Thận trọng với cây cảnh “giả” trong dịp Tết

Hiện tượng cây cảnh “giả mạo” năm nào cũng xuất hiện và cũng không ít người dân bị lừa mua phải, năm nay cũng không phải ngoại lệ.

Cuối năm là thời điểm thị trường cây cảnh trở nên nhộn nhịp. Nắm bắt nhu cầu chơi cây cảnh ngày càng phát triển, nhất là vào dịp Tết, đội quân bán rong cây cảnh có mặt trên các khắp phố phường, vào từng ngõ ngách phục vụ “thượng đế”. Anh Lương Đức Hoàn ở số 1/132, phố Tây Sơn (quận Kiến An) kể, gần Tết năm ngoái, vợ chồng anh mua hai cây hải đường rất đẹp, trồng trong chậu của người bán rong, với giá 500.000 đồng.  Anh cẩn thận kiểm tra kỹ trước khi mua. Nhưng 3 ngày sau, lá cây vẫn xanh nguyên còn hoa cứ thâm xì, rũ xuống. Sau một tuần, toàn bộ hoa héo quắt, bám chặt cành, lá rụng hết, xem kỹ mới biết người ta dùng keo gắn hoa và nụ cho cây.

Những gốc sung thế này 100% đều là quả giả

Chị Lương Minh Hậu ở 280, phố Lê Lợi (quận Ngô Quyền) cũng than phiền, Tết năm trước, gặp một cô xe thồ chở những chậu cây nhỏ, dáng gốc đẹp với những nụ hoa xinh xinh màu đỏ. Cô bán hàng giới thiệu đây  là loại mai hồng điệp mới được lai giống, chuyển từ trong Nam ra. Sau một hồi ngắm nghía xuýt xoa chị quyết định rút ví mua liền 3 cây, với giá theo người bán là “rẻ tới lỗ vốn” cho gia đình và tặng hai bên nội, ngoại mỗi nhà một cây chơi Tết. Ai ngờ, chưa hết tối 30 Tết, chậu mai hồng điệp nhà chị tự nhiên héo quắt, hoa rụng lả tả. Chị gọi điên hỏi người thân mới biết, hai chậu kia cũng hoa héo, lá quắt. Kiểm tra kỹ cây hóa ra những nụ hoa nhỏ xinh kia là nụ hoa dâm bụt kép, còn cây thế dáng “rồng” kia chỉ là một gốc duối thường. Chi Hậu ngậm ngùi mang chậu cây vứt ra xe rác trước khi bước sang năm mới. Chị bảo, năm nay đi đường lại thấy những người bán cây cảnh đi rong trên phố chở đầy những chậu “mai hồng điệp” rao bán, chỉ thương cho những người không biết bị họ lừa.

 

Hiện tượng cây cảnh “giả mạo” năm nào cũng xuất hiện và cũng không ít người dân bị lừa mua phải, năm nay cũng không phải ngoại lệ. Đối với các mặt hàng tiêu dùng khác, Nhà nước có những quy định và chế tài xử lý rõ ràng đối với sản phẩm giả mạo, nhưng với mặt hàng cây cảnh thì chưa. Mua nhầm cây giả, cây héo của hàng rong cũng không biết bắt đền ai, vì chẳng biết tìm người bán ở đâu. Vì thế, khi đi mua cây cảnh chơi Tết, người mua phải cảnh giác và trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về loại cây định mua.

 

Bác Trần Đức Chinh, một người trồng cây cảnh lâu năm ở thôn Kiều Trung, xã Quốc Tuấn (An Dương) cho biết thêm, những ngày cận Tết là thời điểm cây cảnh giả xuất hiện nhiều. Hiện trên thị trường xuất hiện những cây cảnh được “phục dựng” tinh xảo. Chỉ với một chút keo dán, họ có thể tạo nên nhiều cây cảnh đẹp mắt; chủ yếu đưa cho những người đi bán rong tiêu thụ. Theo bác Chinh cây cảnh có nhiều loại, giá cũng tuỳ từng tuổi thọ của cây. Những cây cổ thụ thì khỏi nói, vì giá của chúng rất đắt. Nhà bình dân nên mua loại cây cảnh dăm ba trăm nghìn đồng, vừa đẹp,  vừa khoẻ. Không nên mua cây cảnh của những người bán rong, đẹp mã nhờ người bán hàng dùng “mẹo” tạo nên. Nên mua cây cảnh ở những vườn hoa kiểng, cửa hàng cố định. Khi mua nên chú ý xem kỹ cuống lá, cuống hoa xem có bị gắn hay nối không, tránh mua cây cành non mà có nhiều quả. Bởi người “phục dựng” cây cảnh có thể làm cho cây không quả thành có quả chi chít quanh gốc, nếu thân cây, cành ít thì họ gắn thêm cành, lá. Đối với loại cây có trái, chủ yếu họ gắn quả cho cây sung, cây khế cảnh... Còn với các loại cây có sức sống khoẻ như bonsai, lộc vừng, si... chết “yểu” là do cây chiết non, bị đứt rễ gốc và do cành lá được cắt tỉa đôi chút rồi cho vào chậu đem bán.

 

Ngoài ra, người trồng phải có những hiểu biết nhất định về điều kiện của từng cây để có cách chăm sóc phù hợp. Nên hỏi kỹ người bán cây để hiểu rõ đặc điểm của từng loại. Khi chọn cây phải coi trọng gốc cây, gốc có to khoẻ,  cây mới mạnh. Tùy từng loại cây mà trồng vào chậu cảnh thích hợp. Đặt chậu cảnh phải để đúng chỗ, nơi có nhiều ánh sáng tạo điều kiện cho cây hấp thụ.

 

Bài và ảnh: Mai Hoàng

Đọc thêm