Thanh tra Chính phủ kết luận về dự án Co.opmart Kon Tum: Thất thu ngân sách 68 tỉ do tùy tiện, lạm quyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng Siêu thị Co.opmart tại Kon Tum, các cơ quan chức năng của tỉnh này bị cho là đã tùy tiện, lạm quyền, thiếu trách nhiệm... dẫn đến nhiều sai phạm, gây thất thu ngân sách hơn 68 tỉ đồng.
Siêu thị Co.opmart Kon Tum.
Siêu thị Co.opmart Kon Tum.

Hàng loạt ưu ái bất thường cho nhà đầu tư

Dự án có diện tích 8.653,7m2 do Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM làm chủ đầu tư tại đường Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP, đây là dự án sử dụng khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt của tỉnh, nhưng khi triển khai, UBND tỉnh Kon Tum lại không thực hiện mà giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (TTPTQĐ) tổ chức xác định giá trị tài sản còn lại trên diện tích đất nhằm tạo mặt bằng sạch phục vụ đầu giá đất và giao tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất.

Thậm chí, giữa 2016, Sở TN&MT tỉnh này được cho là dựa trên một văn bản của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) để tham mưu cho tỉnh dự án còn thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, nên được miễn tiền thuê đất và không phải đấu giá đất.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố cho thấy, diện tích hàng ngàn m2 đất nói trên có nguồn gốc là nhà đất công, do Trung tâm văn hóa, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh (thuộc Sở VH,TT&DL) quản lý, sử dụng. “Việc UBND tỉnh Kon Tum giao TTPTQĐ tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất, mà không sắp xếp, xử lý tài sản công là không đúng Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ”, theo TTCP.

TTCP thông tin, thực tế khu đất 8.704,3m2 vốn là một thửa đất liền thửa đã được TTPTQĐ bàn giao cho chủ đầu tư quản lý từ tháng 1/2017 nhưng lại được tách làm 2 phần cho thuê làm 2 lần. Trong khi chưa có quyết định đơn giá đất cụ thể cho phần diện tích lần đầu (5.425,9m2) và cũng không thấy chỉ đạo xác định giá đất cụ thể cho toàn bộ thửa đất, nhưng ngày 2/8/2017, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản thống nhất cho thuê thêm phần còn lại với diện tích 3.227,3m2. Việc làm này không chỉ làm tăng chi phí xác định giá đất 2 lần mà còn dẫn đến có thể chưa xác định hết giá trị lợi thế thương mại của thửa đất có 3 mặt tiền.

Với phần diện tích thuê bổ sung, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cho thuê để thực hiện dự án khi chưa điều chỉnh quy hoạch, cũng là vi phạm Luật Đất đai 2013; UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể (khi chứng thư thẩm định giá đất đã hết hiệu lực) là sai, vi phạm Luật Giá số 11/2012/QH13 và Tiêu chuẩn thẩm định giá kèm theo Thông 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính.

Yêu cầu chấm dứt tình trạng tham mưu tùy tiện

Kết quả thanh tra còn cho thấy, đến thời điểm cuối 2019, dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư, chưa nộp tiền thuê đất, cần phải chấm dứt hoạt động; nhưng Sở KH&ĐT Kon Tum không thực hiện theo quy định mà ngược lại có văn bản đề xuất tỉnh cho triển khai hoạt động kinh doanh trên phần diện tích khu đất.

Theo TTCP, đề xuất này là vi phạm Luật Đất đai 2013, không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao; trong khi Sở TN&MT thậm chí còn bị đánh giá là “tuỳ tiện, lạm quyền” khi vào tháng 4/2020, còn có văn bản gửi Cục Thuế đề nghị tính tiền thuê đất cho chủ đầu tư khi chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Với các động thái buông lỏng quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng trên của một số sở, ngành; dẫn đến chủ đầu tư đã lát nền bê tông toàn bộ để làm bãi để ô tô, dựng dãy ki ốt cho thuê mặt góc đường Lê Hồng Phong - Bà Triệu nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, việc cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính của dự án cũng được cho là thiếu trách nhiệm, có nguy cơ làm thất thu ngân sách, đã để DN chiếm dụng tiền thuê đất phải nộp trong khoảng 15 tháng, với số tiền là hơn 68 tỷ đồng từ 1/7/2019 (thời điểm ban hành quyết định giá đất) đến thời điểm thanh tra (năm 2020), cần phải xử lý kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc.

Liên quan đến các sai phạm tại dự án, theo giải trình của UBND tỉnh Kon Tum, vào năm 2015, UBND TP HCM và UBND tỉnh Kon Tum ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh Kon Tum hỗ trợ các thủ tục pháp lý để TP HCM giới thiệu DN đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh.

Theo tỉnh này, lĩnh vực siêu thị thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư và người dân có nhu cầu nên khi Liên hiệp HTX thương mại TP HCM đề xuất đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư thực hiện dự án với lĩnh vực mà địa phương đang cần. “Tỉnh không sắp xếp, xử lý tài sản công nhưng đã tổ chức xác định giá trị còn lại đảm bảo theo quy định, nhà đầu tư đã bồi thường tài sản trên đất trước khi đầu tư xây dựng”, tỉnh Kon Tum đưa ra lý do.

Tuy nhiên, từ kết quả thanh tra, TTCP kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành. TTCP kiến nghị thủ trưởng các sở, ngành có liên quan tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm.

Thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum chấn chỉnh, chấm dứt việc giao đơn vị tham mưu sắp xếp, xử lý tài sản công không đúng quy định của pháp luật. Xử lý những nội dung phát sinh do không sắp xếp tài sản khi thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp thiếu tiền thuê đất thì thu hồi, tránh làm thất thu ngân sách nhà nước.

Đọc thêm