Than lậu vẫn thi nhau "vượt biên"

Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, tình hình hoạt động than lậu tại địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu phức tạp trở lại. Các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ các đối tượng vận chuyển than lậu qua biên giới theo phương thức mới.

Rạng sáng 9.9.2009, lực lượng biên phòng tại khu vực cảng Vạn Gia phát hiện và bắt giữ 3 tàu vỏ gỗ vận chuyển trái phép 105 tấn than. Các đối tượng trên tàu khai đã mua số than trên tại thị xã Cẩm Phả và chở sang Trung Quốc tiêu thụ.

Trước đó, ngày 7.9.2009, tàu tuần tra của Hải đội 2, Biên phòng Quảng Ninh cũng phát hiện và tạm giữ 2 chiếc tàu vỏ gỗ đang vận chuyển 135 tấn than không có giấy tờ hợp lệ đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Đó là tàu mang biển kiểm soát QN-3187 và tàu HP-1677. Người trên hai con tàu này đều khai cùng một nội dung: Số than trên tàu đã được một công ty TNHH thuê vận chuyển sang Trung Quốc bán.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng trên chỉ sử dụng tàu gỗ và tàu vỏ sắt dưới 100 tấn lợi dụng địa hình bám theo các đảo dọc tuyến đường thủy nội địa để vượt biên. Một số đối tượng còn sử dụng tàu 500 đến 1.000 tấn chở than chạy qua khu vực phía ngoài đảo Bạch Long Vĩ, sau đó cho tàu chuyển hướng “bẻ ghi” chạy dọc theo đường phân định để xuất lậu than sang Trung Quốc.

Theo
Phạm Hải Sâm
Thanh Niên

Đọc thêm