Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua, lấy niên hiệu Minh Đức. Hai năm sau, năm 1527, ông nhường ngôi cho con, về ở ẩn tại làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng – nơi ông sinh ra để xây dựng lên Thành nhà Mạc – đô thị ven biển đầu tiên của Việt Nam, là trung tâm chính trị, kinh tế thứ 2 sau kinh thành Thăng Long.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Thành nhà Mạc từng bị lãng quên nhưng đã được Hải Phòng phục dựng để tưởng nhớ một vương triều đã ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc...
Toàn cảnh khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc |
Vương triều áo vải
Theo Toàn thư và Đại việt thông sử, Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Sinh ra ở vùng biển, thủa thiếu thời, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Trong cuộc thi tuyển dũng sĩ đời vua Lê Uy Mục tại Giảng võ đường Thăng Long, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ.
Trong giai đoạn này, triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đang Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn…, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công...
Năm 1527, ông được triều Lê phong làm thái sư An Hưng Vương. Tháng 6 năm 1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Học theo nhà Trần, trị vì được hai năm, đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng thành nhà Mạc tại vùng đất Hải Phòng ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dâng hương tưởng niệm Vương triều nhà Mạc |
Nhà sử học Phan Huy Chú ghi nhận, Mạc Đăng Doanh là ông vua tính khoan hậu, luôn giữ đúng pháp độ, cấm hà khắc, tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Trên các vùng đất nhà Mạc cai quản, do sản xuất nông nghiệp được triều đình chú trọng, nên mùa màng bội thu.
Được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi là thời trị bình. Dương Văn An - vị thượng thư trong triều đại Mạc Phúc Nguyên viết về vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam dưới thời nhà Mạc cai quản: “Tháng 4, tháng 5 lúa chín đầy đồng, gặt hái không kịp. Tháng 6, tháng 7 thả trâu ngoài đồng, cả tuần không cần chăn dắt”.
Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã cho thấy rõ sự phát triển đó. Ví dụ như ở Hải Dương - vùng đất căn bản của nhà Mạc, các cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều đồ gốm thế kỷ XVI. Cuộc khai quật vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã phát hiện con tàu cổ chở gốm sứ thời Mạc xuất khẩu ra nước ngoài bị đắm.
Nghiên cứu những hiện vật phát hiện được ở hai địa điểm đó đã cho thấy thế kỷ XVI của nhà Mạc là thời kỳ phát triển rực rỡ của gốm hoa lam Việt Nam, đồng thời phản ánh sự phát triển trong giao thương buôn bán của người Việt thời bấy giờ.
Đặc biệt, trong sản xuất, vai trò của người lao động rất được tôn trọng, nhiều đồ gốm, tượng đá đã được ghi rõ họ tên người sản xuất và người đặt hàng. Việc buôn bán trong nước được đẩy mạnh, trong các văn bia thời Mạc đã ghi rõ những hoạt động xây cầu, lập chợ của các chính quyền địa phương, đặc biệt là vùng triền sông, ven biển. Các đô thị lớn như Thăng Long, Phố Hiến đi vào sự phồn vinh.
Đặc biệt, triều Mạc chỉ tồn tại trong 65 năm, một giai đoạn lịch sử ngắn trong hàng nghìn năm chế độ phong kiến nhưng với chủ trương: “Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái…”. Triều Mạc đã tổ chức được tất cả 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên. Xuất thân khoa bảng dưới triều Mạc, có nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải...
Một khu tưởng niệm xứng tầm
Với quan điểm hiện đại, với cách nhìn mới nhằm làm rõ được các mặt tiến bộ và hạn chế của các triều đại phong kiến, một triều đại mang diện mạo của một thời thịnh trị. Tuy thời gian trị vì ngắn ngủi, lại luôn luôn trong tình trạng không ổn định vì phải gắng sức chống thù trong, giặc ngoài (Lúc này, một mặt nhà Mạc phải chống nhau với các thế lực thù địch của nhiều phe phái dưới danh nghĩa phù Lê, mà tiêu biểu là lực lượng của Nguyễn Kim, sau là nhà Trịnh ở Thanh Hoá - cục diện đó đã đưa lịch sử dân tộc rơi vào cuộc nội chiến Nam - Bắc triều.
