Thăng trầm “cuộc đua” lãi suất

Một câu chuyện tưởng đã đi vào dĩ vãng lại vừa quay trở lại. Trong khi NHNN tìm mọi cách để “hãm” lãi suất huy động, thì cuộc đua lãi suất, dù “sớm nở tối tàn” đã gieo vào lòng khách hàng không ít sự ngờ vực.

 Một câu chuyện tưởng đã đi vào dĩ vãng lại vừa quay trở lại. Trong khi NHNN tìm mọi cách để “hãm” lãi suất huy động, thì cuộc đua lãi suất, dù “sớm nở tối tàn” đã gieo vào lòng khách hàng không ít sự ngờ vực. 

Ảnh minh họa.

Loạn lãi suất kỳ hạn dài

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định cho phép thỏa thuận lãi suất ở kỳ hạn trên 12 tháng, sau khoảng thời gian ngắn nghe ngóng, một cuộc đua lãi suất kỳ hạn dài đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) tái khởi động.

Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã cập nhật biểu lãi suất mới nhất, theo đó nâng mức huy động cao nhất lên tới 12%/năm, áp cho kỳ hạn 24 tháng. Riêng sản phẩm tiết kiệm lãi suất bậc thang, với các khoản tiền gửi lớn trên 1 tỷ đồng, từ 12,6% - 12,8%/năm.

Trong khi đó, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank (EIB) cũng áp lãi suất cao nhất là 12%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Tại ngân hàng Techcombank, lãi suất huy động bằng VND đã được điều chỉnh tăng lên 11%/năm - 11,9%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn 12, 13,15,18, 24 và 36 tháng.

Ngân hàng KienLong Bank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động cao nhất 12%/năm đối với các kỳ hạn 12, 18 và 24 tháng. Các kỳ hạn 36 tháng và 60 tháng có mức lãi suất 11%/năm. OceanBank cũng đã điều chỉnh mức lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên 10%/năm, kỳ hạn từ 13,15, 18, 24 tháng trở lên là 10,2%/năm và đặc biệt từ 36 tháng trở lên là 10,5%/năm.

Còn Ngân hàng Phương Tây (WesternBank) tạo nên hiện tượng trên thị trường với lãi suất lên tới 14%/năm áp dụng riêng cho kỳ hạn 13 tháng trong chương trình “kỳ hạn duy nhất lãi suất cao nhất”.

Ông Nguyễn Thành Vinh - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính -  đã bình luận, khó có ở đâu lãi suất huy động lại luôn có cuộc đua gay cấn như Việt Nam. “Khi áp trần lãi suất thì các ngân hàng thi nhau lách trần, còn khi bỏ trần huy động thì ngay lập tức lãi suất được đẩy lên cao ngất ngưởng” – ông Vinh nói.

“Cuộc đua” lạc lõng

Chỉ 4 ngày sau khi đưa ra mức lãi suất huy động “hiện tượng”, ngày 18/6, WesternBank công bố áp mức lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng từ 14%/năm xuống còn 12,5%/năm. Động thái này của WesternBank và việc nhiều ngân hàng không đẩy lãi suất lên cao hơn cho thấy, nhiều khả năng cuộc đua lãi suất không xảy ra ở mức khốc liệt.

Vẫn theo nhận định của ông Vinh, việc một số ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ, đưa lãi suất lên cao, cũng khó có thể tạo ra “cơn lốc” tại thời điểm này. Bởi, huy động cao dẫn đến cho vay cao, mà lúc này tìm được khách hàng vay “đảm bảo an toàn” đã khó, tìm khách hàng vay với lãi suất cao còn khó hơn. Mà các ngân hàng dang  phải đối mặt với tái cơ cấu trong toàn hệ thống, phiêu lưu là điều mà không ngân hàng nào tha thiết.

Còn đối với nhiều khách hàng, thay vì kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng là những kỳ hạn trước đây được ưa chọn, nay các kỳ hạn dài hơn như 6 – 9 – 12 tháng được lựa chọn nhiều hơn. “Tuy nhiên, việc đột nhiên có ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao rồi lại nhanh chóng hạ xuống khiến tâm lý khách hàng không khỏi dao động.

Hiện, chúng tôi nhìn thấy xu hướng lãi suất tiếp tục giảm sâu hơn, nhưng nếu chính sách này còn duy trì và đột nhiên các ngân hàng thay đổi biểu lãi suất, thì tác động không nhỏ vào lựa chọn của khách hàng” – bà Nguyễn Thị Lan, khách hàng của một ngân hàng trên phố Kim Mã (Hà Nội) - chia sẻ.

Bách Linh

Đọc thêm