Vương triều Mạc tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị lực lượng phong kiến nhà Trịnh với danh nghĩa phù Lê đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592. Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592). |
Với những cải cách và một chính sách khôn khéo trong ngoại giao, Mạc Đăng Dung và triều đình nhà Mạc đã đưa đất nước tránh được cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc, ổn định tình hình trong nước, thúc đẩy nền kinh tế ổn định và phát triển.
Để tưởng nhớ vương triều nhà Mạc đã có những chuyển biến tích cực, ghi dấu sự phát triển nhiều mặt và đã để lại nhiều bài học quý giá cho lịch sử trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Từ năm 2004, Từ đường họ Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ VH-TT&DL, TP Hải Phòng được phục dựng Dương Kinh - kinh đô thứ hai của Nhà Mạc. Năm 2009, Khu tưởng niệm Vương triều Nhà Mạc đã được Hải Phòng khởi công. Đến nay, Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan rộng hơn 10,5 ha đã hoàn thành giai đoạn một. Các công trình nhà Thái Miếu – nơi đặt linh vị hoàng đế Mạc Đăng Dung cùng các công trình Chính điện, Hậu cung đã được phục dựng.
Khu tưởng niệm vương triều Nhà Mạc không chỉ là công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Công trình còn lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, biểu tượng cho sức mạnh, sự thành công. Đó chính là Bảo Long Đao – võ khí của Thái tổ Mạc Đăng Dung hiện đang được lưu giữa tại nhà Thái Miếu.
Theo các nhà sử học đương đại, cả châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo, gồm thanh Long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và thanh Bảo Long Đao của Mạc Thái Tổ, đang được lưu giữ ở đây. Bảo vật có trên 500 năm tuổi, là một trong hai thanh đao nặng nhất thế giới với trọng lượng 25kg (trọng lượng hiện nay) và ước tính khi chưa bị han gỉ có thể nặng tới hơn 30kg, nặng hơn cả Đại Long đao mà Quan Văn Trường từng tung hoành giữa vạn quân như chốn không người.
Thanh bảo đao 500 tuổi- Binh khí độc đáo thời nhà Mạc |
Khi Mạc Thái Tổ băng hà, Đại Long Đao được đem về thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ lăng miếu, đã giả làm nhà buôn, mang theo long đao của Tiên đế xuống thuyền rời Đồ Sơn, xuôi đến vùng đất Kiên Lao, Xuân Trường, Nam Định định cư. Nghe lời Quốc công Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông cùng gia quyến đổi sang họ Phạm để tránh bị nhà Trịnh truy sát diệt vong.
Tương truyền, Đại Long Đao là vật biểu trương cho sức mạnh và sự thành công, nếu được tận mắt chứng kiến, chạm vào thì người đó sẽ có được sự "hưng phát về quyền lực", sức mạnh về lý trí và sự thành công. Triều vua Minh Mệnh (1821), Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến địa.
Họ Phạm ở làng Ngọc Tỉnh, Kiên Lao – Nam Định đã kịp thời chôn giấu, không để mất long đao của Tiên đế. Nhiều năm trôi qua, dấu tích nơi chôn giấu không còn, long đao bị thất lạc. Năm 1938, họ Phạm làng Ngọc Tỉnh tiến hành trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, đã tìm thấy đại long đao dưới lòng đất sau hơn 90 năm thất lạc. Lúc này, đại long đao đã bị gỉ sét ăn mòn. Năm 2010, nhà Thái Miếu tại Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc khánh thành, thanh Bảo Long Đao được chi họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh nghinh rước báu vật về Thái miếu.
Với việc phục dựng Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc, quá khứ oai hùng của một triều đại đã nằm dưới lòng đất hơn 400 năm, kể từ khi bị chúa Trịnh Tùng tàn phá, giờ đã được tái hiện phần nào nhằm ghi lại dấu ấn sự phát triển nhiều mặt một triểu đại đã để lại nhiều bài học quý báu cho lịch sử…
Linh Nhâm